Thân thương hai tiếng Gia đình

Ngày 28/06/2013 08:42 AM (GMT+7)

Lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương yêu của ba mẹ, tôi thèm một mái ấm gia đình biết bao.

Tôi lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương yêu của của ba mẹ. Từ nhỏ, tôi sống với ông bà ngoại nhiều hơn và khao khát một mái ấm gia đình thực sự. Khi trưởng thành, gặp gỡ rồi về làm vợ một người đàn ông hiền lành, chân thật và yêu vợ thương con, tôi mới thực sự thỏa ước mơ của một người có nơi chốn ấm áp đi về.

Cưới năm 2008 nhưng mãi hơn ba năm sau tôi mới có bé Mèo. Từ ngày có con, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và nỗi lo lắng khác nhau. “Sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”, tôi thấm thía câu nói này và thương mẹ mình ngày xưa vất vả trăm bề khi phải một thân một mình chèo chống nuôi dạy chúng tôi. Trước khi sinh, do không có điều kiện đủ đầy để chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng các kiểu, có lẽ vì thế mà con tôi sinh ra không được khỏe mạnh như những đứa trẻ cùng tuổi.

Thân thương hai tiếng Gia đình - 1
Lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương yêu của ba mẹ, tôi thèm một mái ấm gia đình biết bao. (Ảnh minh họa).

Hai tuần tuổi, con bị trào ngược dạ dày, thuốc men liên miên. Sau những lần vào bệnh viên nhi, bác sĩ bảo tim của con có một “lỗi” nhỏ, cần theo dõi kỹ và xử lý kịp thời. Nói là bệnh tim nhưng con không quá nặng, chỉ hơi yếu và tránh vận động mạnh. Nhìn lồng ngực con phập phồng nhanh mỗi khi thở mệt, lòng tôi thắt lại. Thời gian đó tôi chỉ cầu mong cho con được khỏe mạnh, lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, dù có đánh đổi tiền bạc công sức thế nào tôi cũng cam lòng. Có lẽ trời thương, đến nay con lên hai, khỏe mạnh, vui đùa bình thường và ngoan ngoãn đáng yêu.

Từ “gia đình” trong tôi tròn đầy hơn từ ngày con ra đời. Nếu trước đây cuộc sống hai vợ chồng rất rời rạc theo quan niệm còn trẻ, cứ vui vẻ và tận hưởng để sau không ân hận thì giờ tôi đã trở thành “người phụ nữ thật sự” của gia đình. Còn nhớ, những ngày đầu cưới nhau, tan sở, tôi hay tụ tập bạn bè cà phê, ăn uống, đến tối mịt mới về nhà chỉ tắm rửa rồi đi ngủ. Vợ chồng có khi 2-3 ngày chưa có cơ hội nói chuyện với nhau. Rồi hôn nhân có lúc gặp vấn đề lớn, không tìm được tiếng nói chung. Nhìn lại ngày tháng qua, tôi biết cuộc hôn nhân của mình đang thiếu chất “kết dính”. Con ra đời chính là chiếc cầu nối yêu thương vào tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh vào lòng vị tha.

Từ một người vô tâm, chẳng biết “góp gió thành bão”, tôi đã biết thế nào là “tay hòm chìa khóa”, vun vén trong ngoài, tiêu xài hay làm bất cứ điều gì cũng nghĩ đến con đầu tiên. Niềm vui nhìn con lớn lên mỗi ngày không có hạnh phúc nào tả xiết. Tôi nuôi hy vọng vun đắp cho con một mái nhà thật ấm êm để con lớn lên trong đủ đầy yêu thương và sự đùm bọc của ba mẹ. Tôi mong mái nhà sẽ là nơi đầu tiên con nghĩ đến và chốn  cuối cùng để con quay về khi vấp ngã trong cuộc đời. Tôi muốn con sẽ được ủ trong tình yêu vô bờ của vợ chồng tôi, để bù lại tuổi thơ thiếu thốn tình thương mà tôi từng trải qua.

Con bi bô tập nói, tôi dạy con í ới hai chữ “Gia đình”, con đứng im như phỗng như suy nghĩ rồi thỏ thẻ lặp lại “a ình” trong tiếng cười giòn tan. Có lẽ con sẽ hiểu hai chữ ấy thiêng liêng hơn bất cứ điều gì trên đời này. Những khi nằm với con, tôi hay thủ thỉ “gia đình vẫn luôn là nơi con có thể quay về. Dù cả thế giới này có quay mặt lại với con nhưng gia đình thì không”.

Những ai đang có một mái ấm yêu thương và hạnh phúc, xin hãy giữ gìn, vì ngoài kia còn bao người cần một chỗ tựa nương.

P. Nghi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm