5 sai lầm “ngã ngửa” về việc cho con bú sữa mẹ

Ngày 02/08/2015 10:10 AM (GMT+7)

Cho con bú bị chảy ngực, bị đau, ngực nhỏ thì ít sữa,... là những quan niệm không có cơ sở khoa học nhưng lại được nhiều bà mẹ tin “sái cổ”.

Có con lần đầu, chắc hẳn có rất nhiều điều khiến các bà mẹ bỡ ngỡ, lo lắng. Một trong những vấn đề khiến các bà mẹ quan tâm nhiều nhất chính là chuyện nuôi con bằng sữa mẹ. Xung quanh việc cho con bú có rất nhiều thắc mắc và những nỗi lo không đáng có mà nhiều chị em gặp phải. Cùng “điểm danh” 5 quan niệm sai lầm nhưng lại rất phổ biến dưới đây:

1. Cho con bú gây đau đớn

Trong vài tuần lễ đầu, có mẹ sẽ cảm thấy đau ở núm vú sau khi bé lần đầu tiếp xúc với “ti” mẹ. Đau kéo dài thường là biểu hiện của việc đặt vị trí miệng bé không đúng cách. Cũng có thể mẹ đã bị nhiễm nấm trên đầu ti, gây đau đớn. Hãy nhờ đến sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm và bác sĩ tư vấn để xử lí kịp thời.

Ngoài những trường hợp trên, cho con bú chỉ gây ra cảm giác hơi lạ và có thể khó chịu đôi lúc nhưng cho con bú không gây đau. Tình trạng đau là dấu hiệu cơ thể có điều gì đó không ổn và nếu tự nhiên việc cho con bú gây đau dễ nhận thấy thì cần phải khám bác sĩ.

2. Ngực nhỏ = ít sữa

Không có mối liên quan nào giữa kích thước ngực của mẹ với việc sản xuất sữa. Thậm chí, có những phụ nữ có bộ ngực to nhưng con vẫn phải dùng sữa công thức. Các bà mẹ ngực nhỏ chỉ có một bất lợi là dung lượng chứa sữa ít hơn và mẹ có thể khắc phục bằng cách tăng số lần bú cho con.

3. Cho con bú khiến ngực chảy sệ

Việc cho trẻ bú mẹ không làm ngực mẹ xấu hay chảy sệ. Nguyên nhân quyết định hình dáng ngực là do trong quá trình mang thai, kích thước vú đã có sự thay đổi. Ngực không bao gồm các cơ bắp và dây chằng mà chỉ có các mô mỡ, đó là lí do khiến ngực dễ bị chảy.

5 sai lầm “ngã ngửa” về việc cho con bú sữa mẹ - 1

Việc cho trẻ bú mẹ không làm ngực mẹ xấu hay chảy sệ. Nguyên nhân quyết định hình dáng ngực là do trong quá trình mang thai, kích thước vú đã có sự thay đổi. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian mang thai, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến vòng 1 để chuẩn bị cho quá trình người mẹ cho con bú. Số lượng các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực trở nên lớn hơn làm ngực giãn nở, thậm chí rạn da. Vú bị căng sữa liên tục có thể làm ngực biến dạng sau khi cai sữa. Mặt khác, cũng tùy theo cơ địa của từng người, vú sẽ có hình dạng khác nhau sau sinh.

Trong sữa mẹ có các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng bé nên cần phải cho bé bú đầy đủ. Lo ngực chảy vì cho con bú là nỗi lo không đáng có và hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

4. Cho con bú là biện pháp tránh thai hoàn hảo

Rất nhiều chị em phụ nữ bị "vỡ kế hoạch" do tin tưởng rằng cho con bú là một cách tránh thai an toàn. Tuy việc thụ thai không phải là dễ dàng như bình thường nhưng quá trình cho con bú không phải là giai đoạn an toàn tuyệt đối vì tỷ lệ có thai vẫn rất lớn. Vì vậy, mẹ hãy bắt đầu dùng một phương pháp tránh thai nào đó an toàn ngay khi bắt đầu sinh hoạt đời sống vợ chồng trở lại để không thụ thai ngoài ý muốn và gặp phải tình trạng kiệt sức vì nuôi con.

5. Cho con bú là tự nhiên, trời cho ai người nấy hưởng

Đối với một số người, quả thật cho con bú là điều rất đơn giản và dễ dàng, như thể họ sinh con ra là đã có sẵn khả năng cho con bú. Tuy nhiên, bà mẹ nào mới sinh con ra mà sữa chưa về thì chớ vội nản lòng ngay. Việc chăm chút cho bầu vú có sữa có thể sẽ là một thử thách nhưng các mẹ đừng nhanh chóng bỏ cuộc. Hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để có những biện pháp kích thích sữa về cho bé bú. Luôn nhớ rằng, sữa mẹ là điều tuyệt vời nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Mời các mẹ tham gia chia sẻ, tìm kiếm những kinh nghiệm, bí quyết hữu ích khi nuôi con nhỏ tại Hội các mẹ yêu con nhé!

HN (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cho con bú