Làng Phú Hữu sắp sạch bóng nhà cổ

Ngày 25/08/2015 14:00 PM (GMT+7)

Trước đây ở làng Phú Hữu có khoảng 30 căn nhà cổ, nhưng cho đến nay thì chỉ còn lác đác 3- 4 nhà. Các căn còn lại đều bị bán đi, hoặc phá đi xây mới trong sự bất lực của những người yêu nhà cổ.

Nếp nhà ôm trọn cuộc đời

Trải qua hơn 200 tồn tại, những ngôi nhà cổ ở làng Phú Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội đã bao đời nay ôm trọn nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, cổ kính nguyên sơ nhất của vùng đất xứ Đoài thơ mộng. Tuy nhiên hiện nay, làng cổ đang phải đối mặt với nguy cơ bị “mới hóa” 100%.

Làng Phú Hữu sắp sạch bóng nhà cổ - 1

Ngôi nhà cụ Chu Trường Chinh tồn tại 200 năm, nay vẫn còn giữ được gần như nguyên hiện trạng.      

Chúng tôi đến nhà cụ Chu Trường Chinh, năm nay 80 tuổi,  bậc cao niên đau đáu với văn hóa và cũng là người duy nhất cho đến thời điểm này còn giữ được trọn vẹn ngôi nhà cổ. Hỏi chuyện nhà cổ, cụ Chinh bỗng lặng đi, nét mặt thoáng đăm chiêu. Rôi cụ chậm rãi nói: “Kể chuyện về nhà cổ thì có nhiều cái buồn lắm, buồn không muốn kể. Thôi ta đừng ở trong nhà, hãy ra ngoài kia để vừa ngắm nhà, vừa ôn lại chuyện xưa”.

Cụ Chinh kể, trước đây, Phú Hữu có tới 30 nếp nhà cổ, ngôi nhà nào cũng đẹp đến nao lòng. Bên trong mỗi ngôi nhà cổ kính là những cột gỗ đen bóng loáng, vì kèo, xuyên, hoành phi, bản khoa, cửa đố... được chạm trổ tinh xảo. Những chiếc bình vôi, mâm gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm muối, lu đựng nước do các lò gốm của làng sản xuất cách đây vài trăm năm vẫn được giữ gìn. Mặc dù xây dựng cách đây 200 năm, trải bao biến thiên thế thời, nhưng làng vẫn giữ được nét rất riêng, truyền thống và trở thành kho báu mà tiền nhân muốn để lại cho hậu thế.

Cụ Chu Trường Chinh bảo, tại nếp nhà này, suốt 200 năm qua, đã có tới 6 thế hệ sinh sống mà chưa hề sửa sang, trùng tu. Ngôi nhà này được làm vào năm 1831, do cụ Chu Bá Bằng là một “trùm làng” xây dựng. Nhà có 9 gian, dài chừng 24m, được xây bằng gạch đá ong đỏ au, 4 góc nhà là 4 trụ cột, đầu đắp cao giống như kiểu đèn lồng; còn phần khung nhà được làm hầu hết bằng gỗ xoan theo lối “câu đầu lộn túi”; 2 mái chồng giường, 6 cột hàng chân, 12 cánh cửa bức bàn vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, bài vị... có từ thời xây dựng ngôi nhà vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận.

Năm 1947, chiến tranh ác liệt, có lần giặc Pháp câu đạn pháo vào làng, đạn bắn xuyên qua lớp cửa gỗ cứng, găm vào cái cột giữa nhà, dấu tích vẫn còn. “Tôi vẫn phải giữ lại để thi thoảng có ai đến hỏi còn có cái mà nói. Nếp nhà này nó đã ôm trọn cuộc đời cha ông tôi, anh em chúng tôi và bây giờ là cuộc đời tôi, con cháu tôi, nó giá trị lắm. Có nhiều người đến hỏi mua bán, họ trả đắt mấy tôi cũng có bán đâu. Cái không mua được đó là giá trị văn hóa anh ạ… Nhìn nhiều ngôi nhà cổ cứ dần bị phá bỏ đi, những giá trị bao đời mới có cứ lần lượt “đội nón” ra đi, tôi xót lắm chứ. Nhưng biết làm sao được?”.

Số phận làng cổ về đâu?

" Nếp nhà này  đã ôm trọn cuộc đời cha ông tôi, anh em chúng tôi và bây giờ là cuộc đời tôi, con cháu tôi, nó giá trị lắm. Có nhiều người đến hỏi mua bán, họ trả đắt mấy tôi cũng có bán đâu. Cái không mua được đó là giá trị văn hóa”.
Cụ Chu Trường Chinh

Theo chân anh Phùng Nghĩa Toàn- cán bộ văn hóa xã, chúng tôi tiếp tục sang một nếp nhà cổ nữa, đó là nhà anh Phùng Danh Sử. Anh Sử là chủ nhà, cháu của cụ Phùng Thị Hợi, còn gọi là cụ Trùm Trực- người đã góp công xây dựng nên ngôi nhà cổ. Nếu tính niên đại, thì ngôi nhà này cũng có độ tuổi gần bằng với ngôi nhà cổ của gia đình cụ Chinh. Nhà xây bằng đá ong, có giếng khơi trong văn vắt, có sân lát gạch, những đồ dùng từ ngày xưa hầu như vẫn còn được lưu giữ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà cổ ở đây phần bị xuống cấp trầm trọng, phần bị phá đi, thay vào đó là nhiều ngôi nhà gạch được xây mới khang trang đẹp đẽ mọc lên.

Theo cụ Chinh, anh Sử thì ở nhà cổ tuy mát, đẹp nhưng lại có nhược điểm là bất tiện. Ngay chuyện đảo ngói bây giờ cũng là cả một vấn đề. Như bao ngôi nhà cổ khác, nhà cổ ở Phú Hữu được lợp bằng thứ ngói mũi hài, thứ ngói ấy là phải mười năm phải đảo lại một lần nếu không sẽ bị dột. Tuy nhiên, số người biết đảo ngói bây giờ hiếm như lá mùa thu. Rất vất vả mới đón được thợ, mà ngày công lại cao. Mỗi lần đảo ngói mất mấy triệu đồng. Không đủ tiền trùng tu nhà cổ làm bằng gỗ, nhiều gia đình đã quyết định đập đi xây nhà mới. Vì theo giải thích của họ thì  bây giờ thợ trùng tu nhà cổ rất hiếm, giá nhân công, giá vật liệu đắt đỏ, có khi phải mất tới vài trăm triệu đồng mới đủ khả năng trùng tu nhà cổ, số tiền này nó vượt khả năng tài chính của nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn khốn khó. Trong khi đó, với số tiền 200 – 300 triệu đồng lại có thể xây dựng được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi.

Ông Chu Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, trước đây ở Phú Sơn có khoảng 30 căn nhà cổ, nhưng cho đến nay thì chỉ còn 3 - 4 căn nhà mà thôi. “Tôi trăn trở lắm, bây giờ, nhìn thấy những nếp nhà cổ của quê hương ngày càng đứng trước nguy cơ biến mất mà lực bất tòng tâm anh ạ. Tôi nghĩ, muốn phục dựng nhà cổ thì không còn cách nào khác là phải có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người. Nếu được cấp trên quan tâm, chúng tôi sẽ sẵn sàng vào cuộc cùng với các hộ gia đình, nhân dân địa phương cương quyết giữ lấy những nếp nhà này. Chứ với tốc độ đô thị hóa, tốc độ xây nhà ở nông thôn như tằm ăn rỗi thế này thì các nếp nhà cổ kia chẳng mấy mà biến mất”- ông Tuấn nói.

Nếu như 5, 7 năm nữa, những nếp nhà cổ còn lại ở Phú Hữu cũng biến mất, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi một ngôi làng cổ bị xóa sổ, không còn vết tích?

Theo Vũ Phúc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhà đẹp mỹ mãn