Lý giải sức hủy diệt khủng khiếp của động đất ở Nepal

Ngày 26/04/2015 16:31 PM (GMT+7)

Chuyên gia địa chấn của Việt Nam nhận định, vụ động đất ngày 25.4 tại Nepal khiến hàng ngàn người chết do tâm chấn nằm quá gần mặt đất.

Ngày 25.4, trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ Richter gần thủ đô Kathmandu, Nepal đã khiến hơn 1.800 người tử vong. Trận động đất cũng gây ra hàng loạt những trận lở tuyết trên dãy Himalaya và chôn vùi ít nhất 10 người tại khu cắm trại trên đỉnh Everest.

 Lý giải sức hủy diệt khủng khiếp của động đất ở Nepal - 1

Đống đổ nát từ một tòa nhà bị sập bởi động đất

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, đây là một trong những cơn địa trận lớn nhất ở Nepal trong vòng 80 năm qua. Trận động đất đã được các nhà khoa học dự đoán theo quy luật xảy ra trên các đới đứt gãy hoạt động.

Nepal nằm trên vành đai lửa Địa Trung Hải – Hymalaya, ranh giới của hai mảng kiến tạo lớn là mảng Ấn Độ Dương và mảng Âu Á, nơi xảy ra nhiều vụ động đất mạnh.

“Vụ động đất này quá nông, xảy ra tại điểm dưới mặt đất khoảng 10-15km khiến mặt đất rung chuyển dữ dội hơn. Địa chấn chỉ cách thủ đô Kathmandu, nơi tập trung đông dân cư khoảng 80km. Chính vì vậy, thiệt hại vụ động đất gây ra cực lớn. Động đất xảy ra theo quy luật nhưng không ai có thể dự báo chính xác thảm họa đó xảy ra vào lúc nào”, ông Phương nói.

Lý giải sức hủy diệt khủng khiếp của động đất ở Nepal - 2

Một người đàn ông được giải cứu khỏi đống đổ nát 

Chuyên gia địa chấn cho biết, so với hai trận động đất lịch sử gần đây như động đất và sóng thần Tohoku 2011 tại Nhật Bản, mạnh 9 độ Richter, khiến hơn 15.000 người chết hay động đất mạnh 9,1 độ Richter ở biển Ấn Độ Dương 2004, khiến 225.000 người chết thì động đất Nepal cường độ thấp hơn. Động đất xảy ra trên lục địa nên không gây sóng thần, chủ yếu các trường hợp tử vong do nhà đổ. Lẽ ra có thể giảm thiểu số lượng người thương nếu được chuẩn bị ứng phó từ trước đó.

PGS Phương cho hay, sau vụ động đất chắc chắn sẽ còn dư chấn mạnh tiếp theo xung  quanh khu kích động chính. Thông thường trận động đất mạnh như vậy sẽ kéo dài theo chu kỳ đến khoảng vài tháng sau, rải rác và nhỏ dần đi cho đến khi tắt hẳn. Dư chấn sau kích động thường mạnh gần như tương đương với kích động chính.

Ông Phương khẳng định, Việt Nam không bị ảnh hưởng vụ động đất Nepal vì khoảng cách giữa hai nước khá xa. Thêm vào đó, Việt Nam nằm ra ngoài vành đai lửa, ranh giới giữa các mảng kiến tạo địa chất.

Nepal hứng chịu trận động đất tồi tệ nhất vào năm 1934. Trận động đất mạnh tới 8,3 độ Richter năm đó đã cướp đi sinh mạng hơn 8.500 người và phá hủy nhiều thành phố.

Theo Tất Định
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot