Vàng “nhảy múa”, nhà đầu tư “chóng mặt”

Ngày 07/07/2016 08:27 AM (GMT+7)

Một giờ sau khi mở cửa phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng trong nước lập đỉnh mới ở mức 38 triệu đồng/lượng và trong phút chốc đã tiến sát mốc 40 triệu đồng/lượng. Vàng leo dốc rồi lại đổ đèo khiến nhiều người phát cuồng đi mua.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn đang bám sát diễn biến và khẳng định biến động thị trường chỉ là nhất thời.

“Leo dốc, rồi đổ đèo”

Tại phố “vàng” Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lượng khách mua vàng tăng đột biến so với ngày hôm trước. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu có lượng vàng giao dịch lên đến hàng trăm lượng. Nhiều người tranh thủ mua vào để chờ giá lên cao. Chị Ngọc Khảm (Hoàng Mai, Hà Nội) giọng tiếc nuối: “Cuối giờ chiều qua thấy giá vàng hạ, tôi định mua nhưng về không kịp. Sáng ra tiếc ngẩn ngơ vì giá vọt lên 38 triệu đồng/lượng”.

Tại cửa hàng vàng Phú Quý (Trần Nhân Tông, Hà Nội), phóng viên bắt gặp hình ảnh một người đàn ông xách bao tải nhỏ đi mua vàng. Hỏi tên anh tự giới thiệu là  Công Khanh (Ba Đình, Hà Nội). Anh Khanh kể: “Ngày hôm qua, tôi lướt sóng nhanh đã kiếm hàng chục triệu đồng. Lãi hơn đầu tư vào bất động sản. Tôi tin giá vàng sẽ còn tăng vượt mốc 40 triệu đồng/lượng nên mua vào”.

Còn ở cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, giao dịch ngày 6/7 tăng đột biến so với ngày hôm trước dù khách chỉ mua lẻ tẻ. Toàn hệ thống bán ra chiếm 55%, mua vào chiếm 45%. Còn đại diện cửa hàng SJC miền Bắc cho biết, tổng lượng vàng giao dịch trong ngày lên đến 3.000 lượng, tăng gấp đôi so với ngày hôm trước.

Vàng “nhảy múa”, nhà đầu tư “chóng mặt” - 1

Chỉ trong 2 ngày, giá vàng đã tăng thêm gần 3 triệu đồng/lượng vọt lên sát ngưỡng 40 triệu đồng. Ảnh: Như Ý.

Bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho biết, lượng bán ra chiếm đến 80% so với lượng mua vào trên toàn hệ thống, nâng mức giao dịch trong ngày lên 2.000 lượng. Bà My cho hay, giá vàng trong nước dường như đang chưa biết đi đâu về đâu khi giá vàng thế giới leo dốc rồi lại đổ đèo.

Nhà đầu tư hoang mang

Sau khi giá vàng tiến sát ngưỡng 40 triệu đồng/lượng lại bắt đầu giảm về mức: 38,600 – 39,600 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra chốt phiên giao dịch. Lúc này, nhiều doanh nghiệp nới khoảng cách mua vào, bán ra lên 1 triệu đồng/lượng. Sự biến động vô hình của giá vàng đã gây hoang mang cho không ít nhà đầu tư. 

“Với tâm lý hoang mang trước những thông tin đa chiều của thị trường vàng, trên thị trường hình thành tâm lý chạy theo đám đông hỗn độn với người bán, kẻ mua. Trong 3 phiên trở lại đây lượng khách mua vào có phần nhỉnh hơn thay vì bán ra chiếm chủ đạo ở những phiên trước. Tuy nhiên, lượng khách mua vào chủ yếu là các giao dịch tích trữ nhỏ lẻ, còn với những khách đã mua vào ở thời điểm trước lại chọn phương án tranh thủ bán ra khi giá đang neo ở mức cao”, bà My nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, những ngày qua, giá vàng trong nước tăng phi mã chỉ một phần ảnh hưởng do Anh rời châu Âu và phần nhiều do tâm lý đám đông người dân Việt Nam. 

Việc mua vàng theo trào lưu của một bộ phận người dân đã đẩy nhu cầu vàng trong nước tăng trong thời gian ngắn. Trong khi đó, hiện nay, do thực hiện chính sách chống vàng hóa nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nhập khẩu độc quyền vàng và cũng độc quyền sản xuất vàng miếng. Nguồn cung vì thế rất hạn chế nên có thời điểm đã tạo lên tình trạng “sốt”.

Ông Trúc khuyên: “Người mua vàng nên cân nhắc kỹ bởi với những diễn biến như hiện nay, thị trường đang tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn rất cao”. Ngoài ra, ông Trúc cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước có chủ trương quản lý chặt thị trường vàng và cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của thị trường với nền kinh tế nên đã quản chặt hơn rất nhiều. Ví dụ như việc xuất nhập khẩu vàng chẳng hạn. Trước đây, các doanh nghiệp, các ngân hàng… được phép nhập khẩu vàng. Nhưng từ  năm 2012 trở lại đây, sau khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng.

NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết

Trao đổi với phóng viên, trước việc giá vàng trong nước biến động mạnh, ngày 6/7, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối đã phân tích cặn kẽ. Theo ông Cảnh, suốt thời gian qua, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp biến động tăng của giá vàng thế giới. 

Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit cho đến sáng 5/7, giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800 nghìn đồng/lượng). “Tâm lý của người dân khi đó ít chịu tác động bởi diễn biến tăng của giá vàng, phản ánh qua số liệu về doanh số mua, bán vàng trong tuần sau sự kiện Brexit so với tuần trước đó tăng không đáng kể”, ông Cảnh nói. 

Đại diện NHNN cũng thừa nhận, đã xuất hiện dấu hiệu hai ngày nay, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời. “Mặc dù vậy, NHNN nhận thấy khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây”, ông Cảnh khẳng định.

Cũng theo ông, mặc dù từ tháng 2 đến đầu tháng 6 năm nay, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức rất thấp, doanh số giao dịch chỉ bằng 50% so với cùng kỳ các năm trước.

 “Ngân hàng Nhà nước đang  bám sát  diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP”- Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN nhấn mạnh. 

Đồng thời khẳng định, việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24 trong thời gian qua đã ổn định được thị trường, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát.

Định hướng điều hành của NHNN trong thời gian tới sẽ thế nào và NHNN có  khuyến cáo gì đối với người dân? Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối  NHNN, biến động thị trường như đã nêu trên chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo các nhà đầu tư và người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt. “Do vậy, người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây”, ông Cảnh khuyến cáo. 

Theo Khánh Huyền - Ngọc Mai
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h