“Chùa” trên nóc chung cư không phải là chùa!

Ngày 12/03/2016 08:24 AM (GMT+7)

“Những “ngôi chùa” trên nóc các chung cư hiện nay không được gọi là chùa mà chỉ có thể được gọi là tịnh thất hoặc tịnh xá phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân”.

“Chùa” trên nóc chung cư không phải là chùa! - 1

Hai “ngôi chùa” trên sân thượng tòa nhà số 27 Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình)

Thời gian gần đây, nhiều tòa nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội xuất hiện những “ngôi chùa” ở trên tầng thượng. Những “ngôi chùa” này được xây theo kiến trúc truyền thống với mái cong, cột có đính linh vật. Bên trong có hoành phi, câu đối, ban thờ, tượng Phật, bát hương…

Có thể kể ra một số tòa nhà có “chùa” trên tầng thượng như tòa T2 khu đô thị Nam Xa La (Hà Đông), chung cư số 27 Huỳnh Thúc Kháng (Ba Đình), tòa nhà Hòa Bình Green City (Hoàng Mai)…

Chia sẻ về vấn đề này, sư thầy Thích Thọ Lạc – Phó ban Văn hóa - Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Những “ngôi chùa” trên nóc các chung cư hiện nay không được gọi là chùa mà chỉ có thể được gọi là tịnh thất hoặc tịnh xá, phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân tòa nhà”.

“Chùa” trên nóc chung cư không phải là chùa! - 2

 

Bên trong các "ngôi chùa" này đều có ban thờ, tượng Phật, hoành phi, câu đối…

Theo sư thầy Thích Thọ Lạc, xã hội ngày càng phát triển, các tòa cao ốc, chung cư mọc lên nhiều. Đời sống tâm linh của người dân ở khu nhà đó cũng phong phú nên việc xây dựng một nơi thờ tự là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, việc xây chùa phải được sự cấp phép của cơ quan nhà nước và chịu sự quản lý Giáo hội Phật giáo.

“Để nơi thờ tự này được danh chính ngôn thuận, phù hợp với giấy phép xây dựng và Giáo hội dễ dàng quản lý, chủ đầu tư nên xin phép chính quyền, hoàn thành các thủ tục hành chính trước khi xây. Các nơi thờ tự ở chung cư cũng cần đảm bảo các quy định an toàn về phòng chống cháy nổ, có người trông coi và nhang khói hằng ngày”, sư thầy Thích Thọ Lạc khuyến cáo.

“Chùa” trên nóc chung cư không phải là chùa! - 3

 

Vào các ngày mùng 1, ngày rằm, lễ, Tết… cư dân tại các tòa nhà lên các ngôi “chùa” để làm lễ.

Theo sư thầy Thích Thọ Lạc, “chùa” ở chung cư hiện nay thường có quy mô nhỏ, phù hợp để giảng pháp, tụng kinh, ngồi thiền chứ không nên làm các lễ lớn như lễ Vu Lan, Phật Đản… tránh gây phiền cho những người bên cạnh.

Ngoài ra, những người đứng ra mở chùa tại chung cư cũng cần phải có hiểu biết về đạo Phật. Vì nếu, chùa không đúng tinh thần chính pháp sẽ không được linh thiêng hoặc khi phát sinh các hoạt động mê tín dị đoan sẽ gây ảnh hưởng đến đạo Phật.

Trao đổi với phóng viên, sư thầy Thích Hạnh Nguyện – Trụ trì Trung tâm tu học Viên Giác (một ngôi chùa Việt Nam ở Ấn Độ) chia sẻ: “Tôi đã từng viếng thăm nhiều đạo tràng ở nhiều nơi như Thái Lan, Singapore, Anh, Pháp… Ở đó, những ngôi chùa xuất hiện khá nhiều tại các tòa nhà cao tầng, chung cư. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng một phòng hoặc một tầng riêng để làm nơi thờ tự chứ không phải xây riêng một ngôi chùa trên sân thượng”.

 

“Chùa” trên nóc chung cư không phải là chùa! - 4

Nam Xa Tự tọa lạc trên tòa nhà T2 khu đô thị Nam Xa La (Hà Đông).

Sư thầy Thích Hạnh Nguyện cho biết, trong cộng đồng cư dân chung cư ở nước ngoài, mỗi người có thể theo một tôn giáo khác nhau. Vì vậy, trước khi mở chùa, người ta thường dán thông báo tại khu chung cư đó trong một thời gian nhất định. Nếu không ai phản đối gì thì việc mở nơi thờ tự được chấp nhận. Việc lễ Phật của những phật tử cũng rất tế nhị, không rầm rộ, không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

“Pháp luật ở mỗi nước khác nhau. Ở nước ngoài, những nơi thờ tự dựng lên phục vụ đời sống tâm linh của người dân mà không gây hại cho những cư dân khu vực thì được chấp nhận. Ở Việt Nam, có thể luật pháp vẫn còn đang nghiêm khắc nên khi muốn mở nơi thờ tự ở chung cư, chủ đầu tư và chính quyền phải thống nhất. Mục đích của những ngôi chùa không có gì ngoài phục vụ đời sống tâm linh, lễ bái, cầu mong những điều tốt đẹp của người dân”, sư thầy Thích Hạnh Nguyện cho hay.

Theo Triệu Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự