Loay hoay quản lý giá!

Ngày 22/08/2013 06:19 AM (GMT+7)

Các chuyên gia kêu: Điện thì chỉ tính việc tăng giá, xăng dầu thì hay hạ giá không kịp thời!

Trên thị trường, giá cả được hình thành theo quan hệ cung cầu, quan hệ cạnh tranh, quan hệ giá trị và những tín hiệu khách quan khác. Tuy nhiên, thực tế lại tồn tại những thất bại do nhiều nguyên nhân. Do đó, vai trò quản lý nhà nước về giá đóng vai trò quan trọng để khắc phục những tồn tại ấy. Đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tại buổi tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu độc quyền” do Cục Quản lý Giá tổ chức ngày 20-8.

EVN nên minh bạch giá điện

Phát biểu tham luận, chuyên gia kinh tế-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng hoạt động của ngành điện gồm ba khâu: phát điện, truyền tải, phân phối - kinh doanh. Trong đó Tập đoàn Điện lực (EVN) chiếm trên 60% thị phần; truyền tải và phân phối, kinh doanh bán lẻ EVN nắm giữ toàn bộ. Ngành điện vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc truyền thống.

Loay hoay quản lý giá! - 1

Theo TS Ngô Trí Long, EVN nên công khai cơ chế tính giá gắn với tăng chất lượng điện. Ảnh: HTD

Ông Long nói: Từ năm 2009 đến nay giá điện đã điều chỉnh bảy lần song vẫn chưa đáp ứng được ba mục tiêu chủ yếu: hiệu quả kinh tế; công bằng xã hội; tính khả thi tài chính. Cách điều hành giá điện chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán giá thành của EVN, mới tính đến bù lỗ mà không tính đến nguyên nhân, các biện pháp giảm chi phí. Việc điều chỉnh giá chỉ chú ý đến làm tăng giá mà chưa quan tâm đến giảm giá như thủy văn và việc tăng công suất các nhà máy thủy điện, giảm tổn thất... Hoạt động của ngành điện có sự chồng chéo giữa phần kinh doanh và công ích. Năng lực quản lý và hiệu quả kinh doanh của EVN thấp (đầu tư ngoài ngành, tổn thất điện năng cao); cổ phần hóa chậm, sức ỳ lớn vì hoạt động quá lâu trong cơ chế cũ....

Để giải quyết những tồn tại này, ông Long kiến nghị: EVN nên công khai cơ chế tính giá; tăng giá phải có lộ trình, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện; đa dạng hóa các nguồn cung điện, tránh lệ thuộc tối đa vào điện nhập khẩu. “Chỉ khi nào các nhà máy bán điện, khối phát điện, khối truyền tải điện nhanh chóng tách khỏi EVN thì thị trường mới hình thành. Lúc đó, tính cạnh tranh đối với các nhà máy điện khác khi thực hiện mua bán điện sẽ được minh bạch hơn. Chính phủ cần nhanh chóng tách Công ty Mua-bán Điện Việt Nam độc lập với EVN để tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Từ nay đến khi có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo, cần quản lý giá điện căn cứ vào cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh. Để tránh độc quyền áp giá điện bất hợp lý và tránh lũng đoạn, Chính phủ cần cân nhắc điều chỉnh theo từng cấu phần (giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá bán lẻ), đồng thời cần hoàn thiện bộ tiêu chí về các chi phí cơ bản trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện”.

Thành lập cơ quan độc lập giám sát giá?

Về giá xăng dầu, một chuyên gia cho biết hiện dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến các bộ, ngành. Dù chưa được công bố công khai nội dung dự thảo nghị định mới nhưng theo vị này thì hướng nội dung là không cho doanh nghiệp (DN) tự định giá và có thể tính đến phương án giá trần.

Theo chuyên gia này, tính đến nay cả nước có 17 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, Petrolimex chiếm trên 50% thị trường cả nước. Nếu để cho DN định giá (dù trong biên độ hẹp 0%-5%) là trái với cách thức quản lý giá trong cơ chế thị trường và sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Điều này được thấy rõ trong thời gian vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và kiến nghị tăng giá. Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN xăng dầu đã không giảm giá kịp thời” - vị chuyên gia phân tích.

Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long cho rằng nghị định thay thế cần theo hướng không giao quyền quyết giá xăng dầu cho DN dù trong biên độ nhỏ (vì lợi dụng biên độ này, DN sẽ xé nhỏ ra để tăng giá). Nếu còn tình trạng một DN áp đảo thị phần như Petrolimex thì Nhà nước phải là người quyết giá, định giá. “Chính phủ cần lập cơ quan độc lập có nghiệp vụ chuyên môn về giá cả, có thẩm quyền pháp lý thực hiện chính sách định giá sản phẩm độc quyền. Xác định chính xác chi phí sản xuất và quy định được giá tối ưu để tư vấn trình Chính phủ ban hành” - ông Long đề xuất.

Theo Bộ Công Thương, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil hiện chiếm khoảng 20% thị phần xăng dầu, Saigon Petro chiếm 7%. Trong khi đó, Petrolimex chiếm trên 50% thị trường xăng dầu cả nước, với tỉ trọng trên 50% bán trên thị trường cả nước, còn ở các vùng có cạnh tranh cao như Hà Nội hoặc TP.HCM thì thị phần của Petrolimex chiếm trên dưới 40%. Tuy vậy, ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên thì có nơi thị phần của Petrolimex gần như 100%.

Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long

Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan