Sinh con trai nhưng vùng kín lại không có "cậu nhỏ"

Ngày 28/04/2015 16:01 PM (GMT+7)

Hình dáng, giọng nói đích thị là bé trai, nhưng khi “kiểm tra” xuống dưới thì không thấy “cậu nhỏ” đâu, mà chỉ thấy một dúm da nhỏ.

Tôi có đứa cháu trai lên 3 tuổi. Nhìn hình dáng, sở thích và giọng nói của bé thì đích thị là bé trai, nhưng khi “kiểm tra” xuống dưới thì không thấy “cậu nhỏ” đâu, mà chỉ thấy một dúm da nhỏ.

Mỗi khi đi tiểu, bé rất khó đi và nước tiểu chảy ra từ dúm da đó. Mong chuyên mục cho biết, lớn lên, “cậu nhỏ” của bé có bình thường hay không? Gia đình phải làm sao?

Quang Minh (Bình Thuận)

Theo như bạn mô tả thì rất có thể bé đã mắc chứng vùi dương vật. Đây là một trong những dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục ngoài. Trong dị tật này, thân dương vật và qui đầu bị vùi lấp bên dưới lớp da và mỡ phía trước xương mu liên tục với bìu và thành bụng. Vì vậy “cậu nhỏ” của cậu bé không thể nhô ra ngoài và ít nhiều gây khó khăn khi đi tiểu.

Sinh con trai nhưng vùng kín lại không có quot;cậu nhỏquot; - 1
Vùi dương vật là một trong những dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục ngoài. (ảnh minh hoạ)

Bạn có thể dựa vào một số gợi ý về chứng vùi dương vật dưới đây để nhận định rõ hơn tình trạng của bé.

1. Không nhìn thấy rõ dương vật.

2. Da mặt lưng và bụng dương vật hội tụ ngay phía trước qui đầu tạo thành một mẫu da nhỏ hình nón.

- Khi không cương: Sờ nắn ống da không tìm thấy thân dương vật. Chỉ khi nào kéo tụt ống da về phía xương mu thì mới xác định được một phần, nhưng khi buông ra thì chim cậu bé sẽ bị tụt vào.

- Khi cương cứng: Nắn được một phần thân dương vật nhô lên khỏi xương mu nhưng ngắn. Khi ấn ngón tay ở góc để kéo tụt ống da dương vật sẽ xác định được thân, nhưng khi buông ra thân dương vật cũng sẽ chìm vào phần da trước xương mu.

Tùy theo mức độ nặng, vùi dương vật có thể có những biến chứng khác nhau. Các biến chứng đó bao gồm: Viêm khô bao da qui đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục và về lâu dài có thể ảnh hưởng khả năng quan hệ và sinh con.

Chính vì vậy, gia đình cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay để tùy theo mức độ nặng của dị tật, bác sĩ sẽ quyết định. Có thể bé sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật để bóc tách dương vật và kéo dài hơn trước khi được cố định ngay dưới xương mu. Hiện nay bé mới được 3 tuổi, độ tuổi này nếu phải phẫu thuật sẽ  ít gây xáo trộn về mặt tâm lý hơn lứa tuổi đến trường. Mặt khác, vùng kín của bé sau khi được phẫu thuật ít bị phù nề hơn.

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý, các trường hợp vùi dương vật rất dễ bị chẩn đoán nhầm với hẹp bao da qui đầu, nhất là các trường hợp vùi dương vật ở thể nhẹ. Và khi phần bao da qui đầu ở trẻ vùi vùi dương vật  bị cắt bỏ, các phẫu thuật viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tạo hình dương vật về sau, thậm chí không thể nào thực hiện được.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em