EVN cần sòng phẳng về giá điện

Ngày 05/08/2013 17:10 PM (GMT+7)

Nếu EVN lỗ do đầu tư ngoài ngành thì phải tự chịu trách nhiệm chứ không thể tăng giá, bắt người dân, doanh nghiệp chịu thay.

. Phóng viên: Chuyện tăng giá theo cơ chế thị trường là bình thường nhưng theo ông riêng với ngành điện điều này đã ổn chưa?

+ TS Nguyễn Minh Phong: Có một số biểu hiện ổn và chưa ổn. Biểu hiện ổn là đã có xu hướng xã hội hóa, một số công ty ngoài Nhà nước có thể phát điện và mua điện; phải giải trình, giải thích lý do tăng và có công khai các chỉ số, hạch toán dù chưa nhiều.

Còn biểu hiện chưa ổn là về tính thị trường, nhất là chưa tách bạch giữa phát điện và phân phối điện, vẫn là một đơn vị tự làm, tự phân phối, tự định giá nên mới nảy sinh sự thiếu khách quan. Thêm nữa, ngay cả các DN tham gia phát điện vẫn kêu đang bán cho EVN với giá thấp trong khi EVN lại kêu phải tăng giá bán để nâng giá mua. Nhưng thực tế từ trước tới nay, giá họ mua và giá bán là chênh gấp đôi rồi. Mới đây khi trả lời truyền thông, một DN phát điện cho biết giá nhà máy bán cho EVN chỉ 750 đồng/kWh trong khi mọi người đang mua giá điện với mức 1.400-1.600 đồng/kWh. Tại sao phần chênh lệch lại quá cao như vậy? EVN tăng giá bán điện liên tục nhưng vì sao lại không tăng giá mua cho người bán điện khiến họ bị “chết”, không muốn tham gia thị trường này nữa?

EVN cần sòng phẳng về giá điện - 1

Giá điện tăng 5% theo EVN dự kiến thu được 3.500-3.600 tỉ đồng, chưa đủ bù cho khoản giá than, khí tăng. Ảnh: HTD

Thứ ba là các giải trình của ngành điện chưa rõ ràng, đặc biệt là về con số lỗ, lãi, chi phí... Tức là họ chỉ nói một đằng chứ chẳng có kết quả kiểm toán nào cụ thể, chi tiết từ giá điện mua ngoài Nhà nước, chi phí thực tế… Nói chung, kiểm toán về các con số của ngành điện hiện nay chưa làm dư luận hài lòng.

. Còn lý do giá than, khí tăng thì điện phải tăng giá bán thì sao, thưa ông?

+ Lý do đó ai cũng biết nhưng họ chưa giải trình rõ cơ cấu giá than tăng như vậy thì giá điện sẽ như thế nào? Tức là chi phí than, khí chiếm bao nhiêu phần trăm cơ cấu của giá điện. Lại thêm trong bối cảnh hiện nay, thủy điện đang nhiều nước, cộng thêm giá xăng dầu thế giới đang giảm thì sẽ bù trừ nhau như thế nào?

. Hiện EVN có lỗ do đầu tư ngoài ngành nên có ý kiến lo ngại phải chăng việc tăng giá điện là để bù đắp mức lỗ đó? Quan điểm của ông như thế nào?

+ Tôi cũng có nghe một vị trả lời trên truyền thông là EVN lỗ treo mấy ngàn tỉ đồng và việc tăng giá điện có một phần để bù thêm một phần vào lỗ treo đấy. Có hai câu hỏi đặt ra cho ngành điện. Thứ nhất là lỗ này là lỗi của ai? Nếu của ngành điện thì họ phải bỏ tiền túi ra để trả chứ. Thứ hai, nếu tăng giá như thế này thì bao lâu sẽ thu hồi đủ số vốn đã mất đó và thu hồi xong thì ngành điện có giảm giá không? Còn lý do mà mấy ngày qua ngành điện nói tăng giá để lấy tiền đầu tư là lý do không thuyết phục nhất. Vì xã hội hóa ngành điện, tức là phải kêu gọi đầu tư chứ không thể tăng giá điện rồi lấy tiền đó đi đầu tư theo kiểu độc quyền như vậy.

. Vậy có giải pháp nào để hạn chế sự bất ổn của ngành điện không?

+ Giải pháp lớn nhất Bộ Công Thương và Chính phủ đã ra quyết định rồi, đó là phải tách nhanh phần sản xuất và phần phân phối ra. Phân phối thì Nhà nước quản với tư cách phi lợi nhuận, sản xuất thì phải hạch toán theo đúng giá thị trường.

Thứ hai là trách nhiệm hệ thống phân phối, đang có sẵn bao nhiêu, phải đầu tư thêm bao nhiêu nữa cũng phải làm rõ chứ cứ “hô” tăng giá điện để đầu tư chỗ khác nhưng chỗ khác là chỗ nào? Đây là điểm còn quá tù mù.

Thứ ba là cần có cơ chế kiểm soát ngành điện hằng năm, báo cáo các hoạt động để có kiểm toán, quy trách nhiệm, thưởng - phạt xứng đáng. Vấn đề không phải là giá cao hay thấp mà là cách tính giá có minh bạch hay không.

. Xin cảm ơn ông.

EVN phải tự cân đối tài chính

Trả lời báo giới ngày 2-8, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết lần tăng giá điện mới đây chủ yếu do giá than và giá khí tăng mạnh. Theo tính toán của EVN lẽ ra giá bán lẻ điện vừa rồi phải tăng 10% mới bù được chi phí.

Tuy nhiên, sau mỗi lần tăng giá điện, EVN đã thu về một khoản tiền không nhỏ để bù những khoản lỗ trên. Như năm 2012, tổng doanh thu bán điện của EVN lên tới hơn 143.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng. Đặc biệt lần tăng giá ngày 22-12-2012, EVN thu lợi 6.000-7.000 tỉ đồng, trong đó chi 900 tỉ đồng vào chênh lệch giá mua than, 3.800 tỉ đồng mua khí và 3.000 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá. Chưa kể từ đầu năm đến nay, tình hình thủy văn ổn định, doanh thu từ phát điện thủy điện tăng cao; theo đó doanh thu bán điện đạt 81.656 tỉ đồng, tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó chi phí vốn phát điện thủy điện thường thấp hơn nhiệt điện than, khí. Với lợi thế thủy điện đáng ra EVN sẽ phải cân đối được tài chính kinh doanh của mình chứ.

Làm rõ việc tăng giá có hợp lý hay không

Có ba yếu tố hình thành cơ cấu giá điện gồm chi phí phát điện, phân phối, bán lẻ (thuế, phí…). Trong đó chi phí phát điện rất quan trọng, nhất là thủy điện bởi đây là hình thức chi phí thấp, phụ thuộc vào tình hình thủy văn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện. Vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần đặt ra vấn đề tỉ trọng mua điện từ nguồn thủy điện như thế nào để giảm giá bình quân đầu vào, năng lực quản trị của EVN, nỗ lực giảm tổn thất điện năng, chi phí sản xuất ra sao… để khẳng định việc tăng giá của EVN là hợp lý hay không.

EVN luôn nói tăng giá là để bù lỗ, thu hút đầu tư vào ngành điện nhưng thử hỏi chi phí vận hành điện đã tốt chưa, sử dụng nguyên liệu hợp lý chưa? Với những khoản chi và đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà bắt người dân, DN khác gánh thì rất vô lý.

Chuyên gia kinh tế-TS NGÔ TRÍ LONG

Theo Mai Phương - Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá điện tăng