Hàng Việt "vật vã" tìm đường vào siêu thị

Ngày 02/08/2015 22:21 PM (GMT+7)

“Khi tiếp cận với các siêu thị ở TP.HCM chúng tôi mất 15% chiết khấu cho siêu thị. Ví dụ giá bán lẻ 40.000 đồng/kg ngao, chúng tôi phải chiết khấu cho siêu thị 6.000 đồng/kg..."

Tại Hội thảo "Tự hào hàng Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị" diễn ra ngày 31/7, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc công ty thủy sản Lenger Việt Nam cho biết có rất nhiều rào cản để hàng Việt vào siêu thị. 

Ông Nguyên lấy dẫn chứng: Người nông dân rất vất vả để lựa chọn hàng tươi ngon đưa vào siêu thị nhưng dường như khi vào siêu thị lại bị nhân viên “tung, hứng” không thương tiếc, khiến sản phẩm không còn tươi ngon, gây trở ngại cho nhà cung cấp và người sản xuất.

Hàng Việt quot;vật vãquot; tìm đường vào siêu thị - 1

Mức chiết khấu cao là trở ngại khiến doanh nghiệp Việt khó vào siêu thị. Ảnh minh họa

Hay bản thân công ty ông khi đưa hàng vào các siêu thị cũng gặp phải trở ngại do mức chiết khấu của siêu thị khá cao.

“Khi tiếp cận với các siêu thị ở TP.HCM chúng tôi mất 15% chiết khấu cho siêu thị. Ví dụ giá bán lẻ 40.000 đồng/kg ngao, chúng tôi phải chiết khấu cho siêu thị 6.000 đồng/kg và lợi nhuận công ty thu được chỉ từ 500- 1.000 đồng/kg ngao”, ông Nguyên than thở.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, sản xuất trong nước còn manh mún, rất nhiều sản phẩm ngon, sạch, đẹp không vào được siêu thị vì không có VAT, mã vạch, mã số… Nhưng ông cũng đề nghị những siêu thị nào không làm vừa lòng các nhà cung ứng phải xem lại về vấn đề chiết khấu, hoa hồng, phí tạo mã để hai bên "cùng thắng". Các siêu thị phải phát triển chuỗi sản xuất siêu thị và chuỗi siêu thị, làm tăng khối lượng mua, tạo điều kiện để nhà cung ứng thúc đẩy phát triển sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị cũng cho rằng Marketing hiện đại không phải bằng hàng hóa ào ạt, đa dạng mà còn là marketing về mặt quan hệ văn hóa, giữa con người với con người, phải sản xuất những cái thị trường cần. Để hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng cần có văn hóa kinh doanh, trách nhiệm với khách hàng chứ không phải “mua rồi miễn đổi trả lại”. Phải có trách nhiệm đến cùng mới giữ chân được được người tiêu dùng với hàng Việt.

Hơn nữa cần phải quy hoạch lại đâu là siêu thị, trung tâm phân phối, chợ đầu mối.

“Siêu thị là kênh văn minh nhưng đối tượng vào siêu thị là người giàu. Có những người không dám vào siêu thị thì thử hỏi hàng Việt bán ở đâu cho hết. Cho nên chúng ta phát triển chợ đầu mối, phát triển các chợ”, ông Phú nói.

Chỉ ra những khó khăn trong chuỗi kết nối cung ứng từ sản xuất tới siêu thị, ông Phú phân tích: “Các nước chỉ có 2-3 tác nhân trung gian nhưng Việt Nam có 5-7 khâu trung gian. Ví dụ đường Hoàng Anh Gia Lai chỉ 5.000 đồng/kg mà Hiệp hội Mía đường còn phản đối không cho nhập về, trong khi thị trường bán lẻ là 21.000 đồng. Đó là điều hết sức vô lý. Tôi đã chứng kiến những việc ép giá, rất thương người nông dân vì luôn bị ép giá”.

“Trung gian 5 đến 7 cầu thì còn gì là hàng hóa. Giá cả bị đẩy lên, người sản xuất không có gì còn người tiêu dùng phải chịu giá đắt. Phải cởi được nút này mới giải quyết được chuỗi sản xuất hàng hóa và siêu thị”, Ông Phú nhấn mạnh.

Đánh giá về cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, GS.TS Nguyễn Mại cho biết cuộc vận động đã có nhiều thành công, hàng Việt chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã hàng Việt ngày càng có sức hấp dẫn. Song, trải qua 6 năm tiến hành cuộc vận động, có một số vấn đề đã nảy sinh cần có biện pháp xử lý.

Thứ nhất là tình trạng được mùa rớt giá diễn ra thường xuyên đối với một số hàng nông, thủy sản. Hoạt động tình nguyện của thanh niên, sinh viên bán dưa hấu, hành tím, cà chua...giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm cần được biểu dương ở khía cạnh "tương thân tương ái" lẫn nhau nhưng lại ộc lộ khiếm khuyết cả trong sản xuất và phân phối hàng hóa, sự kết nối giữa người sản xuất với siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

Hai là chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm thích ứng với từng loại hàng hóa như may mặc, da dày, điện tử gia dụng, thực phẩm… hệ thống logistic chưa hợp lý, chi phí cơ hội còn cao, làm tăng giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Thứ ba là việc mở cửa thị trường khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm nay, giảm thuế phần lớn hàng hóa nhập khẩu 0% và năm 2018 là cơ hội đồng thời thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp VN. Nếu không có điều chỉnh chiến lược kinh doanh, không thiết lập quan hệ từ sản xuất đến siêu thị, mạng lưới bán lẻ thì khó mà đứng vững trên thị trường.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng GĐ hệ thống siêu thị BigC cũng cho rằng hàng Việt đã có nhiều cải thiện nhưng nếu sản xuất những mặt hàng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cả thì sẽ thất bại.

Trước một số ý kiến cho rằng “đưa hàng vào BigC khó”, ông Dũng khẳng định rằng điều đó không hề khó nếu các nhà sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng, số lượng hàng hóa.

Theo ông Dũng, để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, hiện nay doanh nghiệp này đã thường xuyên tổ chức tuần lễ hàng Việt tại Pháp, xuất khẩu hàng Việt ra thế giới chiếm 30 triệu USD/năm, tổ chức các chương trình khuyến mãi... Bên cạnh đó, BigC đang tâp trung đưa ra các nhãn hàng riêng có giá rẻ hơn 30- 50% sản phẩm cùng loại.

Lý do giá rẻ được ông Dũng chỉ ra: “Các doanh nghiệp chủ động sản xuất hơn, không mất chi phí trung gian bán hàng nên tiết kiệm được nhiều chi phí đến tay người tiêu dùng, giảm thiểu tối đa “ma sát” từ nơi sản xuất đến tiêu dùng”.

Còn ông Lê Khắc Hiệp- Phó chủ tịch Vingroup cho rằng, để phát triển hàng nội địa, kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, hiện nay du lịch chỉ mới quan tâm đến ăn ở, tại sao lại không khai thác tour mua sắm, giới thiệu khách du lịch đến những điểm mua sắm, chất lượng tốt, giá cả rẻ ở Việt Nam.

Theo Diệu Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan