Thuốc thúc chín, bảo quản trái cây: Chưa được cấp phép

Ngày 26/09/2016 10:06 AM (GMT+7)

Lâu nay, người dân vẫn sử dụng một số loại hóa chất trong việc thúc chín hoặc bảo quản trái cây tươi lâu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hoạt chất nào được đưa vào danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam với mục đích trên.

Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở sử dụng “phân bón lá” để thúc chín sầu riêng ở Di Linh (Lâm Đồng). Đoàn kiểm tra đã thu giữ 2 tấn sầu riêng, 4 chai phân bón lá cao cấp có nhãn hiệu HPC-97HXN loại 500 ml/chai được dùng thúc chín sầu riêng.

Dùng “phân bón lá” thúc chín trái cây

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề trên, ông Hoàng Trung -Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BTVT), Bộ NN&PTNT cho biết: Việc sử dụng “phân bón lá” như vụ ở Lâm Đồng để làm chín sầu riêng, hay làm chín xoài, mít… là do trong đó chứa chất ethephon. Với loại chất này, thế giới đã cho dùng từ lâu, không ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Hiện chất này cũng có trong một số loại thuốc BVTV, phân bón. Tuy nhiên, ông Trung cho biết, theo quy định, muốn sử dụng một loại hoạt chất nào đó, phải ở dạng chế phẩm, được đăng ký, đưa vào danh mục thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam. “Tuy nhiên, sử dụng phân bón để thúc chín trái cây, rõ ràng là sai mục đích sử dụng, trái quy định của pháp luật”- ông Trung nói.

“Trong danh mục các loại thuốc BVTV ở Việt Nam, chưa có một chất bảo quản, thúc chín trái cây nào được đăng ký. Hiện có 2 doanh nghiệp đang thử nghiệm với chất bảo quản 1-MCP của Hàn Quốc”.

Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, về bản chất, chất làm chín trái cây sinh ra khí etylen, nhưng muốn sử dụng an toàn, phải đúng liều lượng, đúng tác dụng nhà sản xuất đã công bố. “Trước đây người dân dùng đất đèn dấm trái cây. Ở đây cần phân biệt rõ etylen với acetylene, loại chất và khí trong đất đèn có thể sản sinh ra phosphine là chất gây hại cho sức khoẻ”- ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, phân bón chỉ có chức năng cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất làm cho cây xanh tốt. Ngoài ra, “phân bón lá” không chỉ có ethephon, còn chứa nhiều thành phần khác có thể gây nguy hại đối với con người.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Trái cây chín tự nhiên cũng có etylen với acetylene. Việc thúc đẩy làm chín trái cây với một phần lượng nhỏ etylen với acetylene không gây nguy hại đối với con người. Còn việc nó có nguy hại, nguy hại đến đâu, sử dụng hàm lượng bao nhiêu thì gây ra bệnh ung thư thì cần có các nghiên cứu của nhà khoa học”.

Thuốc thúc chín, bảo quản trái cây: Chưa được cấp phép - 1

Nhiều loại sầu riêng trên thị trường sử dụng thuốc thúc chín ngoài danh mục. Ảnh: Thanh Trung

Bao giờ có hoạt chất “chính thống”?

Thời gian qua, vấn đề sử dụng các hóa chất thúc chín hay bảo quản trái cây tươi lâu chỉ là “ngoài luồng”, thậm chí thuốc nhập từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng lo ngại về độ an toàn rau quả. Ngay cả vụ quả táo để hàng tháng không hỏng cũng đặt ra nhiều nghi ngại với người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, hiện trong danh mục các loại thuốc BVTV ở Việt Nam, chưa có một chất bảo quản, thúc chín trái cây nào được đăng ký.

Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp đang thử nghiệm với chất bảo quản 1-MCP của Hàn Quốc. “Chúng tôi đã ưu tiên hết mức để đẩy nhanh việc này. Cục đã cấp phép khảo nghiệm, còn tiến hành khảo nghiệm ở đâu thì doanh nghiệp phải làm, nhưng tiến độ rất chậm”- ông Trung nói.

Theo các chuyên gia, hiện nhiều nước đã cho phép sử dụng một số hóa chất bảo quản an toàn như: Dephenyl amin (DPA), 1-MCP (1-metycyclopropene)…

Đặc biệt, chất 1-MCP được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khi sử dụng các chất trên, cùng với điều kiện râm mát, trái cây như táo có thể bảo quản hàng tháng mà vẫn giữ độ tươi, màu sắc, hương vị.

Tuy nhiên, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, chất 1-MCP rất đắt, đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg.

Theo ông Tuấn, loại chất này không phải dùng để nhúng, phun, tiêm trực tiếp như thuốc ở Trung Quốc mà sử dụng để xông trong buồng kín, với mỗi loại hoa quả có một nồng độ. Ngoài ra, có thể dùng các chế phẩm toàn hấp thụ etylen, chống oxy hóa kết hợp với bao gói, chi phí sẽ rẻ hơn.

Liên quan đến một số loại áo “sáp” sử dụng bên ngoài quả táo nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand… người tiêu dùng thường thấy, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Gọi là màng sap, nó là paraphin. Đây là chất chống khả năng bốc hơi, hô hấp của quả để kéo dài độ tươi, để lâu không  hỏng và thế giới cho sử dụng phổ biến, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay cả Trung Quốc khi xuất khẩu táo, quýt sang Canada, cũng dùng để hạn chế quá trình trao đổi chất”- ông Trung nói.  

Theo Nam Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm