Cần hành động để bảo vệ du khách khi đến Sài Gòn

Ngày 12/03/2016 17:02 PM (GMT+7)

Đừng để du khách phải khóc, thảng thốt và không biết phải làm sao khi toàn bộ giấy tờ, tài sản biến mất cùng bọn cướp giật.

Hình ảnh nữ du khách người châu Âu với khuôn mặt tái xanh, khóc sướt mướt, ngồi sụp giữa phố đông người khiến không ít người đi ngang thấy chạnh lòng. Bức ảnh du khách đau khổ và suy sụp này đang tràn ngập khắp các diễn đàn, mạng xã hội trong và ngoài nước.

Họ đến Việt Nam với một tinh thần thoải mái để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Lạ nước, lạ chỗ đông người nên hai du khách dò bản đồ tìm đường. Không ngờ, 2 kẻ cướp giật đi ngược chiều giật phăng giỏ xách khiến cô gái hốt hoảng rồi ngất xỉu.

Cần hành động để bảo vệ du khách khi đến Sài Gòn - 1

Nữ du khách khóc sướt mướt

Người chứng kiến còn kể lại rằng khi bị cướp, nam du khách người châu Âu đi cùng thất thanh kêu cứu rõ ràng bằng tiếng Việt: “Cướp, cướp”. Điều này chứng tỏ là đến Việt Nam du lịch, họ nơm nớp lo việc bị chặt chém, bị chèo kéo và hiển nhiên người ta đồn nhau những ngôn ngữ cần biết như: "Cướp. Tôi không mua! Không, cảm ơn...".

Rất nhiều du khách ngán ngẩm khi đến TP HCM. Mỗi khi ra đường họ phải đeo ba lô trước ngực, cầm máy ảnh thì quấn dây nhiều vòng; bị ăn xin chèo kéo, người bán hàng rong bao vây ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bán dừa đểu ở Hội trường Thống Nhất kêu chụp hình rồi bắt mua dừa giá cắt cổ; thậm chí còn bị chém, cướp tài sản.

Cách đây không lâu, chị Yekaterina Ponomarenko (quốc tịch Kazakhstan) và anh Sapastian Gretx (quốc tịch Đức) đang ngồi hóng mát tại khu vực kênh Tàu Hũ, đường Võ Văn Kiệt (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) thì bất ngờ bị một băng cướp nhí dùng dao chém anh Gretx trọng thương.

Cần hành động để bảo vệ du khách khi đến Sài Gòn - 2

Lực lượng công an trao trả tài sản cho anh Sapastian Gretx bị cướp chém giữa Sài Gòn

Tài sản bị mất chỉ là 600.000 đồng và 1 điện thoại di động. Trị giá tài sản không lớn nhưng đó là nỗi ám ảnh quá nặng nề. Bị tấn công ở ngay trung tâm thành phố để cướp có lẽ không nằm trong suy nghĩ của các du khách này.

Không nói chắc ai cũng hiểu rằng hình ảnh Việt Nam “xấu tệ” ít nhất trong mắt các du khách này. Họ khóc, thảng thốt, bất lực và không biết phải làm sao khi toàn bộ giấy tờ biến mất cùng bọn cướp giật.  Và trừ những vụ "đình đám" được du khách báo hay công an vào cuộc thì thử hỏi còn bao nhiêu vụ các du khách phải ngậm đắng nuốt cay, chịu mất của và không trình báo gì vì không tin tưởng là vật sẽ hồi chủ cũ trong một đất nước mà an ninh và trật tự bất ổn như vậy.

Còn nhớ ở cuộc họp triển khai công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP HCM, một lãnh đạo đã đề cập: “Chúng ta phải bảo vệ du khách để họ vui vẻ, an tâm đến TP HCM du lịch. Không thể cứ đưa máy ảnh, máy quay phim, điện thoại lên chụp hình là bị giật mất". Thế nhưng, hành động cụ thể để bảo vệ du khách thì chưa thấy thực hiện gì cụ thể.

Năm 2015, TP HCM đón 4,6 triệu du khách nước ngoài đến lưu trú, tham quan, tìm hiểu lịch sử. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, mục tiêu sắp tới của thành phố là tạo một môi trường thân thiện trong mắt du khách.

Cần hành động để bảo vệ du khách khi đến Sài Gòn - 3

Một nữ du khách người Anh bị hai phụ nữ Việt kéo lê cướp túi xách

Nằm trong kế hoạch này, Sở Du lịch cũng trình thành phố thành lập lực lượng cảnh sát du lịch nhằm phản ứng kịp thời, giúp đỡ du khách khi họ cần. Thế nhưng, các ban ngành thành phố cứ loay hoay, chần chừ khi thực hiện kế hoạch này.

Cụ thể, khi ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đề xuất ngành công an phải có trách nhiệm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch thì thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, khẳng định: “Không bao giờ lực lượng công an đi bảo vệ khách hàng cho một ngành hàng nào, kể cả ngành có nguy cơ cao như an ninh hàng không, mà an ninh ngành nào thì phải do ngành đó tự tổ chức”.

Mặc dù nhiều du khách rất cảnh giác khi đi trên đường nhưng họ không thể lường hết các chiêu trò ma quái mà bọn cướp sẽ ra tay. Các cơ quan chức năng khuyến cáo cần phổ biến thông tin cho du khách tự bảo vệ mình bằng cách phát tờ rơi, các hãng lữ hành phải có trách nhiệm nói cho du khách biết để họ cẩn thận khi ra ngoài. Thử hỏi, đi chơi để thoải mái chứ ai đi chơi để đề phòng cướp giật cả ngày?

Hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình đang bị bôi xấu bởi tệ nạn cướp giật, gây ra nỗi ám ảnh cho du khách ngoại quốc. Đã đến lúc thành phố cần hành động để bảo vệ du khách, tạo một môi trường du lịch thân thiện chứ không thể để họ tức tưởi cả đời và không muốn trở lại...!

Theo Phạm Dũng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự