Người tiêu dùng chưa quen truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Ngày 29/03/2017 01:44 AM (GMT+7)

Quan sát tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tại TP HCM cho thấy người tiêu dùng ít quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng các thương hiệu lớn thì cần gì truy xuất nguồn gốc. Vì vậy khi chọn mua sản phẩm từ các doanh nghiệp lớn, uy tín trên thị trường thì đã yên tâm nên không cần phải truy xuất. Còn đối với các đơn vị chưa nổi tiếng thì người mua cũng ít quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, với nhiều lý do như mất thời gian, tốn tiền kết nối mạng, thậm chí họ còn ngại truy cập qua mạng…

Xem cho biết

Tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội đang nỗ lực kết nối để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã vạch đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt, rau củ quả. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này, nhiều người chọn mua sản phẩm vẫn chỉ chú ý sản phẩm đó có đáp ứng được ý muốn hay không.

Bà Nguyễn Thúy Anh ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cho rằng khi chọn mua rau củ, thịt cá bà chỉ tập trung vào việc xem mặt hàng đó có tươi, còn nguyên vẹn hay không, kế đến là giá cả. Còn việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì chỉ nghe nói để biết chứ chưa có ý định “truy”. Tương tự, nhiều người nội trợ khi được hỏi phần lớn cho rằng đều biết việc truy xuất nhưng cũng chưa “làm” lần nào. Một số người khác cho biết từ khi có thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa họ cũng có làm thử cho biết rồi thôi...

Người tiêu dùng chưa quen truy xuất nguồn gốc sản phẩm - 1

Đa số người tiêu dùng khi mua hàng vẫn chủ yếu chỉ quan tâm tới bề ngoài của sản phẩm. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Tìm hiểu qua các nhà bán lẻ cũng nhận được thông tin là nhiều người mua sắm ít khi sử dụng điện thoại để truy xuất. Ngay cả các thiết bị để sẵn trong siêu thị để người mua có thể truy cập cũng ít khi có người dùng. Các doanh nghiệp ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho biết việc ứng dụng này là cần thiết nên làm vì không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hiệu quả.

Đừng để mỗi nơi mỗi kiểu

Nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt ra tại diễn đàn “Nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp năm 2017” vừa được tổ chức tại TP HCM, cho thấy các sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng qua khá nhiều trung gian nên khó quản lý. Chẳng hạn, dù khâu chăn nuôi, trồng trọt được quản lý tốt nhưng đến khâu lưu thông như đến tay thương lái, đến khâu phân phối, điểm bán lẻ thì mỗi nơi có chủ sở hữu riêng cũng như cách làm riêng dẫn đến sản phẩm không đạt yêu cầu thì lúc đó rất khó truy xuất nguồn gốc tại khâu nào bị lỗi.

Mặt khác, giới chuyên môn cho rằng nên có công thức truy xuất nguồn gốc chung cho cả nước thay vì từng địa phương mạnh ai nấy làm, gây khó khăn cho người chăn nuôi ở địa phương khác. Chẳng hạn như trường hợp TP HCM “đặt vòng” cho con heo trong khi ở Đồng Nai ký hợp đồng với đơn vị truy xuất nguồn gốc. Thực tế, không phải người tiêu dùng nào khi mua thịt heo ở siêu thị cũng lấy smartphone ra để tìm hiểu. Vấn đề là người tiêu dùng cần được bảo đảm khi mua thịt ở nơi nào đó được xác nhận là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thay vì phải dùng smartphone để truy xuất nguồn gốc. Đây là điều bất cập cần tính toán kỹ. Người chăn nuôi cần môi trường an toàn, không chất cấm.

Chăn nuôi heo ở Đồng Nai có mã số và được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y. Người nuôi heo cho rằng họ chăn nuôi an toàn nhưng khi sản phẩm ra thị trường thông qua thương lái, thương lái đưa đến TP HCM là việc của cơ quan quản lý. Ở siêu thị, quầy hàng thịt, sự cam kết với chính quyền là sự an toàn. Những người chăn nuôi cho rằng nếu truy xuất thì phải làm đồng loạt để tạo công bằng. Nhiều mặt hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu không bị truy xuất nguồn gốc nên họ kinh doanh thoải mái so với nguồn hàng trong nước gây bất bình đẳng cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi còn phản ánh chăn nuôi heo đang bị lỗ, trong khi đưa truy xuất vào đã đẩy giá thành tăng lên 6.000 đồng/con. Tương tự, vòng đeo cho heo cũng có mức phí cao.

Nhiều người cho rằng cơ quan chức năng nên kiểm tra, giám sát việc truy xuất nguồn gốc, do có nhiều nơi chào mời hệ thống truy xuất với thông tin truy cập sơ sài, không đầy đủ các tiêu chí. Nếu doanh nghiệp ứng dụng hệ thống này cho sản phẩm của họ chẳng khác nào đánh lừa người tiêu dùng. Chưa hết, giới chuyên môn còn cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp làm ăn gian dối trà trộn hàng kém chất lượng vào trong hệ thống đã được cấp mã QP Code, sử dụng quay vòng tem dán lên sản phẩm kém chất lượng.

Theo Long Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm