Thực phẩm, rau xanh sau Tết đứng yên

Ngày 03/02/2014 19:31 PM (GMT+7)

Trái ngược với thị trường những năm trước, năm nay, mặc dù giá cả những ngày Tết khá “mềm” nhưng lượng người mua bán lại vắng vẻ.

Từ mồng 2  Tết, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại, cung cấp đủ các loại thực phẩm, rau xanh, hoa quả cho người dân. So sánh với những ngày thường, giá có nhích lên đôi chút nhưng không đáng kể, song lượng người mua bán lại vắng vẻ.

Trên phố Tuệ Tĩnh, Thể Giao quận Hai Bà Trưng đã có khoảng gần chục hàng rau bán phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, giá của các loại rau không bị rơi vào tình trạng đội giá như mọi năm.

Cà chua được bán với giá 15.000 đồng/kg, đắt hơn thời điểm trước Tết chỉ 5.000 đồng. Su hào 2.000 – 3.500 đồng/củ, các loại rau cải cũng chỉ dao động 3.000 – 6.000 đồng/bó.

Chị Nguyễn Thị Lụa, một người bán rau trên phố đã nhiều năm nay cho hay, không chỉ có giá rẻ, mà các loại rau cũng non và tươi, vừa thu hái từ ruộng, không phải rau tích trữ.

Thực phẩm, rau xanh sau Tết đứng yên - 1

Chợ mùng 4 Tết vẫn vắng vẻ

 Rau xà lách, rau cần, rau bắp cải, su hào… là những loại rau được người tiêu dùng lựa chọn để phục vụ bữa ăn lẩu, hoặc đơn giản là luộc thêm vào mâm cỗ nhiều thịt thà cho đỡ ngán.

Chợ tạm trên ngõ Văn Chương cũng khá tấp nập vào sáng mùng 4 Tết. Nhiều người dân cho rằng, giá cả của các loại rau xanh sau Tết rẻ bất ngờ. “Năm ngoái, mua một mớ rau cần 15.000 – 18.000 đồng. Sáng nay, tôi mua có 8.000 đồng/mớ”, chị Hoàng Thùy, ngõ Văn Chương cho biết.

Hầu hết người dân năm nay được ăn rau rẻ trong dịp Tết. Kể cả những ngày giáp Tết, giá rau vẫ “rẻ như bèo” đến mức không ai buồn mặc cả. Có những người nông dân đèo hai sọt xu hào cao chất ngất nhưng cũng chỉ bán 1.000 đồng/củ. Đây là điều không đúng với quy luật giá cả cận Tết trong nhiều năm nay vẫn diễn ra.

Một số tiểu thương buôn bán rau xanh lý giả, có thể, vì giáp Tết giá rau quá rẻ, nên nhiều gia đình mua dữ trự sợ sau Tết đội giá. Bởi vậy, mùng 4 Tết, mặc dù nhiều hàng bán rau đã quay trở lại bán hàng nhưng người mua khá vắng vẻ. “Chưa Tết năm nào giá rau rẻ như năm nay, tôi bán một cây súp lơ nặng gần 1kg cũng chỉ 6.000 – 8.000 đồng/cây. Đắt nhất như cải thảo cũng chỉ 10.000 đồng/kg”, chị Lan, kinh doanh tại chợ Thạch Bàn (quận Long Biên) chia sẻ.

Giá các loại thủy sản cũng có tăng nhưng sức mua yếu hơn hẳn mọi năm. Kinh tế khó khăn nên người mua cũng dè chừng, không “mạnh tay” chi cho các bữa ăn. Tôm sú giá 600.000 đồng/kg, tôm càng xanh bé hơn thì 350.000 đồng/kg. Cá chép 60.000 – 80.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 – 170.000 đồng/kg.

Chị Lan, một tiểu thương buôn bán thủy sản trên phố Ngô Sỹ Liên cho hay, như mọi năm, Tết ra là thời điểm người dân đổ xô đi mua cá, tôm về ăn lẩu, nhưng năm nay, sáng mùng 4 Tết mà chị mới bán được 3 con cá.

“Nhu cầu mua cá, tôm về ăn lẩu năm nay giảm hẳn. Năm ngoái, những ngày này, tôi chỉ bán đến trưa là hết hàng, giờ đã 4h chiều rồi mà vẫn còn đầy thùng cá”, chị Lan phản ánh. Vắng vẻ là thực trạng chung của các hàng quán mở cửa sau Tết. Kinh tế khó khăn, hầu như gia đình nào cũng cân nhắc chi tiêu.

Chính vì thế, những người kinh doanh cũng hạn chế buôn bán các mặt hàng hải sản có giá trị. Các chợ năm nay xuất hiện rất ít các loại cá tầm, cá trình, cua, ghẹ… “Chẳng ai dám buôn đâu chị ạ, chỉ bán những loại thông thường mà còn vắng khách như thế này, những mặt hàng cao cấp kia chỉ có ế”, chị Lan nói.

Tuy vậy, nhiều tiểu thương cũng chia sẻ, trên địa bàn Hà Nội chỉ vài ngày nữa, khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, người dân trở về Thủ đô học tập, làm việc, giá cả sẽ tăng hơn. Song, chắc chắn sẽ khó có tình trạng “đội giá” như mọi năm vì năm nay, ngay cả trong dịp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân cũng thấp.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá cả thực phẩm