Thu giữ hơn 5000 chai sữa nước nhập lậu

Ngày 13/04/2013 22:15 PM (GMT+7)

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa kiểm tra và thu giữ 5328 chai sữa nước Ensure 237ml/chai (sản xuất tại Mỹ) trên các xe khách hoặc bỏ lại trên tuyến quốc lộ 22 thuộc địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM).

Được biết, số hàng trên không có người nhận, được vận chuyển trên các xe khách hoặc bỏ hàng trên lề Quốc lộ 22 thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn

Riêng đội quản lý thị trường Củ Chi kiểm tra và tạm giữ 4.680 chai sữa nước Ensure trên một xe khách. Theo quản lý thị trường, lượng sữa trên chủ yếu được vận chuyển từ biên giới Tây Nam về thành phố tiêu thụ mà không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ hàng hóa...

Trước đó, vào ngày 21/2, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait nhập khẩu từ Pháp của công ty TNHH Mạnh Cầm, tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Thu giữ hơn 5000 chai sữa nước nhập lậu - 1
Lượng sữa này chủ yếu được vận chuyển từ biên giới Tây Nam về thành phố tiêu thụ mà không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ hàng hóa...

Ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng đội 12, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, công ty đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, trong đó liên quan đến đăng ký chất lượng ghi trên nhãn không đồng nhất: “Tự ý bỏ tên là thực phẩm bổ sung”, mà ghi là sữa.

“Bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung, nhưng trên nhãn phụ lại ghi là 'sản phẩm sữa cho trẻ em', đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chủ yếu là đối tượng trẻ em” ông Cảnh cho hay.

Ngoài ra, Công ty Mạnh Cầm cũng chưa thực hiện việc kê khai giá và niêm yết giá theo quy định.

Hiện nay tiêu chuẩn đối với sản phẩm sữa theo qui định của Việt Nam phải có độ đạm từ 34%, nhưng sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13%-17,5%.

Với những “nhập nhằng” trên, Đội Quản lý thị trường số 12 đã quyết định niêm phong và tạm giữ toàn bộ 6.000 hộp sữa còn lại của Công ty Mạnh Cầm, để dịch nhãn mác gốc và nhãn phụ có tương đồng không sau đó mới đưa ra quyết định xử lý.

Về chất lượng sản phẩm, ông Cảnh cho biết, cần thời gian để làm rõ.

Theo Đông Tẩu (Báo Đất Việt)
Nguồn:

Tin liên quan