Gà lậu vẫn âm thầm vào chợ

Ngày 18/03/2013 21:48 PM (GMT+7)

Không hoạt động công khai, bày bán phô trương song gà loại thải Trung Quốc vẫn âm thầm “lưu thông” trên thị trường.

Gà lậu được trà trộn vào gà nhà, vận chuyển thẳng về các cơ sở giết mổ rồi cung cấp tới các chợ, hàng ăn với số lượng… không hạn chế!

Bao nhiêu cũng có!

T., một tay buôn gà, vịt lão làng ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, gà loại thải vẫn lưu hành trên thị trường nhưng đã lùi vào hoạt động… ngầm, không bày bán phô trương mà tập kết về các điểm giết mổ rồi mới đổ về chợ và nhà hàng. Đầu mối phân phối gà loại thải Trung Quốc vẫn ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn xuống chợ Hà Vỹ tìm hiểu thì anh này gạt phắt: “Dân Hà Vỹ bây giờ bị cơ quan chức năng và báo chí “soi” nhiều nên cẩn thận lắm, không phải mối quen thì họ không bán đâu”. T. hướng dẫn chúng tôi cách tìm gà loại thải đơn giản hơn là về thôn Bình Đà (xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội). Theo T., đây là “vựa gà” mới của Hà Nội với đủ các loại gà, từ trong nước đến Trung Quốc, từ gà trắng tới gà màu, từ gà thịt công nghiệp đến gà đẻ loại thải...

Theo lời chỉ dẫn của T., chúng tôi tìm về thôn Bình Đà, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Sau một ngày lân la tìm hiểu, chúng tôi cũng bắt mối được với Liên, một chủ lò mổ có tiếng ở thôn. Cơ sở của Liên chủ yếu làm gà công nghiệp, nhưng cô này tiết lộ là có mối bỏ buôn “gà Tàu” (gà loại thải từ Trung Quốc) ổn định với giá cả phải chăng. Hiện Liên nhận giá 85.000đ/kg gà lông (gà còn sống) tại cơ sở và 88.000đ/kg vận chuyển về trung tâm nội thành. Giá gà mổ móc bỏ nội tạng là 120.000đ/kg và chưa móc là 110.000đ/kg.

Chúng tôi tiết lộ nhu cầu mua hàng ngày từ 10 - 15 con “gà Tàu” và nếu hàng đều đặn có thể rủ thêm một số bạn hàng để mua buôn, giảm giá thành vận chuyển. Liên cười: “Nhập bao nhiêu cũng có, mỗi ngày 100 con gà em cũng có hàng”. Liên nói, dù quản lý thị trường kiểm tra gắt gao, lượng gà loại thải từ Trung Quốc về Việt Nam giảm hẳn, nhưng đường dây nhập hàng của cô ta không bao giờ “bị đứt” bởi vận chuyển từ gốc. Chúng tôi gạn hỏi về đầu mối gà, Liên không trả lời nhưng trước đó, khi tôi hỏi giá gà, Liên vô tình buột miệng: “Để em điện xuống Hà Vỹ xem giá bao nhiêu”. Liên còn khẳng định: “Nhà em chỉ làm "gà Tàu" chứ không làm gà Đông Anh”. Theo Liên, hiện nay trên thị trường có khá nhiều gà loại thải từ các cơ sở chăn nuôi tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Loại gà này được bày bán công khai tại các chợ nhưng dân bán quán ăn vẫn chuộng “gà Tàu” hơn, vì "gà Tàu" tỷ lệ thịt cao hơn. Sau khi mổ, gà Đông Anh còn 65% thì “gà Tàu” đạt khoảng 75% trọng lượng.

Thôn Bình Đà còn cung cấp ra thị trường mặt hàng gà loại thải đông lạnh nguồn gốc mập mờ. Theo bà Ngoan, một đầu mối cung cấp gà ở thôn, gà đông lạnh chỉ bao gồm đùi, tỏi và có giá 75.000đ/kg. Loại gà này được các hàng ăn rất chuộng vì có thể thái nhỏ xào sả ớt hoặc chiên. Là mặt hàng đã bị đông thành đá nhưng bà Ngoan cho biết, gà không hề bị bở mà vẫn giữ được dai, giòn. Theo bà chủ hàng, gà đông lạnh được nhập từ công ty, tuy nhiên, hỏi cụ thể công ty nào thì bà… ú ớ. Bà Ngoan tâm sự, trước đây cả làng Bình Đà đều buôn bán “gà Tàu” nhưng hai tháng nay bị quản lý chặt nên lượng gà đổ về thôn bị ngưng lại, chỉ một số đầu mối lớn mới có thể lấy được hàng. Bà Ngoan thật thà: “Người tiêu dùng thì không dám ăn nhưng hầu hết nhà hàng vẫn lấy, người mua làm sao phân biệt được”.

Gà lậu vẫn âm thầm vào chợ - 1
Gà trọc thải loại ở chợ Hà Vỹ vẫn rất đắt hàng

Khó phân biệt

Chúng tôi tiếp tục tìm đến chợ Hà Vỹ, đầu mối phân phối gà chính cho Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Chợ Hà Vỹ được chia thành ba dãy. Ở hai dãy đầu, hầu hết các loại gà từ non tới già đều khá “đẹp mã”. Tuy nhiên, khu vực cuối chợ lại là một hình ảnh khác với gần chục ô hàng toàn gà trọc trụi khắp đầu, thân. Dù vậy, đây lại là khu vực đông người mua, kẻ bán nhất.

Đúng như lời T. cảnh báo, chúng tôi vừa ngỏ ý mua “gà Tàu” về làm phở thì bị một chủ hộ buôn mắng xối xả: “Giờ buôn "gà Tàu" để bị công an bắt à, lấy gà trong nước mà làm”. Nói xong, bà chỉ vào đám gà trụi đờ đẫn đang nhốt trong quây và mấy chiếc lồng bên cạnh. Gà loại thải đẹp có giá 85.000đ/kg nhưng loại gà trụi chỉ có giá dao động từ 82.000 - 83.000đ/kg.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Viết - Trưởng ban quản lý (BQL) chợ Hà Vỹ cho biết, rất khó phân biệt được gà Trung Quốc và gà trong nước. Khi cơ quan chức năng siết chặt quản lý thì thủ đoạn của dân buôn gà lại càng tinh vi hơn. Theo ông Viết, chợ Hà Vỹ hiện có 146/162 hộ thường xuyên kinh doanh, trong đó có 81 hộ chuyên kinh doanh gia cầm. Sau khi sàng lọc, BQL đã “khoanh vùng” được 16

ki-ốt chuyên kinh doanh gà lậu. Tuy nhiên, vụ vận chuyển gà lậu bằng xe du lịch vào chợ hồi cuối tháng Hai thì chủ buôn lại không nằm trong danh sách này mà ở tận Bắc Giang. Tường trình của BQL chợ cho thấy, ngày 27/2, một chiếc ô tô đã tiến vào chợ với mục đích tham quan, mua gà. Tranh thủ lúc bảo vệ lơ là, gần năm tấn gà thải Trung Quốc, đầu cổ trọc lóc nhanh chóng được trà trộn vào những đàn gà trong nước đang bày bán ở chợ.

Ông Viết cho biết, BQL hết sức khó khăn trong việc kiểm soát gà lậu. Lực lượng của BQL mỏng nên cũng khó lòng phát hiện kịp thời mọi dấu hiệu khả nghi của các xe hàng ra vào chợ mỗi ngày.

Ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm phó Trạm thú y huyện Thường Tín cũng cho rằng, vì lợi nhuận của gà lậu quá lớn nên dân buôn bán gia cầm ở chợ Hà Vỹ không từ thủ đoạn nào. Không ít lần cơ quan chức năng phối hợp phục kích tại các bến sông, nơi tập kết gà lậu về Thường Tín nhưng đều bất thành. Mỗi lần thấy động, những tay buôn sẵn sàng hô cả trăm người làng ra hỗ trợ, uy hiếp. Theo ông Tĩnh, nếu muốn kiểm soát chặt gà lậu thì không chỉ quản chặt ở Hà Vỹ mà còn phải phối hợp với các tỉnh để chặn hàng từ đầu mối qua biên giới Việt Nam.

Theo Huyền Anh (Phụ nữ TP.HCM)
Nguồn:

Tin liên quan