Tấm lòng của người mẹ xin giảm án cho kẻ sát hại con

Ngày 26/05/2015 19:00 PM (GMT+7)

Nỗi đau mất con không nguôi nhưng mẹ nạn nhân vẫn xin giảm án cho hung thủ.

Giết người trốn ba năm cũng không thoát

Trương Thành Trúc (SN 1971) sinh ra và lớn lên tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình có tổng 8 anh em. Cha mẹ làm nông, suốt ngày ở ngoài đồng ruộng nhưng vẫn không thể kiếm đủ cơm nhét no bụng cho đàn con nheo nhóc. Gã học đến lớp hai thì đành nghỉ. Ở quê gã thuở ấy, chuyện thất học là điều quá đỗi bình thường.

Thời niên thiếu, Trúc chỉ quanh quẩn với ruộng đồng, sông nước. gã ít bạn bè, ít nói và cũng ít thích động chạm đến ai. Mỗi khi có người gây sự, gã lại tìm cách rút lui trong êm đẹp. Quê gã trai 20, gái 18 là đã thành gia lập thất. Gã nhát gái, thấy cô nào là lại run rẩy nên đã ngoài 20 mà vẫn chưa tìm được ý chung nhân. Bước sang 24, mẹ sợ gã ế nên nhờ bà mối giới thiệu cho một cô gái ít hơn ba tuổi. Năm đó, đám cưới nho nhỏ được diễn ra.

Tấm lòng của người mẹ xin giảm án cho kẻ sát hại con - 1

Trúc tại phiên tòa phúc thẩm

Trúc vui mừng khi vợ sinh hạ đứa con đầu lòng. Cả hai biết, cuộc sống khó khăn ở quê là vì nhiều con nên quyết định chỉ khi nào có đủ kinh tế mới sinh thêm. Hàng ngày, hắn vẫn làm ruộng. Riêng vợ hắn rất tháo vát, ngoài giúp chồng còn buôn bán để tăng thu nhập. Dần dà, chị trở thành lao động chính trong gia đình. Đúng như những gì dự tính, khi con đầu gần 10 tuổi thì chị mới mang thai đứa thứ hai.

Cuộc sống gia đình Trúc cứ thế trôi qua trong êm đềm. Vào năm 2011, việc buôn bán của vợ Trúc không được thuận lợi. Thu nhập gia đình bấp bênh. Trong khi đó, chi tiêu vẫn y như cũ. Cũng năm ấy, lúa mất mùa. Nhiều đêm, gã gác tay lên trán, thở dài suy nghĩ. Cuối cùng, gã quyết định lên TP.HCM làm công kiếm tiền gửi về cho vợ con.

Đó cũng chính là lần đầu Trúc lên thành phố. Gã lơ ngơ khi thấy thứ gì cũng khác lạ. Gã tìm đến một người quen ở quê ngỏ ý giúp đỡ. Người này giới thiệu gã gặp một ông thầu xây dựng để làm phụ hồ. Với đôi mắt nhà nghề, ông biết, từ trước đến nay, gã chưa bao giờ làm công việc này nên nhận nhưng chỉ trả với mức lương 130 nghìn đồng một tháng. Ông thương tình, cho gã ở lại công trình vào ban đêm để giảm chi phí chi tiêu.

Trúc chịu khó làm việc, tính lại hiền lành nên được mọi người trong công trình quý mến. Tối nào cũng vậy, để bớt buồn, gã cùng một số đồng nghiệp lại chơi đánh bài ăn tiền. Mà ăn thua bao nhiêu đâu, mỗi ván chỉ có 5 nghìn, mười nghìn.

Tối 9/10/2011, sau khi ăn tối, Trúc lại chơi đánh bài với anh Hồ Đức T. (SN 1992, tỉnh Bình Thuận) với một số người bạn. Hôm đó, số đỏ, gã ăn hết tiền của anh T.. Thua hết, anh T. giật lấy tiền của gã dẫn đến hai bên cãi nhau. T. lấy chiếc đũa, bẻ đôi đâm vào vai gã nhưng không gây thương tích. Hai bên lời qua tiếng lại một lúc thì Trúc bỏ sang quán ốc đối diện công trình kể lại sự việc cho những người trong quán nghe.

Lát sau, Trúc cùng bốn thanh niên quay lại công trình đòi lại tiền nhưng T. bảo: “Đốt hết rồi, lấy gì mà trả”. Bực mình, Trúc trở lại quán ốc ngồi nhậu. Riêng T. lên sân thượng nằm ngủ. Khoảng 23 giờ cùng ngày, Trúc trở về, lên sân thượng tìm T. để tiếp tục đòi tiền thì xảy ra mâu thuẫn đánh nhau. Trúc nhặt được cây sắt đánh liên tiếp nhiều cái vào cổ, đầu, trán khiến T. chết ngay tại chỗ.

Sau khi gây án, Trúc ra bến xe Miền Tây đón xe về quê. Trên đường về, chủ thầu gọi điện, thông báo T. đã qua đời, khuyên nên quay lại nhưng gã không đồng ý. Hôm sau, khi đang ngồi trong xóm, gã nghe công an xã đến mời lên làm việc. Sợ hãi, gã bỏ trốn lên tình Bình Dương. Trong khoảng thời gian này, gã làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Đêm về, gã lại run rẩy, khi mường tượng đến sẽ có một ngày mình bị bắt giữ.

Khoảng tháng 5/2014, Trúc nghĩ, thời gian trôi qua đã lâu, có lẽ, quá khứ đã trôi vào dĩ vãng nên về quê vợ tại tỉnh Vĩnh Long làm thợ hồ. Gã không thể ngờ, công an vẫn đang truy lùng. Đến ngày 12/9/2014, khi gã đang ngồi trong nhà thì công an ập vào bắt giữ.

Tấm lòng bồ tát của người mẹ

Ngày 22/5/2015, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên xét xử Trúc về tội giết người. Đứng trước vành móng ngựa, Trúc cho biết, làm vất vả suốt ngày mà chỉ được hơn 100 nghìn đồng. Trong khi đó, số tiền mà anh T. giật là 500 nghìn đồng. Số tiền ấy là quá nhiều đối với gã nên mới cố gắng đòi lại. “Đêm đó, tôi uống hơi nhiều, lại tiếc số tiền, không làm chủ được hành động nên mới để xảy ra chuyện này. Tôi xin lỗi gia đình anh T.. Tôi cũng mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm trở về làm lại cuộc đời”, gã nói lời sau cùng.

Trong phiên tòa hôm ấy, người dự khán không khỏi xót xa khi ngồi sau lưng Trúc là một người phụ nữ với đầy vẻ khắc khổ không thôi khóc. Cứ mỗi lần gã khai, người phụ nữ lại nấc nghẹn. Đó chính là bà Võ Thị Thanh Th., mẹ của nạn nhân.

Giờ nghị án, được mọi người động viên, bà lấy lại được tinh thần trong thoáng chốc. Giọng bà thều thào kể, hai vợ chồng sinh được ba đứa con trai, trong đó, T. là con cả. Mặc dù nhà ở gần biển nhưng cả hai vợ chồng không đi biển. Thay vào đó, bà buôn bán nhỏ, còn chồng chỉ ở nhà chăm sóc ruộng vườn. Một mình mưu sinh nuôi gia đình nên chỉ mới 45 tuổi mà bà già như đã ngoài 60.

Tấm lòng của người mẹ xin giảm án cho kẻ sát hại con - 2

Bà Th. đến tòa xin giảm án cho kẻ sát hại con

Thuở nhỏ, T. cũng được đi học nhưng khi đến lớp 6, do không có tiền nộp nên phải nghỉ. Năm sau, dù ngoại hình nhỏ thó nhưng anh đã xin đi theo thuyền ra biển để kiếm tiền. Bà Th. thương con nhưng chẳng biết phải làm sao. Mỗi lần con đi biển, người mẹ lại như ngồi trên đống lửa. Không ít lần, bà khuyên con bỏ nghề đi biển vì rất nguy hiểm, kiếm việc khác làm. Tuy nhiên, anh T. nhỏ nhẹ: “Công việc đang tốt tại sao lại phải nghỉ? Vả lại, mình không bằng không cấp, tuổi lại nhỏ, biết làm gì mà sống?”.

Bước sang tuổi 17, anh T. thường xuyên ngất xỉu. Đi khám, bác sĩ cho hay, anh bị bệnh tim bẩm sinh, do lao động sớm, nặng nhọc nên như thế. Đến lúc này, anh vẫn đòi đi biển. Bà Th. sợ nên nhất quyết không đồng ý. Sau cùng, anh cũng làm theo ý mẹ nhưng vào TP.HCM làm thợ hồ. Mỗi tháng, tiền công được hơn 5 triệu mà anh gửi về cho gia đình 4 triệu. Lắm khi, bà khuyên con giữ lại ít tiền để lỡ sau này có chuyện gì. Anh lại bảo: “Trước mắt, cứ lo cho hai em ăn học đàn hoàng. Chuyện của con từ từ hẳn tính”.

Bà Th. đau xót: “Hôm đó, chừng 9 giờ sáng, khi đang ở chợ, tôi nhận được tin T. bị đâm chết tay chân bủn rủn rồi ngã quỵ. Tôi không thể nào tin nổi hung tin”. Sau đó, bà vay mượn tiền vào TP.HCM đưa thi thể của con về quê. Sau đó, hơn cả năm trời, chiều nào, bà cũng ra mộ con ngồi khóc. Riêng chồng bà vì quá đau buồn mà ngã bệnh. Mồng 3 tết năm nay, ông cũng đi theo con trai.

Người mẹ lau vội dòng nước mắt: “Khi vụ án mới xảy ra, tôi giận Trúc lắm. Tôi không hiểu tại sao, là con người với nhau mà lại có thể ra tay độc ác như thế. Thời gian trôi, nỗi đau cũng vơi dần và sự căm thù cũng giảm đi. Tôi nghĩ lại, chuyện thì cũng đã xảy ra rồi. Bây giờ, dù tôi có làm gì đi nữa thì con trai cũng không thể sống lại. Trong khi đó, Trúc vẫn còn vợ và hai đứa con. Do đó, tôi mới xin giảm án cho hung thủ giết con mình”.

Bà Th. kể, tiền đưa thi thể của anh T. từ TP.HCM về quê hết 30 triệu đồng. Tiền làm ma chay thêm 60 triệu đồng nữa. Tất cả số tiền này bà phải vay mượn. Đến nay, số tiền này chỉ mới trả được 20 triệu đồng. Đến bây giờ, hàng tháng vẫn phải trả tiền lãi số còn lại. Cũng vì tiền lãi nhiều, không có tiền trả nên cả hai đứa con còn sống cũng phải nghỉ học.

Từ khi bị bắt đến nay, người thân Trúc chưa một lần vào thăm. Gã hy vọng, phiên tòa diễn ra, người thân sẽ đến tham dự nên thỉnh thoảng lại quay lại nhìn về phía sau. Tuy nhiên, gã luôn phải thất vọng quay lên. Hôm đó, HĐXX nhận định, hành vi của Trúc là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì muốn đòi lại 500 nghìn đồng mà tước đi sinh mạng của một con người. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa quyết định tuyên phạt mức án chung thân về tội giết người.

Nhật Vy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot