Thực phẩm độc, bẩn: Phải lăn ra chết mới xử lý được!

Ngày 17/11/2015 19:55 PM (GMT+7)

Theo quy định, nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Nghĩa là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được!

Đây là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về thực phẩm bẩn diễn ra trong phần trả lời chất vấn ngày 17-11. 

Trước đó, vào cuối giờ chiều qua, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trách nhiệm của cá nhân bộ trưởng và ngành nông nghiệp trước cử tri cả nước như thế nào khi hằng năm có hàng chục ngàn cái chết được dự báo trước, xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc? Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng nguyên nhân chính đến từ việc triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân, hàng chục ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thực sự sâu rộng để xử lý đến căn cơ. Sản xuất nông lâm thủy sản hiện có hàng triệu hộ, riêng trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật còn 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ. Nên muốn sự chuyển biến phải quản lý, kiểm soát được toàn bộ lực lượng này.

Thực phẩm độc, bẩn: Phải lăn ra chết mới xử lý được! - 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn trước QH. 

Để xử lý vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, Bộ trưởng Phát đề nghị cần phải có nhiều hơn sự vào cuộc của các bên, trong đó có các hội, đoàn thể, cả cộng đồng. “Tôi nghĩ cứ phun thuốc bừa bãi thì không thể qua mắt nhân dân, nên công tác đoàn thể cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình” - ông Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định trong BLHS để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Theo đó, Điều 155 quy định đối với sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Ví dụ chất cấm như chất Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh; chất vàng ô cấm trong chăn nuôi, khiến thịt gà trở nên vàng và được người tiêu dùng ưa thích, gây ung thư nhưng trong công nghiệp lại dùng làm chất nhuộm.

Hay như Điều 244 quy định: “Nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được”.

Bộ trưởng Phát cũng đề xuất trong việc quản lý, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân sản xuất các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được chất lượng hàng hóa.

Lý giải thêm về câu chuyện an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các bộ, ngành, địa phương cố gắng thực hiện những vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được như mong muốn.

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân nhưng không phải xuất phát từ việc phân công nhiệm vụ chồng chéo giữa các bộ, ngành hay thiếu chính sách pháp luật. Vấn đề chính nằm ở khâu tổ chức thực hiện; tổ chức thực hiện thì không chỉ của từng ngành mà còn có sự vào cuộc của các cấp chính quyền bên dưới. Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức về ý thức an toàn thực phẩm cho người dân.

Theo Trà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot