Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa”

Ngày 20/11/2017 13:37 PM (GMT+7)

Khi thực hiện một dự án phim, khâu bối cảnh luôn là “ca khó” đối với các nhà làm phim.

Để tìm được bối cảnh ưng ý, phù hợp với từng câu chuyện phim đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho cả ê-kíp.

Khâu tối quan trọng

Vì muốn “dâng” cho khán giả một làng quê Bắc Bộ đẹp nhất từ 30-40 năm trước trong phim Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng ê-kíp đã phải lặn lội đi khảo sát và quay hình tại 18 ngôi làng ở 6 tỉnh.

Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa” - 1

Hay, để có được khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ trong phim Cha cõng con, đạo diễn Lương Đình Dũng đã phải “nằm vùng” gần 1 tháng quay ở đồi Minh Ngọc, Bắc Mê (Hà Giang) với độ cao gần 200 mét, ngày nào ê-kíp cũng phải leo lên đỉnh đồi với thời gian di chuyển trung bình từ 30-45 phút.

Còn dự án Bình tĩnh mà yêu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sắp sửa bấm máy vào tháng 12 tới sẽ xây dựng bối cảnh hoàn toàn với chi phí 1,6 tỷ đồng. Từ những minh chứng điển hình này để thấy rằng, muốn có được bối cảnh phù hợp với từng câu chuyện phim đòi hỏi sự đầu tư kỳ công không chỉ về tiền bạc mà còn về công sức, chất xám của cả ê-kíp thực hiện.

Dưới con mắt nghệ thuật của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, bối cảnh là bể nước để con cá bơi, hay đó là tấm toan để màu sắc và đường nét của người nghệ sĩ “nhảy múa”. Có thể nói, bối cảnh là điều kiện tối quan trọng để kể nên một câu chuyện.

“Nếu không có bối cảnh, không gian cụ thể thì mọi thứ không thể hoạt động được. Thế nên, điện ảnh thế giới lẫn trong nước vẫn phải mất nhiều thời gian và tiền bạc cho khâu tối quan trọng này khi thực hiện một bộ phim”, Huỳnh Tuấn Anh nói.

Đạo diễn hình ảnh (D.O.P) Quyết Trần bày tỏ: “Đối với nghề làm phim, khâu tiền kỳ càng kỹ thì hậu kỳ sẽ rất thuận lợi. Bối cảnh là khâu tiền kỳ nên đòi hỏi phải được lựa chọn, chắt lọc kỹ càng. Nếu chọn được bối cảnh đúng, phù hợp sẽ dễ dàng hơn cho việc sắp đặt các cảnh quay”.

Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa” - 2

Còn đạo diễn Lý Minh Thắng lại cho rằng, không riêng gì bối cảnh mà yếu tố nào cũng quan trọng để tạo nên thành công của một bộ phim.

“Đôi khi bối cảnh đó chưa tốt, nhưng nếu biết cách vun vén bằng đạo cụ, khéo léo khỏa lấp bằng hiệu ứng ánh sáng, hay bằng động tác máy thì bối cảnh sẽ không chiếm nhiều % về độ quan trọng. Tuy nhiên, khi tìm được bối cảnh ưng ý, định hình được cho khán giả về câu chuyện phim, thì % quyết định của bối cảnh đến thành công của một bộ phim cũng khá lớn”.

Bối cảnh phải đúng

Tuy nhiên, để tạo dựng được những bối cảnh rất “nuột” trên màn ảnh, đoàn làm phim phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và trở ngại.

“Thật ra, cái khó nhất trong khâu lựa chọn bối cảnh đó là sự chính xác, trúng và đúng. Một câu chuyện muốn tồn tại luôn phải có không gian của nó. Nếu không có một không gian phù hợp thì tất cả trở nên vô nghĩa, sai lệch và không dẫn đến sự tồn tại của một bộ phim.

Thậm chí, người ta có thể dùng kỹ thuật vẽ đồ hoạ, hay làm giả một không gian quá khứ, thì vẫn phải tuân thủ sự chính xác và phù hợp với câu chuyện phim”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nêu ý kiến.

Đạo diễn Lô Tô chia sẻ thêm: “Với Lô Tô, bộ phim lấy bối cảnh đương đại của các miền quê Tây Nam Bộ làm phông nền chính. Nhưng, điều khó nhất khiến tôi trăn trở, bối cảnh đó là nơi diễn ra câu chuyện phim không quá hiện đại, nửa thành thị, nửa quê mùa.

Không gian đó tưởng dễ, nhưng lại rất khó vì phải tinh tế lựa chọn trong chất liệu đời sống hiện tại. Câu chuyện Lô Tô nếu diễn ra ở một thành phố hiện đại sẽ làm sai lệch cái chất “trôi sông lạc chợ”, dẫn đến bộ phim sẽ lệch pha với nội dung và đời sống của các nhân vật”.

“Trở ngại lớn nhất trong khâu này chính là tìm bối cảnh đúng với ngoại cảnh không gian, nhưng không phải lúc nào cũng tìm đủ và hợp. Trong nhiều trường hợp, đoàn làm phim phải tự nghĩ cách sắp đặt cho phù hợp. Thậm chí, nhiều bối cảnh phải dựng 100%. Điển hình như ngôi nhà trong phim Trùm cỏ, phải dựng 2 căn vì trong phim có 1 căn bị đốt cháy”, D.O.P Quyết Trần trăn trở.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho việc tạo dựng bối cảnh, các nhà làm phim phải “cậy nhờ” tới kỹ xảo. Đặc biệt, với dòng phim kỳ ảo, phim xưa luôn đòi hỏi hiệu ứng kỹ xảo 3D khá cao. Kỹ xảo giúp điện ảnh và truyền hình vẽ nên những không gian không có thật và những không gian đã mất đi mà công tác dựng cảnh của họa sĩ thiết kế không thể thực hiện được.

Điển hình, từ 18 ngôi làng khác nhau, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và ê-kíp phải nhờ tới kỹ xảo để “biến hình” thành một ngôi làng Bắc Bộ đẹp bình dị trong Thương nhớ ở ai. Chưa kể, chi phí trong khâu bối cảnh cũng là “bài toán” khiến các nhà làm phim đau đầu.

Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa” - 3

“Chi phí đầu tư cho khâu bối cảnh còn tuỳ vào yêu cầu của câu chuyện phim và khối lượng không gian cần có. Nhưng, tiền ít hay nhiều ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện không gian cho một bộ phim.

Ví như nếu không có một đầu tư thoả đáng sẽ không có được những bối cảnh tuyệt vời như phim Kong: Skull Island quay ở Việt Nam”, đạo diễn phim Đời cho ta bao lần đôi mươi chia sẻ.

Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố

Thực tế, muốn có được bối cảnh ưng ý, phù hợp với từng câu chuyện phim phải có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Theo D.O.P Quyết Trần, để tạo dựng được bối cảnh hợp với mạch phim là cả một vấn đề đối với ê-kíp. Điều này đòi hỏi sự kết hợp ăn ý của diễn viên, D.O.P, đạo diễn, thì mới tạo ra đúng không gian muốn thể hiện trong câu chuyện.

Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa” - 4

Nói về điều này, đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng: “Một trong những mấu chốt lớn nhất để tìm ra được bối cảnh ưng ý cho dự án phim là đừng bao giờ bỏ cuộc, và luôn luôn “nuôi” suy nghĩ sẽ có những thứ tốt hơn.

Phải định hướng được tổng thể của bộ phim, liệt kê rõ các chi tiết bối cảnh dựa trên tổng thể đó. Tránh tình trạng bối cảnh này chồng chéo với bối cảnh kia. Cũng đừng đi tìm nhiều chi tiết khác nhau quá, dẫn đến phim không có màu sắc chung, thiếu sự kết nối. Bối cảnh tốt là phải đồng bộ về mặt mỹ thuật và hơi thở không khí trong phim”.

“Với phim Mẹ chồng, dù đã chốt xong bối cảnh ngay trước lúc quay, nhưng tự nhiên trong lòng tôi có cảm giác chưa đã. Lại dắt xe chạy lòng vòng để tìm ra được thứ mình muốn. Nhớ lần tìm bối cảnh cánh đồng lúa, “thần thánh” tới nỗi qua ngay hôm sau đã quay rồi, nhưng chiều hôm trước tôi mới tìm được.

Lúc ấy, cảm giác sướng rơn, tôi nhảy cẫng lên la hét ngay giữa cánh đồng vì không thể tin nổi mình có thể tìm ra. Bởi, thời điểm tôi chia sẻ ý định, người dân địa phương khuyên tôi nên từ bỏ, đừng mất công tìm kiếm vì lúa ở đây chỉ làm một mùa, và đã gặt hái xong khá lâu”, đạo diễn phim Mẹ chồng thấy mình là người khá may mắn khi tìm bối cảnh.

Hậu trường tạo dựng bối cảnh phim: Gian nan làm tấm toan để nghệ sĩ “nhảy múa” - 5

D.O.P Quyết Trần bày tỏ: “Bối cảnh chính là điểm mấu chốt trong kịch bản. Nếu bối cảnh đó không làm cho khán giả tin rằng, nhân vật đang sống trong không gian mà câu chuyện muốn kể thì cảm giác mạch phim sẽ bị gãy.

Đặc biệt, với dòng phim xưa và phim kỳ ảo (fantasy), yếu tố bối cảnh ảnh hưởng khá lớn tới sự thành công của phim. Thế nên, để có được bối cảnh ưng ý phụ thuộc khá nhiều vào tính cách, địa vị của từng nhân vật và phải dung hòa với kịch bản”.

Theo nhìn nhận của những người làm nghề, khán giả hiện nay khi xem phim cũng khá đơn giản và dễ tính. Nếu người làm phim biết cách thỏa mãn được từng nhu cầu của họ thì dễ tạo được hiệu ứng. Đặc biệt, nhu cầu về tầm nhìn của người xem rất lớn nên đòi hỏi đạo diễn và ê-kíp phải đầu tư và chỉn chu từng bối cảnh, góc máy.

Theo Hà Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam