Dân giảm ăn tiêu, doanh nghiệp liêu xiêu

Ngày 28/04/2013 06:34 AM (GMT+7)

Mặc dù được hạ lãi vay, giãn thời hạn nộp thuế... song doanh nghiệp vẫn lao đao vì rào cản sức mua thấp, hàng tồn kho “chất núi”.

Sức mua xã hội là một yếu tố quan trọng để phục hồi sự tăng trưởng kinh tế. Song, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, tổng cầu xã hội giảm, tồn kho tăng đã làm cho nền kinh tế rơi vào khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Trong quý I, một số mặt hàng như dịch vụ y tế, nước sạch, năng lượng tăng giá đã làm cho sức mua của tiêu dùng xã hội ngày càng kiệt quệ. Điều này tác động kép tới sự phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, chỉ số giá điện tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2012, cước vận tải đường sắt, đường bộ tăng 10,86%, xăng cũng tăng,... là một gánh nặng cho toàn xã hội.

Trong khi đó, giá các sản phẩm nông nghiệp lao dốc trong tháng 3 vừa qua mới là tác nhân tác động đến sức mua của thị trường nông thôn gồm 60 triệu dân. Theo thống kê, chỉ số bán hàng nông sản quý I đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chăn nuôi giảm mạnh nhất 12%, ngược lại các chi phí đầu vào lại tăng mạnh, lên tới 35%.
Sản xuất giảm sút, tiêu thụ chậm sẽ dẫn tới hàng tồn kho cao. Những ngành có hàng tồn kho cao nhất như sản xuất xe động cơ là 147%; sản xuất giường tủ bàn ghế là gần 145%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất là 142%, chế biến thực phẩm tăng 102%.

Dân giảm ăn tiêu, doanh nghiệp liêu xiêu - 1
Tổng cầu thấp, sức mua của người dân yếu hơn bình thường khiến một số mặt hàng buộc phải giảm giá.

Đáng báo động, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao nhiều tháng nay cho thấy: thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng sản xuất ra không bán được khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, đình trệ sản xuất, thua lỗ, phá sản. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản tăng vọt. Trong viễn cảnh kinh tế chưa sáng sủa, doanh nghiệp hoạt động khó khăn nên người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu làm cho sức mua trên thị trường càng yếu hơn.

Phân tích về chỉ số giá tiêu dùng giảm, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh nhận định, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm ở mức âm trong tháng 3 không phải là một hiện tượng quá bất thường với nền kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, trong vòng 10 năm trở lại đây, hiện tượng này đã lặp lại 3 lần trong các năm 2006, 2007, 2009. Điểm chung của những năm này, CPI trong tháng 3 đều giảm đóng góp lớn của việc giảm giá nhóm hàng lương thực thực phẩm.

Tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ, nguyên nhân CPI năm nay giảm ngoài yếu tố thời vụ còn do yếu tố tổng cầu thấp, sức mua của người dân yếu hơn bình thường khiến một số mặt hàng buộc phải giảm giá. Theo số liệu, các năm 2007, 2009 đều là năm khởi đầu cho những khó khăn và bất ổn của nền kinh tế. Do vậy, việc CPI giảm dù sẽ có những thuận lợi nhất định song đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho một năm tăng trưởng kinh tế còn khó khăn của Việt Nam.

Về diễn biến thị trường thời gian tới, ông Phạm Duy Minh, Học viện tài chính, dự báo khả năng biến động giá xăng dầu vẫn là một vấn đề thường trực; nguy cơ thiếu điện rất lớn; những khó khăn về kinh tế năm 2012 cơ bản vẫn còn nên việc đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát ở một con số, thậm chí thấp hơn 2012 là không hề đơn giản. Ông Minh cho rằng, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần tăng cường quản lý giá cả một số mặt hàng độc quyền như xăng dầu, điện. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt.

Để tăng sức mua, đại diện hiệp hội siêu thị kiến nghị xem xét điều chỉnh thuế VAT khâu bán lẻ ở hai mức 5% và 10% xuống còn 3% và 5%, nếu làm được như vậy sẽ góp phần kích thích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho nhân dân trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra thị trường nhằm chống gian lận thương mại, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả và có kênh phân phối dự trữ phù hợp.
Còn đại diện Bộ kế hoạch Đầu tư khuyến nghị, nhằm kích thích tiêu dùng cần có chính sách cho vay ưu đãi. Cụ thể, cần cho người tiêu dùng được vay ưu đãi lãi suất 0% trong vòng 2-3 năm để mua sắm tiêu dùng, du lịch hay mua nhà ở xã hội.

Về phía doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp tục giảm giá bán, đưa hàng hóa về nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu cả về danh mục đầu tư và phảm phẩm, lao động và quản trị, nguồn vốn và quản trị và có cách tiếp cận phù hợp trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.

Theo ông Phạm Minh Thụy, Phòng Nghiên cứu giá cả thị trường, Viện Kinh tế tài chính, dự báo chỉ số CPI tháng 12/2013 so với năm ngoái sẽ ở mức 10,6-10,7%..

Theo D.Anh (VEF)
Nguồn:

Tin liên quan