Giá xăng phải tăng vì rẻ hơn nước ngoài?

Ngày 30/03/2013 06:19 AM (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, tăng giá xăng dầu là để chống buôn lậu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Đó là trách nhiệm của Bộ Công thương, không được bắt người dân gánh chịu.

Lý do “trời ơi”

Ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 480 – 1.430 đồng/lít, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định quyết định của Bộ Tài chính là hợp lý.

Một trong những lý do mà Liên bộ đưa ra là giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

Các chuyên gia kinh tế tỏ ra không đồng tình với lý do này.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng lý do tăng giá xăng để chống buôn lậu là “ngụy biện”. Lấy ví dụ với nước kề bên là Trung Quốc, vị chuyên gia này thắc mắc: “Tại sao Trung Quốc lại điều hành được, khi giá thế giới tăng họ lại giảm, giá thế giới giảm họ cũng giảm mà mình lại tăng trong khi giá thế giới giảm?”.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không ảnh hưởng nhiều tới thị trường nhiên liệu trong nước. Mặt khác, chống buôn lậu xăng dầu là trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương có Cục Quản lý thị trường mà lại để nguyên liệu chảy qua nước ngoài trong bối cảnh giá trong nước thấp hơn. Đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương”, ông Long nói.

Giá xăng phải tăng vì rẻ hơn nước ngoài? - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định quyết định tăng giá xăng là hợp lý (Ảnh minh họa)

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không đáng kể. Mặt khác, việc chống buôn lậu phải do cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm.

“Người tiêu dùng không thể chấp nhận được lý do này. Đó là ngộ nhận trong quản lý. Cơ quan Quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm, không được bắt người dân phải chịu”, ông Phú nói.

Hậu quả kép

Việc tăng giá xăng dầu kỷ lục vào 20h tối qua (28/3) khiến người tiêu dùng choáng váng. Các chuyên gia cho rằng, điều hành giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính-Công Thương đang đi ngược lại với tuyên bố “điều hành theo cơ chế thị trường” trước đó các Bộ đã đưa ra.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá xăng dầu hôm qua đã đi ngược quy luật thị trường, thể hiện phương pháp điều hành giật cục, tùy tiện của các bộ. Việt Nam phải nhập 70% xăng trên thị trường thế giới nên điều hành giá xăng phải linh hoạt nhạy bén, tuân thủ và vận hành theo luật kinh tế thị trường. Về nguyên lý, giá xăng dầu trong nước phải tăng-giảm theo giá thế giới. Việc tăng giá xăng kỷ lục ngày hôm qua đã đi ngược quy luật: giá thế giới giảm nhưng giá trong nước tăng.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng-giảm giá là bình thường nhưng cần minh bạch. Trong khi gía xăng dầu trên thế giới giảm, Liên bộ lại khôi phục lợi nhuận kinh doanh cho doanh nghiệp; đẩy hoa hồng đại lý lên gấp 3,4 lần…

“Nếu nền kinh tế không minh bạch, công khai, không vì người tiêu dùng thì… hỏng”, ông Phú nói.

Giá xăng phải tăng vì rẻ hơn nước ngoài? - 1
Việc tăng giá xăng dầu kỷ lục vào 20h tối qua (28/3) khiến người tiêu dùng choáng váng (Ảnh minh họa)

Vấn đề được vị chuyên gia này đặt ra là: giá xăng tăng gần 1.500 đồng/lít trên cơ sở nào? Liên bộ cần hạch toán rõ ràng, lỗ-lãi bao nhiêu?

Hậu quả việc tăng giá xăng dầu đã được các chuyên gia mổ xẻ.

Theo ông Phú, hiện tại sức mua trên thị trường rất yếu, “bồi” thêm giá xăng tăng bất thường khiến chi phí vận chuyển tăng, giá cả hàng hóa tăng theo khiến sức mua càng kiệt quệ. “Giá cả sắp tới sẽ tăng nhưng trong sức mua yếu thì sẽ chết. Tồn kho cao. Doanh nghiệp chết. Đây là hậu quả kép của việc tăng giá xăng đột ngột, vô lý”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các cơ quan điều hành điều chỉnh tăng giá xăng để “kéo” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 lên cao sau khi giảm nhẹ vào tháng 3. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác dụng ngược: sức mua thấp; tồn kho tăng cao; nợ xấu khó giải quyết; tín dụng không luân chuyển; tăng trưởng gặp nhiều khó khăn…

“Nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát”, ông Long nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện tượng “ngược dòng” giá xăng dầu trong nước với thế giới được Liên bộ giải thích là “hết quỹ bình ổn” không thỏa đáng.

Theo ông Phong, quỹ bình ổn giá xăng dầu bấy lâu nay Liên bộ sử dụng không phù hợp. Giá xăng dầu thế giới tăng, mang quỹ ra níu xuống khiến mọi dự báo không đúng. Hơn nữa, người dân cảm thấy đang được bao cấp trong khi nguyên tắc là điều hành theo cơ chế thị trường.

“Người dân cảm thấy cơ quan chức năng "lẩm cẩm", tùy tiện, đi ngược thị trường. Bản thân quỹ bình ổn không có giá trị bình ổn mà còn gây hiểu lầm về mặt xu hướng giá và hiệu quả quản lý”, ông Phong nói.

Theo đó, ông Phong cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn giá hoặc chuyển thành Quỹ An ninh năng lượng quốc gia do Nhà nước phụ trách.

Sơn Trà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas