Rằm tháng 7 có nên cúng đúng ngày?

Ngày 16/08/2016 10:27 AM (GMT+7)

Việc chọn đúng ngày rằm (15/7 âm lịch) để cúng cô hồn lại không đúng theo quan niệm về ngày mở cửa địa ngục.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch - tháng cô hồn - được coi là tháng khoảng thời gian Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để các vong hồn cô đơn, trong đó có cả quỷ đói có thể trở lại dương gian làm phiền, quấy quả người trần. Bởi vậy mà ở tháng này, ngoài việc sắp cúng gia tiên ngày rằm thì các gia đình còn sắp sửa thêm lễ vật cúng chúng sinh, tức là cúng các cô hồn đói khát không nhà không cửa để không bị họ quấy phá.

Rằm tháng 7 có nên cúng đúng ngày? - 1

Lễ cúng cô hồn dịp rằm tháng 7

Cúng đúng ngày rằm chưa hẳn đã tốt

Theo cách nghĩ thông thường, nhiều người cho rằng làm việc gì cũng nên chọn đúng ngày là tốt nhất, việc cúng sớm chỉ là bất đắc dĩ vì lý do riêng. Nhưng theo quan niệm của nhiều chuyên gia, cúng rằm tháng 7 trước ngày 15 (âm lịch) mới là tốt nhất, bởi thời gian mở cửa địa ngục là từ ngày mồng 2 đến 11h đêm 14 tháng 7. Qua thời khắc đó, việc cúng cô hồn không còn "thiêng" nữa bởi tất cả họ đã trở lại cõi âm và Diêm Vương đã đóng cửa ngục.

Theo tục lệ, ngày cúng rằm tháng 7 hợp lý nhất được cho là từ ngày mồng 7 đến 14 trong tháng. Nhưng hiện nay, do công việc bận rộn, nhiều gia đình thường chọn một ngày bất kỳ trong khoảng nửa đầu của tháng, miễn là vào ngày nghỉ để tiện việc sắp sửa.

Việc chọn giờ cúng lễ rằm tháng 7 cũng không quá khắt khe. Thông thường, các gia đình hay chọn cúng trước các bữa trưa hay bữa tối để tiện tập trung đầy đủ con cháu. Những người cẩn thận hơn có thể chọn các khung giờ đẹp trong ngày để cúng vào đúng giờ hoàng đạo với hy vọng sẽ thêm phần may mắn.

Rằm tháng 7 có nên cúng đúng ngày? - 2

Theo quan niệm của nhiều chuyên gia, cúng cô hồn đúng ngày rằm tháng 7 chưa hẳn đã là tốt nhất

Đại kị đổ vỡ và động chân hương khi dọn bàn thờ

Được coi là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong năm, việc cúng rằm tháng 7 cũng diễn ra cầu kỳ và được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn hẳn các tháng khác. Không ít người cũng nhân dịp này để lau dọn bàn thờ, thậm chí còn tỉa chân hương hay thay bát hương như lễ cúng ông Công ông Táo cuối năm.

Tuy nhiên, theo Ths.KTS Nguyễn Đức Hiếu - Văn phòng Tư vấn Đại học Kiến trúc Hà Nội: "Tháng cô hồn, khi sắp đồ trên bàn thờ nên tuyệt đối tránh động chân hương, hạn chế rụng tàn (sẽ tán lộc) của gia chủ. Những điều này thường được quan niệm là đại kỵ. Chúng ta chỉ nên dùng khăn sạch bao sái các đồ vật trên ban thờ bằng rượu gừng hoặc nước ngũ vị để nguội mà không xê dịch, xoay chiều hay nâng bát hương lên khỏi bàn thờ. Và không chỉ riêng tháng này mà tất cả các tháng trong năm đều nên kiêng động chân hương, ngoại trừ lễ cúng ông Công ông Táo vào dịp cuối năm"

Ông cho biết thêm, không chỉ riêng bàn thờ mà các vật dụng khác trong nhà cũng nên được sắp xếp cho hợp phong thủy để tránh những rủi ro, mang lại may mắn nhiều nhất cho gia đình. Nhất vị, nhị hướng, các vật phẩm phong thủy mà đặt sai sẽ rất dễ phản tác dụng. Trong tháng cô hồn, điều này càng cần được lưu tâm, chú ý. Việc sắp xếp đồ đạc hợp lý sẽ có tác dụng kích hoạt những nguồn khí tốt trong ngôi nhà:

- Nhóm các vật như bể cá, tượng đá, bình gốm, các linh vật phong thủy thì bắt buộc phải có sự tính toán theo phương vị phù hợp với từng không gian nhà...

- Các vật dụng như sáo trúc, chuông gió bằng gỗ, giỏ mây tre… thuộc hành mộc thì nên bố trí ở các góc Đông và Đông Nam (cũng thuộc hành mộc) hoặc chính Nam (vì Mộc sinh Hỏa).

-  Các vật dụng bằng kim loại thì có thể đặt hướng Tây, Tây Bắc và chính Bắc (do Kim sinh Thủy)

- Các hướng Tây Nam và Đông Bắc thuộc hành Thổ, nên đặt đá phong thủy hay các đồ sành sứ…

Hoài Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tháng cô hồn