Tăng lãi suất để huy động USD

Ngày 23/07/2017 00:53 AM (GMT+7)

Nếu độ vênh lãi suất đồng USD giữa Việt Nam và các nước ngày càng giãn rộng thì dễ gây nên hiện tượng chảy máu ngoại tệ.

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu: “Thủ tướng nhắc đi nhắc lại ba lần là NHNN cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD đang nằm trong dân. Thay vì gửi USD với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đôla hóa nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì phải làm sao huy động được nguồn lực trên. Chúng ta vẫn đang phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%”.

Đừng để đôla nằm trong két sắt

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện NHNN cho biết đến nay thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; các nhu cầu hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Đặc biệt NHNN đã bước đầu đạt mục tiêu trong việc chống đô lá hóa nền kinh tế.

Nhiều ý kiến cũng đánh giá việc thực hiện chính sách trần lãi suất huy động USD 0%/năm đã hoàn thành khá tốt sứ mệnh hạn chế sự găm giữ ngoại tệ, ổn định tỉ giá, bảo vệ vị thế của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay khi các điều kiện và bối cảnh để buộc phải áp trần 0% đối với đồng USD đã thay đổi.

Do đó nếu NHNN tiếp tục giữ lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm như hiện nay thì khó thu hút được khách hàng trong và ngoài nước gửi tiền tiết kiệm bằng đồng USD tại các ngân hàng. Bằng chứng là không ít người dân vẫn giữ cất USD trong két sắt, thay vì đổi ra tiền đồng để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn.

Chị Hồng Liên, nhà ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ: “Với những người giữ USD và coi đó là cách để tiết kiệm như tôi thì lãi suất 0% như hiện nay không bị tác động nhiều. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách gửi USD nhưng không có lãi trong khi Mỹ tiếp tục nâng lãi suất đồng bạc xanh thì tôi có thể sẽ tính đến chuyện gửi ra nước ngoài để hưởng lãi suất, tức để đồng tiền sinh lời”.

Tăng lãi suất để huy động USD - 1

Hiện nay lãi suất gửi USD tại các ngân hàng là 0%. Ảnh: TL

Đại diện một doanh nghiệp phân tích lãi suất vay USD thường thấp hơn so với lãi suất vay đồng Việt Nam. Nghĩa là vay USD có thể giúp giảm chi phí vay vốn đối với các công ty xuất nhập khẩu. Do vậy việc cơ quan điều hành cân nhắc nâng lãi suất đồng USD thay vì duy trì ở mức 0% là cần thiết. Bởi nâng lãi suất lên thì ngân hàng mới hút được ngoại tệ trong dân, từ đó ngân hàng mới có nguồn để cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng khi NHNN khuyến khích gửi tiết kiệm thì chắc chắn vấn đề nâng lãi suất đồng USD cũng phải tính toán. Mặt khác, người Việt vốn không quen với khái niệm gửi tiết kiệm mà không nhận được đồng lãi nào, vì thế việc đưa lãi suất USD lên “khỏi mặt đất” cần phải được xem xét.

Bên cạnh đó, nếu lãi suất USD tiếp tục duy trì mức hiện nay thì nguy cơ kiều hối về Việt Nam sẽ chững lại. Đặc biệt dòng tiền từ Mỹ về nước ta sẽ bị ảnh hưởng phần nào vì lãi suất tiền gửi ở Mỹ bắt đầu hấp dẫn hơn, trong khi ở Việt Nam lãi suất USD vẫn đang duy trì 0%.

Tăng hợp lý

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định có thể ở thời điểm này NHNN vì muốn giữ sự ổn định của chủ trương chống USD hóa nên chưa tăng lãi suất đồng USD. Nhưng đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần tiếp theo thì áp lực tăng tỉ giá rất cao, do đó nhiều khả năng NHNN sẽ buộc phải xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi đồng bạc xanh.

“Hơn nữa việc FED liên tiếp tăng lãi suất tạo ra khoảng cách lớn giữa lãi suất tiền gửi USD trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nếu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cố thủ với chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm thì e rằng sẽ có hiện tượng chảy máu ngoại tệ” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng cần giữ chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD đủ lớn để người dân không ồ ạt chuyển từ tiền đồng sang USD. Mức lãi suất 0,5%/năm có thể chấp nhận được.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng đề nghị NHNN cần xem xét mở lại các kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ với việc áp các mức trần linh hoạt như 0,25%, 0,5%... TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “NHNN cần nhanh chóng đưa lãi suất huy động USD quay lại. Bởi thực tế cho thấy ở Việt Nam nhu cầu thực về sử dụng ngoại tệ, vay vốn ngoại tệ vẫn khá cao nên huy động vốn ngoại tệ vẫn rất cần thiết. Dù có áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0,5%/năm thì vẫn rẻ hơn rất nhiều đi vay vốn nước ngoài với lãi suất ít nhất 1,5%-2%/năm”.

Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý cần cảnh giác với việc lạm dụng kích thích sự dịch chuyển từ đồng Việt Nam sang USD, gây áp lực lên tỉ giá. Bên cạnh đó, ngoài chuyện lãi suất thì một trong những yếu tố để người dân gửi tiền USD vào ngân hàng là niềm tin vào chính sách của nhà điều hành. Nhiều khi người dân giữ USD, giữ vàng vì e ngại tiền đồng mất giá chứ không phải vì lãi suất cao hay thấp. Do vậy, không để những biến động vượt tầm kiểm soát là cực kỳ quan trọng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án chống đôla hóa và vàng hóa. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp chuyển hóa nguồn lực vàng, USD này vào đầu tư... “NHNN sẽ báo cáo Chính phủ đề án cụ thể với lộ trình phù hợp để vừa huy động được nguồn lực trong dân nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định kinh tế” - ông Hưng cam kết.

Không để biến động vượt tầm kiểm soát

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đánh giá các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND. Chẳng hạn năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân. Qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.

“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát” - thống đốc khẳng định.

Riêng vàng của dân bây giờ tính ra cũng hơn 250 tỉ USD. Nhưng làm sao dân có thể bỏ vốn ra? Tôi cho rằng mấu chốt là phải cải cách thực sự để dân có niềm tin, tung nguồn lực ra đầu tư, kinh doanh.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG,  Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo Thùy Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá vàng hôm nay