Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt

Ngày 29/09/2015 18:19 PM (GMT+7)

Chuyên đóng những vai ngoại quốc giàu sang, quyền cao chức trọng thế nhưng khó có thể tin được diễn viên Robert Hải và Đào Bá Sơn lại có cuộc sống bình dị đến vậy ở ngoài đời.

Robert Hải: Chuyên gia đóng Mỹ ở túp lều trên kênh

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 1

Robert Hải và NSND Như Quỳnh trong Mối tình đầu.

Nhắc đến ông tây Robert Hải, khán giả nhớ đến những vai sĩ quan Mỹ trong những phim nhựa đen trắng như Mối tình đầu, Ván bài lật ngửa, Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn... từng một thời làm nức lòng khán giả.

Bên cạnh tuyến nhân vật chính diện do Chánh Tín, Thương Tín đảm nhiệm, nhân vật phản diện do Robert Hải thủ vai ấn tượng với người xem bởi ngoại hình đẹp, vạm vỡ của một người ngoại quốc cùng cách lột tả cái ác đầy tự nhiên.

Diễn viên Robert Hải tên thật là Trần Hữu Hải, sinh năm 1940 tại cảng Hải Phòng. Cha ông là người Pháp, mẹ người Ý. Cha và mẹ ông đều mất trong cuộc đảo chính Pháp - Nhật năm 1945. Ông được người vú nuôi đem vào phương Nam năm 6 tuổi.  

Chia sẻ trên VnExpress, theo hồi ức của con trai nam diễn viên, thời kỳ gia đình khó khăn, Robert Hải từng được nhiều người muốn ra nước ngoài định cư ngỏ lời thuê lý lịch của anh với giá cao để được xuất cảnh theo diện con lai nhưng nam diễn viên không chịu. "Bố tôi thà sống cuộc đời thanh đạm, nhất định không chịu xa Việt Nam, dù chỉ trong vài ba năm. Sau đó, ông đốt hết giấy tờ liên quan đến thân nhân bên Pháp và Italy để tránh những lời mời xuất cảnh từ phía chính phủ Mỹ. Tên Việt của bố được đặt theo họ của ông nội và bố chỉ sử dụng giấy tờ mang tên đó", Robert Trân, con trai ông kể lại.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 2

Robert Hải - ở giữa - trong phim Biệt động Sài Gòn. Ông chuyên đóng vai sĩ quan Mỹ tàn ác.

Trong một bài viết trên Tạp chí Thế giới điện ảnh cách đây đã 20 năm, nhà biên kịch Hồng Ngát đã miêu tả về ngôi nhà của Robert Hải: "Mặc dù đã được thông báo trước là anh sống rất nghèo, đạm bạc nhưng quả thật, tôi vẫn không thể hình dung ra ngôi nhà của anh lại có thể nghèo đến thế. Nó chẳng khác gì những ngôi nhà của bà con nghèo trong lối xóm. Mái lợp lá dừa, cột nhà đóng xuống nước, sàn nhà nổi trên mặt nước. Trong nhà, đồ đạc chẳng có gì. Thậm chí, đến giường phản cũng không (mà cũng chả cần vì cả nhà vợ chồng con cái nằm ngay trên sàn vừa mát vừa thoáng)."

Nhà biên kịch Hồng Ngát kể: "Trong nhà, đồ đạc chẳng có gì. Thậm chí, đến giường phản cũng không. Nhớ trong phim Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh, Robert Hải vào vai một ông Tây lịch lãm, giàu có, phong lưu. Vậy mà ở đời thường, anh sống quá thanh bạch và giản dị, nếu không nói là quá nghèo. Mọi sinh hoạt ăn ở ngủ nghỉ, tiếp khách đều diễn ra trên cái sàn gỗ nhỏ lau sạch bóng".

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 3

Nhưng ngoài đời ông là một người hiền lành, nhân hậu.

Con đường đến với nghệ thuật thứ 7 của ông cũng hết sức tình cờ. Năm 1973, khi đang là huấn luyện viên thể thao tại Đà Lạt, trong một lần lên Sài Gòn chơi, ông gặp và kết hôn với bà Thùy Dung - một phụ nữ đơn thân nuôi hai con nhỏ. Trước đó, Robert Hải có hai đời vợ với 11 người con. Một người vợ gốc Pháp, một người gốc Trung Quốc. Cả hai cuộc tình không trọn vẹn khiến nam diễn viên mang nhiều u uẩn khi không thể chăm sóc con cái với khả năng tài chính hạn hẹp. Sau khi chia tay vợ, các con đều theo vợ cũ sang nước ngoài sinh sống và không liên lạc với ông.

Kết hôn với bà Thùy Dung năm 1973, tới năm 1975, hai vợ chồng cùng ba con nhỏ (gồm hai con riêng của bà Dung và một con chung) dựng một căn chòi nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh (TP HCM) làm nơi sinh sống. Trong một lần kiếm diễn viên đóng vai cố vấn Mỹ cho phim Mối tình đầu, nhà quay phim Đường Tuấn Ba đã phát hiện Robert Hải khi ông đang ngồi câu cá trước nhà. Nghiệp diễn của người chuyên đóng vai phản diện bắt đầu từ cơ duyên đó.

Robert Hải có thú vui câu cá cả ngày, mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà đến từ nghề bán bánh bông lan, móc len... của người vợ. Nam diễn viên thay vợ chăm sóc, dạy bảo ba người con trai. "Bố đối với chúng tôi như những người bạn. Ông dạy con trai những kỹ năng sống tối thiểu. Ông không ngại nói về giới tính khi chúng tôi bước vào tuổi mới lớn. Cách phân biệt người tốt, người xấu cũng được ông truyền dạy", anh Robert Trân - con trai nam diễn viên - kể.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 4

Cố nghệ sĩ Robert Hải và vợ trong căn nhà gỗ dưới chân cầu Bình Lợi. Ảnh: VnExpress

Trong ký ức người thân và đồng nghiệp, Robert Hải là một người yêu Việt Nam tha thiết. Mang trong mình hai dòng máu Pháp và Italy, Robert Hải lại đậm chất Việt từ cách sinh hoạt đến hành xử. Tình cảm này xuất phát từ lòng kính yêu ông dành cho bố mẹ nuôi - người cưu mang, nuôi dưỡng khi bố mẹ ruột qua đời. "Những ngày mẹ chồng tôi bị bệnh nằm liệt giường, anh Hải tự tay chăm sóc, vệ sinh cho mẹ cho đến khi bà mất. Anh coi ông bà như người tái sinh cuộc đời mình, do vậy anh nhận mình là người Việt Nam chứ không phải người ngoại quốc. Anh cũng không cần được bảo lãnh qua nước ngoài sau năm 1975", vợ cố nghệ sĩ kể lại.

Hơn 20 năm sống trong cảnh nghèo khó nhưng Robert Hải không màng tiền bạc, danh vọng. Ông chọn lối sống thanh đạm, giản dị, cư xử nhân ái với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và bất cứ ai nghèo khổ mà ông gặp. Robert Hải tuy đóng nhiều vai nhưng không nhận mình là diễn viên chuyên nghiệp. Các đạo diễn mỗi khi trong kịch bản có vai Tây là lại nhớ đến ông, mời ông tham gia. Hồi còn trẻ thì vào vai Tây trẻ, khi đã già thì vào vai Tây già. Xong mỗi vai, nhận thù lao, chấm hết, ông lại trở về với cuộc đời thường, mưu sinh nhọc nhằn bằng các công việc khác. Ông chẳng có danh hiệu gì, cũng chưa bao giờ được ở trong biên chế, được làm công chức Nhà nước, được hưởng lương và các chế độ khác như các diễn viên cùng thời. Mọi mến mộ của khán giả mỗi khi họ gặp ông, nhìn thấy ông - ông biết vậy. Và ông vui, ông sống với những niềm vui ấy.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 5

Bà Thùy Dung (trái) -  vợ nghệ sĩ Robert Hải - và con trai Robert Trân. Ảnh: VnExpress

Năm 1998, Robert Hải phát hiện mình bị bệnh ung thư gan. Nghe tin xấu, ông lạc quan động viên vợ và các con giữ vững tinh thần. Gia cảnh nghèo khó, mọi chi phí điều trị đều được sự giúp đỡ từ bạn bè và các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. "Tôi nhớ mãi khoảnh khắc một người bạn của anh Hải đến đưa tôi chiếc phong bao trong đó có hai triệu. Tôi phải nhận và giấu vì nếu biết, chắc anh không đồng ý tôi làm vậy. Tính anh Hải khẳng khái lắm", vợ nghệ sĩ nói.

Sau khi hóa trị đợt đầu, sức khỏe tốt hơn, nghệ sĩ về Đà Lạt thăm mộ bố mẹ nuôi, sau đó thăm thú bạn bè khắp nơi. Nửa năm trước khi mất, ông gần như nằm liệt giường. Nghệ sĩ trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ngày 26/9/2000. Trước khi mất, Robert Hải nói lời cuối với vợ: "Bà có ba đứa con trai, thêm tôi nữa là bốn".

NSND Đào Bá Sơn: Sống ở Sài Gòn nhưng nặng lòng Hà Nội

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 6

Đạo diễn Đào Bá Sơn trong một vai ￴Tây.

NSND Đào Bá Sơn sinh năm 1952 và gắn bó với Hà Nội tròn 31 năm trước khi chuyển vào sống hẳn tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1983. Hễ có dịp ra Hà Nội, ông thường lấy cớ lưu lại lâu hơn. Ngồi nhâm nhi vài cốc bia hơi với những người bạn chí cốt, ông luôn miệng thủ thỉ: "Tao luôn đói Hà Nội nên thường phải ra để nạp rồi bước tiếp".

Chiều cao gần 1,8 m, vẻ sung sức toát ra từ Đào Bá Sơn cho người đối diện cảm giác tuổi tác khó nỡ xồng xộc đến với anh. Thế nên, cứ thấy anh là khán giả lại nhớ đến những vai tây trên màn ảnh, mặc dù anh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam.

Kể về cái nghiệp của mình, Đào Bá Sơn tủm tỉm cho hay, ông từng là diễn viên chuyên đóng vai sĩ quan Mỹ, Pháp như trung úy Smith và thiếu tá Jean trong "Chom và Sa", "Tự thú trước bình minh" của cố đạo diễn, NSƯT Phạm Kỳ Nam; đại úy Snaider trong "Tình không biên giới" của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Rizt - người cựu binh Mỹ về Việt Nam tìm hài cốt bạn trong "Pho tượng Lastmy" của cố đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông. Một điều bất ngờ và ít người biết là Đào Bá Sơn là một người bạn rất thân với Robert Hải.

Ông đóng tây nhiều đến độ, khi đạo diễn mới ngỏ ý, anh đã biết trước số phận nhân vật, không giết người cũng hiếp dâm, không hiếp dâm cũng đốt làng, không đốt làng cũng tàn sát... Bá Sơn bảo, thật lòng anh không hề thích những nhân vật "cực kỳ khốn nạn, tồi tệ" ấy. Trong 7 năm làm phó cho cố đạo diễn Hồng Sến, anh dứt khoát từ chối đóng "Tây". Còn nếu phải làm do bạn bè năn nỉ, thì lại giống hình thức tự ép buộc mình.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 7

Chân dung NSND Đào Bá Sơn.

Mãi sau này, khi được "trở lại" là người Việt Nam, Đào Bá Sơn mới tiếp cận với những nhân vật có số phận hơn. Hai vai diễn gần đây được nhắc nhiều tới là 2 vị tổng giám đốc trong Lưới trờiNghề báo.

Mặc dù đã "rất sợ" những vai tây trên màn ảnh, nhưng Đào Bá Sơn lại có cái tính cả nể. Cứ bạn bè mời là ông lại "tặc lưỡi" nhận lời. Duy nhất một lần, dù cho trợ lý thuyết phục cỡ nào, anh chỉ cười và chìa ra một mảnh giấy với nội dung như sau: “Đây là tên của hai diễn viên có khả năng đóng vai Tây tốt y như tôi. Lý do tôi vắng mặt trong phim này là lịch quay trùng với thời điểm diễn ra… World Cup. Cuộc tranh tài này 4 năm mới diễn ra một lần, nên vì tình yêu với trái bóng tròn, tôi xin được làm cổ động viên thường, chứ không thể nào làm Tây trong thời điểm này”.

Tuy nhiên, nghiệp diễn viên của ông có phần bị "lu mờ" so với cái sự nổi tiếng trong vai trò đạo diễn phim với 16 giải thưởng quốc gia trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc… Phim của ông từng tham gia nhiều LHP quốc tế như: "Người tìm vàng" (1989), "Biệt ly trắng" (1994), "Madam Dung" (1993), "Đám mây không dừng lại" (2007), "Long thành cầm giả ca" (2010). Nhưng đánh dấu thành công rực rỡ nhất của ông trong vai trò đạo diễn là "Long thành cầm giả ca", bộ phim về đề tài lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong bối cảnh cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn đã đoạt giải Cánh diều vàng danh giá.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 8

NSND Đào Bá Sơn vừa là diễn viên vừa là đạo diễn của nhiều bộ phim nhựa, phim truyền hình nổi tiếng như: Cầu thang tối, Long Thành cầm giả ca, Đám mây không dừng lại...

Nhắc đến chuyện riêng tư, ông trải lòng: "Tôi cũng giống như những người đàn ông khác, cũng có gánh nặng của mình. Lúc trước, tôi có một gia đình rất hạnh phúc"... Bỗng dưng anh khẽ nhắc một câu hát của Trịnh Công Sơn: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...". Có những người phụ nữ yêu Bá Sơn nhưng không đủ sức để thông cảm, không đủ bao dung với người đàn ông dư dả nội lực bên trong như những đợt sóng ngầm khó kiểm soát. Anh cứ bươn bả đi theo những bộ phim, có thời gian ngủ với đạo diễn Hồng Sến nhiều hơn ngủ với vợ, tiền bạc mang về lại không nhiều, mà con cái những 3 đứa... Cảm giác mình không làm tròn sứ mệnh của người chồng đè nặng khiến sau cuộc chia tay, anh tự khoanh vùng cho mình chỉ "trong giới hạn yêu" thôi.

Sau những đau buồn của cuộc sống riêng tư, Đào Bá Sơn lại vùi mình vào công việc để quên đi nỗi buồn. Đến nay, khán giả có thể gặp ông trên truyền hình, ông diễn 1 vai cùng với Diễm My trong phim Người đứng trong gió.

Cuộc sống bình dị của 2 ông Tây độc ác khét tiếng màn ảnh Việt - 9

NSND Đào Bá Sơn trên trường quay.

Ngoài việc diễn xuất và đạo diễn, Đào Bá Sơn còn tham gia giảng dạy tại khoa đạo diễn trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh TPHCM. Đào Bá Sơn luôn xem sinh viên như những đồng nghiệp của mình và hoàn toàn không có khoảng cách thầy trò, chỉ tựu trung lại là niềm đam mê nghệ thuật. "Mong sao Việt Nam càng ngày càng có nhiều phim hay, có hồn mang tinh thần Việt" - ông thường trăn trở mỗi khi nói chuyện với học trò.

Nổi tiếng, bận rộn là thế, nhưng khi ra Thủ đô ông lại thích đi xe ôm hay cuốc bộ, thích lê la ở một góc quán vỉa hè uống bia hơi với bạn bè để hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, đặc biệt là chuyện của Hà Nội.

Theo K.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan