Sữa tăng giá không phải do đổi tên

Ngày 22/09/2013 08:01 AM (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên sản phẩm sữa thành “sản phẩm dinh dưỡng” của Bộ Y tế đã làm cho các doanh nghiệp tránh được danh sách sản phẩm bình ổn giá. Nhưng theo Bộ Y tế, việc định danh thay đổi tên gọi không phải là nguyên nhân gây tăng giá sữa trong thời gian vừa qua.

Tên gọi không làm tăng giá

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong khẳng định, Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc liên quan đến giá sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ (vẫn thường gọi là sữa). Theo quy định mới của Bộ Y tế, hàng loạt sản phẩm dành cho trẻ nhỏ đã thay đổi tên gọi từ sữa thành “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “Thức ăn bổ sung”, “Thực phẩm bổ sung”. Việc đổi tên gọi như vậy vì các thành phần trong sản phẩm cho trẻ nhỏ phải đảm bảo phù hợp lứa tuổi, lượng đạm sữa chỉ 11 - 12%, đồng thời phải thêm các vi chất, vitamin giúp cho trẻ tăng trưởng. Trong khi đó, sữa là sản phẩm có lượng đạm 34%.

Sữa tăng giá không phải do đổi tên - 1

Giá sữa tăng do doanh nghiệp đang cố tình lách luật. Ảnh: TL

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc quy định sữa thuộc mặt hàng bình ổn giá đã được thực hiện từ năm 2008, khi Nghị định số 75 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá được ban hành. Từ ngày 1/1/2013, khi Luật Giá có hiệu lực thì việc bình ổn giá đối với mặt hàng sữa chỉ quy định đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Như vậy, việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này.

Đều phải thực hiện liệt kê giá

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, các quy chuẩn kỹ thuật này được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX), được xây dựng hài hòa với tiêu chuẩn của ASEAN. Trước khi các quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực thi hành an toàn thực phẩm đã có công văn Số 516/ATTP-SP ngày 28/3/2013 gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thông báo về thời hạn hiệu lực của các quy chuẩn kỹ thuật và đề nghị Cục Quản lý giá xem xét và áp giá đồng thời cung cấp danh mục các sản phẩm này đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo quy định.

“Vừa qua, Cục Quản lý giá đã có buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm để làm rõ bản chất đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Căn cứ bản chất sản phẩm, 2 cơ quan thống nhất: Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là các sản phẩm sữa và các sản phẩm có chứa sữa dùng cho trẻ dưới 6 tuổi với tên sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em (trong đó gồm cả các sản phẩm dạng bột hoặc dạng lỏng) đều phải thực hiện kê khai giá”, ông Phong nói.

Thông tư 104 năm 2008 của Bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp thường để sau 15 ngày mới tăng giá. Ông Phong cho rằng, như thế là doanh nghiệp lách luật. Vậy nên cần xem lại các quy định khác nữa, chứ không thể khẳng định việc thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá.

Ngày 19/9, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý giá mặt hàng sữa, trong đó nhấn mạnh kiến nghị đưa các sản phẩm có “công dụng như sữa” vào danh mục bình ổn giá.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, ngành tài chính đề nghị Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức... (trước đây là sữa) xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này.

Theo Bộ Tài chính, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Theo Vân Khánh (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan