Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc

Nhật Linh - Ngày 28/09/2017 15:00 PM (GMT+7)

Cây hoa nhài có hình dáng đẹp, sai hoa, hương thơm dễ chịu, lại là một loại cây phong thủy trừ xú uế, đem lại tài lộc cho gia chủ, tội gì mà không trồng bày nhà!

Hoa nhài là một loại cây cảnh khá phổ biến ở Việt Nam, không chỉ được dùng để làm cảnh, loài cây này còn được trồng làm thuốc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc về đặc điểm, ý nghĩa và công dụng của hoa nhài.

Nguồn gốc và đặc điểm của hoa nhài

Hoa nhài hay còn được biết đến với tên hoa lài, có nguồn gốc từ dãy núi Himalayas, Trung Quốc, với hương thơm ngọt ngào, dễ chịu, dễ dàng xoa dịu căng thẳng, giảm stress cho người chơi hoa. Loài hoa mỏng manh, nhỏ bé này còn là quốc hoa của nhiều quốc gia trên thế giới như: Philippines, Pakistan, Indonesia, Tunisia.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 1

Hoa lài có tên khoa học là Jasminum Sambac, là loại cây bụi nhỏ thân thảo, phân cành nhánh nhiều với chiều cao khoảng 30cm - 100cm, lá cây màu xanh đậm, bóng. Hoa có màu trắng tinh khôi, nhỏ xinh, đường kính hoa khoảng 2.5cm - 5cm. Mỗi chùm hoa thường từ 3 đến 15 bông hoa. Nụ hoa nhỏ, mọc từ nách lá hoặc đầu cành, có màu trắng xanh.

Khi nở bung, cánh hoa hình bầu dục xếp xoáy từ tâm ra ngoài, có màu trắng muốt. Hoa có mùi thơm thoang thoảng, êm dịu. Mặc dù hoa nhài nở rất nhiều nhưng khả năng kết quả rất thấp, quả cây hoa lài có màu đen.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 2

Cây hoa nhài hầu như quanh năm đều ra hoa, nhiều nhất vào mùa hè và chủ yếu tỏa hương thơm ngát vào ban đêm. Cây nên được đặt gần cửa sổ hướng về phía nam của nhà. Còn trong vườn, cây nên được trồng ở phía bắc, phía đông hoặc phía đông bắc.

Nếu chăm sóc tốt, hoa nhài có thể ra hoa quanh năm nhưng mùa ra hoa chính và nở rộ hoa nhất vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Ở những thời điểm khác, cây có hoa nhưng không nhiều, bông cũng không to như vào chính mùa.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 3

Phân loại hoa nhài

Trên thế giới có rất nhiều loài hoa nhài, ở Việt Nam hiện nay có 3 loài hoa lài chính: hoa Nhật, hoa đơn và hoa kép.

- Hoa nhài đơn hay hoa lài ta: là loại cây hoa có dạng đơn, khi nở, hoa có khoảng 5 - 7 cánh xòe, kích thước hoa nhỏ, tỏa mùi thơm nhẹ dịu, thoang thoảng.

- Hoa nhài kép hay hoa lài tây: là loài cây hoa có cánh hoa to và xếp chồng lên nhau. Khi nở, hoa tỏa mùi thơm nồng hơn, quyến rũ hơn.

- Hoa nhài nhật: là loài cây khác biệt nhất, hoa có màu tím kích thước nhỏ hơn hai loài kể trên, giống cây này hiếm nên ít phổ biến.

Công dụng của hoa nhài

Ngoài tác dụng là loại cây cảnh trang trí, hoa nhài được biết đến nhiều nhất với tác dụng để pha trà uống. Tuy nhiên, loài cây này còn có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người. Cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần sau đây nhé.

Cây cảnh phong thủy:

Cây hoa nhài có dáng cây đẹp, sai hoa, hương thơm dễ chịu, thanh thoát nên thường được trồng làm cây trang trí ở ban công văn phòng, nhà hàng, nhà ở…. Cây hoa nhài cũng được lựa chọn làm cây phong thủy trừ xú uế, đem lại tài lộc cho gia chủ.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 4

Là vị thuốc chữa bệnh theo đông y:

- Hoa nhài là loài hoa có vị ngọt, tính mát nên giúp thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu khá tốt. Hoa tươi giúp điều trị đau mắt, đau bụng và tiêu chảy. Sử dụng hoa lài khô sắc uống thay nước hàng ngày giúp thanh nhiệt cơ thể khá tốt.

- Lá và rễ của hoa nhài còn có thể dùng làm thuốc trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi do sốt, sởi mọc không đều. Bên cạnh đó, lá cây còn được sử dụng để điều trị bạch đới, lá khô ngâm nước đắp lên vết thương hở điều trị lở loét. Rễ cây giúp điều kinh, chữa viêm mũi dị dững, viêm giác mạc và mất ngủ khá hiệu quả.

Ngoài ra, rễ cây hoa nhài có độc nhẹ nên được sử dụng để gây tê cục bộ từng vị trí, giúp an thân và trấn thống. Khi kết hợp cùng với những loại thuốc gây tê khác giúp tăng hiệu quả đáng kể.

Là vị thuốc theo y học phương tây:

Không chỉ được sử dụng làm vị thuốc trong đông y, hoa nhài cũng được ứng dụng trong y học hiện đại.

- Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: do hoa lài có vị ngọt, tính mát giúp điều hoà quá trình sản sinh insulin từ đó giúp ổn định nồng độ đường huyết nên có tác dụng rất lớn trong phòng ngừa bệnh tiểu đường.

- Chống oxy hóa: Trong cây hoa nhài có chứa chất epigallocatechin gallate (ECGC) giúp chống ôxy hóa giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ngăn ngừa ung thư.

- Chống viêm: hoạt chất ECGC trong cây còn có tác dụng chống viêm và hạ lipid máu.

- Trong hoa nhài có chứa Cafein kết hợp cùng hoạt chất ECGC có khả năng đốt cháy chất béo khá tốt nên giúp kiểm soát cân nặng và phòng bệnh béo phì.

- Hương thơm của hoa lài giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Làm mỹ phẩm, nước hoa:

Tinh dầu hoa nhài giúp cho tinh thần con người thư thái, mang đến cảm giác thư giãn, kích thích tâm trạng lạc quan nên thường được chưng cất làm nước hoa.

Những lưu ý khi sử dụng hoa nhài

Do một số bộ phận trên cây hoa nhài có độc hoặc có tác dụng không tốt đối với sức khỏe người sử dụng khi dùng quá liều. Vì vậy, bạn cần lưu ý những điều sau:

- Tuyệt đối không dùng bất kỳ bộ phận nào trên cây hoa nhài để ngâm rượu thuốc uống.

- Nên tham khảo liều dùng từ bác sĩ, thầy thuốc hoặc người có chuyên môn.

- Phụ nữ có thai hay cơ thể suy nhược tuyệt đối không nên dùng.

- Không nên dùng trà hoa nhài thường xuyên vì chất Catechin có thể làm giảm quá trình hấp thụ sắt từ thực phẩm dẫn đến nguy cơ thiếu máu.

- Uống trà hoa lài khi đói có thể gây tổn thương cho thượng vị và tăng các triệu chứng của viêm loét dạ dày.

- Không nên uống trà hoa nhà muộn vì trong trà có chứa cafein nên có thể gây mất ngủ và tăng huyết áp.

Ý nghĩa hoa nhài

Hoa nhài thu hút năng lượng tích cực, hương thơm ngọt ngào và dễ chịu của nó có thể giúp làm dịu sự căng thẳng và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, hoa lài còn mang rất nhiều ý nghĩa cả về đời sống và tinh thần.

1. Ý nghĩa của hoa nhài với nền văn hoá của các quốc gia trên thế giới

Tên tiếng anh của hoa nhài là Jasminum xuất phát từ tiếng Ả Rập với từ Jas có nghĩa là tuyệt vọng còn từ min có nghĩa là nói dối.

Theo văn hoá Hindu, hoa lài được gọi với cái tên Ánh trăng của khu rừng nhỏ.

Ở Pakistan, hoa nhài được xem như là quốc hoa của đất nước này. Trong đám cưới truyền thống ở đây, cô dâu và chú rể thường đeo vòng hoa lài trên cổ.

Ở Philippines và Indonesia hoa lài có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá nên thường được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo hoặc trong ngày cưới.

Ở Thái Lan, hoa nhài được xem là biểu tượng của người mẹ, nó thể hiện tình yêu thương vô bờ bến, sự che chở bao bọc của người mẹ dành cho con của mình.

Tại Mỹ - đất nước cờ hoa, hoa lài thể hiện tình yêu, sắc đẹp và sự lãng mạn.

2. Ý nghĩa của hoa nhài theo phong thuỷ

Trong phong thuỷ, hoa nhài được xem là loài cây mang lại tài lộc, thịnh vượng nên thường được đặt trong văn phòng công ty, phòng khách gia đình.

Đây cũng là loài cây cảnh có tác dụng bài trừ xú uế, vận rủi, thu hút năng lượng tích cực nên thường được đặt ở phòng khách gia đình nhằm cải thiện các mối quan hệ trong gia đình. Ngoài ra, hương thơm từ hoa nhài còn giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, giải tỏa lo âu, stress.

Trong tình cảm vợ chồng, hoa lài được xem như là loài hoa kích thích sự hưng phấn nên thường được đặt trong phòng ngủ hoặc ở ngoài ban công.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 5

3. Ý nghĩa của hoa nhài theo màu sắc hoa

Ở Việt Nam, hoa nhài trắng phổ biến nhất, nhưng hoa nhài vẫn có một số màu sắc khác như vàng, hồng, tím,....

- Hoa nhài trắng tượng trưng cho sắc đẹp, sự duyên dáng và tinh khiết của người con gái.

- Hoa lài hồng là loài hoa của Tây Ban Nha thể hiện sự nhanh nhạy và nhạy cảm trong công việc, tình yêu.

- Hoa nhài vàng thể hiện sự ngọt ngào, khăng khít của tình bạn, tình anh em.

- Hoa lài tím là loài hoa của Nhật Bản thể hiện sự thuỷ chung son sắt trong tình cảm vợ chồng.

Hướng dẫn trồng hoa nhài

Cây hoa nhài thuộc loại cây dễ trồng tại Việt Nam bởi thân cây khỏe mạnh, chịu khắc nghiệt cực tốt bất kể thời tiết nắng mưa. Hoa nhài có thể trồng quanh năm, thời điểm trồng tốt nhất đối với các tỉnh phía Bắc là từ tháng 2 đến tháng 4; với các tỉnh phía Nam là trước và sau mùa mưa.

Hoa nhài: Phân loại, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc - 6

1. Chọn phương pháp trồng

Hoa nhài có thể trồng bằng phương pháp chiết cành, giâm cành hoặc trồng bằng hạt. Tuy nhiên, phương pháp trồng bằng cành chiết, giâm cành được sử dụng nhiều hơn cả. Do phương pháp này có hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian. Trong khi đó, khi trồng bằng hạt nếu không cẩn thận hạt có thể sẽ không nảy mầm được.

2. Chọn đất trồng phù hợp

Đất trồng cây hoa nhài nên chọn loại đất có thể thoát nước tốt, do loài cây này có khả năng chịu hạn khá tốt nhưng khi bị úng nước cây sẽ chết. Bạn có thể sử dụng đất trồng là hỗn hợp của xơ dừa hoặc mùn dừa, trấu hun, phân chuồng ủ hoai. Loại đất này cho khả năng tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt và cung cấp cho cây đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hoặc bạn có thể sử dụng loại đất cát ít chua, có nhiều chất mùn, tơi xốp, dễ thoát nước. Trồng trong bồn có thể dùng đất mùn, đất thịt hoặc đất hỗn hợp có chứa ít chất hữu cơ.

3. Kỹ thuật trồng hoa nhài bằng cành

- Bước 1: Chọn cành hoa nhài không quá non hay không quá già.

- Bước 2: Tiến hành cắt cành để giâm. Nên dùng kéo cắt chuyên dụng để tránh làm cây bị hỏng.

- Bước 3: Ngâm vết cắt trong dung dịch kích thích mọc rễ trong khoảng 30p để tăng khả năng ra rễ của cây.

- Bước 4: Đem vùi cành xuống đất khoảng 10- 15cm.

- Bước 5: Tưới nước đều đặn để cung cấp đầy đủ độ ẩm cho cây phát triển, sau khoảng 20 ngày, cành cây đã ra rễ non và đâm chồi mới.

Hướng dẫn cách chăm sóc cây hoa nhài

Hoa nhài là loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc, tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt và ra hoa đẹp, khi chăm sóc bạn cần chú ý đến một số điểm sau:

- Ánh sáng: Hoa lài là loài cây ưa bóng râm nên tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào cây. Hàng ngày, bạn có thể cho cây phơi nắng trong khoảng thời gian ánh nắng dịu nhẹ như buổi sáng từ 6 - 9h, chiều sau 16h.

- Nhiệt độ: Hoa nhài ưa ấm, không chịu được giá lạnh. Nhiệt độ sinh trưởng lý tưởng nhất là 20 - 27 độ C, tuy nhiên, cây vẫn có thể chịu được mức nhiệt từ 16-33 độ C. Nếu nhiệt độ môi trường quá nóng, cây sẽ sinh trưởng và phát triển chậm, thậm chí có thể cháy lá. Nếu nhiệt độ môi trường quá lạnh, cây sẽ bị rụng lá.

- Nước tưới: Khả năng chịu hạn của cây hoa nhà khá tốt nhưng chịu úng lại khá kém, vì vậy, khi tưới nước bạn nên tưới lượng nước vừa phải, cung cấp đủ độ ẩm cho cây là được. Khi cây đang ở thời kỳ tăng trưởng, nên giữ cho đất ẩm. Vào mùa khô cần thường xuyên tưới nước cho cây, mùa đông nên hạn chế lượng nước.

- Phân bón: Sau khi trồng cây, lượng dinh dưỡng trong đất còn khá nhiều, thông thường, sau khoảng 6 tháng, bạn nên bón phân định kỳ mỗi tháng một lần để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và ra hoa. Khi bón phân, có thể pha nước phân chuồng + 3% đạm urê để tưới.

- Thay đất: Thông thường, sau khoảng 1 - 2 năm, đất trồng cây sẽ bị bạc màu và vón cục, khả năng thấm hút nước kém. Lúc này, bạn nên thay đất mới cho cây để cây sinh trưởng tốt hơn. Việc thay đất không chỉ giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển mà còn giúp giảm thiểu các vi sinh vật, mầm bệnh có hại cho rễ cây. Quy trình thay đất cho cây như sau:

+ Bước 1: Chuẩn bị hỗn hợp đất mới như khi trồng cây.

+ Bước 2: Cắt phần rễ thừa trồi ra khỏi lỗ thoát nước.

+ Bước 3: Nhấc cả gốc cây ra khỏi chậu (bao gồm cả đất). Bỏ hết đất quanh rễ cây.

+ Bước 4: Bắt tỉa bớt rễ xấu, rễ đen, hay rễ bị bệnh.

+ Bước 5: Đặt một ít xỉ than hoặc than củi hoặc sỏi đá ở dưới đáy chậu, sau đó cho đất vào bằng 1/3 chậu cây, đặt cây vào chính giữa chậu, sau đó cho lượng đất còn lại vào chậu trồng.

+ Bước 6: Nén đất nhẹ sao cho cây đứng vững, tiến hành tưới nước đều khoảng 2 tuần cho cây làm quen dần với đất.

- Cắt tỉa: Khi tán cây quá dày, bạn nên cắt tỉa bớt để cây thông thoáng. Nên cắt tỉa những cành khô, lá úa vàng, khô héo. Cắt tỉa cây thường xuyên vừa tạo độ thông thoáng cho cây, vừa có thể kiểm tra xem cây có xuất hiện mầm mống bệnh tật nào không.

Những lưu ý khi chăm sóc cây

- Nên chọn loại chậu và đất trồng có khả năng thoát nước tốt, giúp cây tránh bị ngập úng khi mưa to.

- Khi tưới nước, không tưới trực tiếp lên bông hoa. Chỉ nên tưới vào buổi sáng sớm, vì khi tưới vào buổi tối phần nước còn đọng lại trên lá cây, cành cây có thể khiến mầm bệnh phát triển.

Cách điều trị các bệnh thường gặp trên cây hoa nhài

Hoa nhài là loài cây thích nghi khá tối với điều kiện khí hậu và đất trồng ở Việt Nam, hơn nữa chăm sóc cây khá dễ nên được rất nhiều người trồng làm cây cảnh. Tuy nhiên, cây hoa lài xuất hiện một số loại bệnh gây hại như sau:

1. Bệnh thối bông

- Nguyên nhân: Bệnh thối bông do nấm Botrytis cinerea gây ra. Nấm xâm nhập vào cây thông qua những vết thương hở trong quá trình chăm sóc cây hoặc cắt tỉa cây. Vì vậy, nếu cây bị xước hoặc cắt tỉa cành thì nên bôi thêm chất liền sẹo để tránh bào tử nấm xâm nhập.

- Gây hại: Thường gây thối nụ hoa và cánh hoa, có thể gây hại cho cả lá và thân cây.

- Triệu chứng và tác hại: Nếu bệnh xuất hiện khi cây mới ra nụ, bên ngoài nụ hoa sẽ có một lớp nấm màu xám. Bệnh khiến cho nụ hoa không nở bung được, nụ hoa bị thối từ bên trong, lâu dần sẽ bị héo và rụng. Khi hoa nở, nếu hoa bị tấn công cuống hoa sẽ xuất hiện những vết thâm nâu hoặc cuống hoa bị khô hoặc trên cánh hoa có những đốm màu nâu, cánh hoa khô cháy.

Khi tấn công lá cây, bệnh sẽ tấn công từ chóp lá và lan dần xuống cuống lá. Ban đầu lá sẽ có những đốm nhỏ màu nâu, dần dần sẽ lan rộng ra và khiến lá rụng sớm.

- Cách điều trị: Bạn có thể phòng ngừa bằng cách phun thuốc trừ nấm ở giai đoạn nụ hoa như: Anvil 5SC, Amistar Top 325SC, Miksabe 100WP,….

2. Bệnh sùi cành

- Nguyên nhân: Bệnh sùi cành trên cây hoa nhài gây ra bởi vi khuẩn Agrobacterium Tumefaciens. Vi khuẩn này xâm nhập vào cây thông qua các vết thương khi cắt tỉa hoặc chăm sóc cây.

- Gây hại: Bệnh gây hại chủ yếu trên cành cây.

- Triệu chứng và tác hại: Các đốt trên cành bị bệnh ngắn hơn so với các cành khoẻ mạnh, vỏ trên cành bị nứt dọc và nổi những cục u sần sùi. Khi dính bệnh, cây chậm phát triển hơn, lá cây vàng, rụng sớm, cành cây khô, giòn, dễ gãy.

- Cách điều trị: Để phòng trừ và điều trị bệnh sùi cành, bạn nên sử dụng các loại thuốc gốc Đồng để phun trừ vi khuẩn như: New Kasuran 16.6 BTN, Batocide 12WP, Starner 20WP,….

3. Bệnh khô cành, chết nhánh

- Nguyên nhân: Do nấm Gloeosporium SP., Colletotrichum sp. gây ra.

- Gây hại: trên nhánh hoặc cành cây.

- Triệu chứng và tác hại: Nhánh và cành khô héo dần dẫn đến chết cành hoặc nhánh cây.

- Cách điều trị: Khi chăm sóc, bạn nên cắt tỉa bớt cành lá cho cây thông thoáng, sử dụng các loại thuốc để phun khi cây xuất hiện bệnh như: Ridomil , Score 250 EC, Aliette 800WG, thuốc trừ bệnh gốc Đồng,….

4. Bệnh chết bụi

- Nguyên nhân: Do nấm Pythium sp., Fusarium sp. gây ra.

- Gây hại: toàn bộ cây, có thể chết cây.

- Triệu chứng và tác hại: Lá cây bị vàng, héo úa dần cuối cùng sẽ chết cả cây.

- Cách điều trị: Bạn nên sử dụng các loại phân hữu có có chứa bào tử nấm Trichoderma kết hợp cùng các loại thuốc trị bệnh như thuốc gốc đồng, Score, Aliette,… tưới gốc và phun lên cây.

* Lưu ý: Sau khi sử dụng các loại thuốc trị bệnh để phun lên cây, tuyệt đối không hái hoa để sử dụng như làm bánh, pha trà uống. Do dư lượng thuốc trị bệnh có thể sẽ vẫn còn sót lại trong hoa sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Chị em nên trồng một vài chậu hoa nhài đặt cửa sổ, cách trồng đơn giản hơn so với các loài hoa khác, mà dáng cây lại đẹp, hương lại thơm và quyến rũ.

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cây cảnh độc đáo