Sao "Thương nhớ ở ai" kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y

Ngày 21/11/2017 00:05 AM (GMT+7)

Nữ diễn viên đảm nhận vai con dâu địa chủ Hơn chia sẻ về chuyện lời thoại và những khó khăn khi quay "Thương nhớ ở ai".

Sao amp;#34;Thương nhớ ở aiamp;#34; kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y - 1

Hơn (Hồng Kim Hạnh) là một trong những nữ chính của phim Thương nhớ ở ai

Bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được ấp ủ trong suốt 3 năm. Phim đang được phát sóng trên màn ảnh nhỏ vào cuối tuần, tạo nên nhiều chú ý và nhận được không ít lời khen từ khán giả về nội dung lẫn chất lượng cảnh quay. Bên cạnh đó, phim gây tranh cãi vì trang phục diễn viên nữ mặc yếm không nội y và đoạn hội thoại giữa nhân vật Hơn (Hồng Kim Hạnh đóng) với “bà cán bộ” Tí Hin (Trương Phương).

Trích đoạn giữa nhân vật Hơn và "bà cán bộ" Tí Hin

Đảm nhận nhân vật Hơn trong Thương nhớ ở ai là nữ diễn viên Hồng Kim Hạnh. Cô đã có những chia sẻ thẳng thắn về việc trang phục cũng như lời thoại đang gây tranh cãi trong phim này.

Sao amp;#34;Thương nhớ ở aiamp;#34; kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y - 2

Nữ diễn viên Hồng Kim Hạnh - người đảm nhận vai Hơn, con dâu địa chủ

Hồng Kim Hạnh sinh năm 1988, quen thuộc với khán giả màn ảnh qua các vai diễn trong phim Trái tim bé bỏng, Em muốn làm người nổi tiếng, Dòng sông định mệnh, Mạch ngầm vùng biên ải, Con anh con em con người ta, Cạm bẫy thị thành, Trả giá…

Một thời gian Kim Hạnh vắng bóng trên màn ảnh vì những biến cố đặc biệt của gia đình. Bộ phim Thương nhớ ở ai được xem như sự trở lại của Kim Hạnh với khán giả màn ảnh nhỏ.

- Chị nghĩ sao về vấn đề gây tranh cãi hiện nay quanh trang phục của diễn viên nữ trong phim Thương nhớ ở ai?

Thương nhớ ở ai là một bộ phim được đầu tư rất nhiều, là thành quả, mồ hôi công sức của cả ê kíp trong suốt 3 năm trời. Tôi nhận định đây là tác phẩm mang giá trị nhân văn đáng xem. Việc trang phục của diễn viên đều do đạo diễn Lưu Trọng Ninh và ê kíp phụ trách phục trang quyết định ngay từ đầu. Diễn viên chỉ nghe, thấy hợp lý và cùng nhất trí làm theo. Tôi cũng nghĩ khán giả không nên chỉ nhìn vào vấn đề trang phục này mà cần nhìn rộng hơn tới nội dung, ý nghĩa nhân văn của bộ phim.

Việc nhân vật nữ chỉ mặc áo yếm không nội y là tôn trọng sự thật vì ngày xưa, người phụ nữ Việt vẫn mặc như vậy. 

Sao amp;#34;Thương nhớ ở aiamp;#34; kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y - 3

Nhân vật Hơn trong phim được chú ý vì số phận hẩm hiu nhưng rất nghị lực

- Bản thân chị cũng là diễn viên được đạo diễn yêu cầu mặc yếm không nội y, chị nghĩ gì trước khi bắt tay vào cảnh quay?

Việc mặc yếm không nội y là do đạo diễn muốn cảnh quay chân thực nhất. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một người khó tính, ông rất sợ hình ảnh trong phim ông không chân thực, bị khán giả chê là giả. Ngay cả khi chọn diễn viên, ông cũng rất khắt khe.

Quan điểm của đạo diễn là nếu tất cả thật được thì cứ thật đi. Đó là một cách tôn trọng lịch sử. Ông cũng không chấp nhận những diễn viên nào không đồng ý thực hiện cảnh quay không thật với hoàn cảnh miền Bắc Việt Nam những năm 1945. Bởi thực tế cảnh mặc yếm không nội y chỉ được thực hiện trong bối cảnh ở nhà riêng.

Bản thân tôi cũng không tránh khỏi những ngại ngùng khi ban đầu bước vào cảnh quay mặc yếm không nội y. Tôi thậm chí còn chạy ra một góc kín, dán vội miếng dán ngực vì e sợ khi lên hình. Nhưng chính những lúc che chắn như thế, tôi thường khom lưng che che vì ngại, không còn được nhập tâm vào nhân vật. Tôi thấy mình bị hạn chế đi rất nhiều.

Sau thì tôi thay đổi, bởi che chắn thế cũng không qua được mắt của đạo diễn hay chuyên gia trang phục, lại mất đi tính chân thực. Tôi cứ thế hòa vào tâm lý của nhân vật và quên đi cảm giác ngại ngùng ấy tự lúc nào không biết.

Sao amp;#34;Thương nhớ ở aiamp;#34; kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y - 4

Lúc đầu Kim Hạnh e ngại với việc mặc yếm không mặc nội y nhưng sau cô nhập vai vào nhân vật và thấy tự nhiên trước ống kính

- Vậy còn những tranh cãi về câu thoại giữa nhân vật Hơn do chị thủ vai cùng với nhân vật bà cán bộ Tí Hin (Trương Phương đóng) có những ngôn từ bị cho là nhạy cảm như “thây lẩy”, “nếu cắt được thì con cũng cắt”?

Theo tôi nghĩ mọi người nên hiểu từ “cắt” ở đây theo nghĩa rộng hơn. Đây là một cách đối đáp thông minh và toát lên tính cách mạnh mẽ của nhân vật Hơn. Khi cô ấy bị cướp hết mọi của cải, chỉ còn mỗi chiếc áo yếm để mặc hết ngày này qua ngày khác, cô ấy còn đang hoang mang chuyện chồng con thì cách nói ấy giống như một sự mỉa mai chua chát với số phận.

Nếu như trong nguyên tác, nhân vật Hơn là một người phụ nữ yếu đuối, lúc nào cũng chỉ biết cúi đầu nhìn xuống đất với số phận bi thảm thì khi lên phim, Hơn đã khác rất nhiều. Cô gái ấy có tính cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong bản nguyên tác tiểu thuyết. Nếu không cứng rắn và cứ sống trong sợ hãi thì cô ấy đã không dám tự mình lấy đứng lên.

- Trong thời gian quay phim, chị gặp khó khăn gì nhất? 

Chắc chắn là có rất nhiều khó khăn, bởi tôi phải từ Sài Gòn ra Hà Nội quay trong 4 tháng vào đúng thời điểm ba vừa mất. Nỗi nhớ ba chưa vơi, tôi lo mẹ ở một mình trong Nam có buồn không. Tôi vốn là một đứa con gái luôn sống trong sự bảo bọc của ba mẹ từ nhỏ tới giờ. Tôi đã gạt cuộc sống cá nhân của mình sang một bên để hy sinh cho vai diễn.

Nhân vật Hơn là một cô gái có số phận hẩm hiu trong phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ. Cô là con dâu nhà địa chủ, cả nhà chồng bị tịch thu tài sản và bị cả làng xua đuổi. Hai mẹ con Hơn phải ra bến nước nơi các bà góa phụ ngồi tụ tập. Hơn chỉ có một chiếc áo yếm mặc trong suốt từ đầu phim tới cuối phim.

Khi hóa thân vào nhân vật này, tôi cảm nhận nỗi khổ cực của người phụ nữ thời xưa và chính mình cũng phải chịu không ít gian khổ vì vai diễn. Thời tiết giá lạnh khi vào thu đông, chỉ mặc một manh áo mỏng manh nhưng phải cố chịu.

Muỗi chích, ngứa ngáy khó chịu cũng không thấm bằng việc phải quay nhiều cảnh khóc trong một ngày. Tưởng như từ sáng tới tối đều phải diễn cảnh khóc. Khán giả không biết tôi từng bị mổ mắt vài năm trước, bác sĩ khuyên nên ít khóc và ít đeo lens nhưng vì vai diễn khóc quá nhiều đôi khi khiến giác mạc bị khô. Có những lúc không thể khóc được nữa, chỉ rưng rưng ở ngấn mắt.

Chưa kể, với chiếc áo yếm mỏng mảnh, nhiều cảnh quay nhân vật Hơn tắm ở Tràng An, trời thì lạnh, hồ sâu tưởng như không đáy. Rồi những cảnh phải chạy chân trần ở trên triền đê đầy gai. Tâm lý nhân vật lúc nào cũng hoang dại. Tôi nhập vai tới mức lúc đạo diễn hô cắt cảnh rồi vẫn thấy bản thân hoảng loạn như Hơn trong phim.

Sao amp;#34;Thương nhớ ở aiamp;#34; kể chuyện hậu trường xót xa sau cảnh mặc yếm không nội y - 5

Diễn viên Hồng Kim Hạnh chia sẻ ảnh hậu trường cảnh quay phải tắm tiên ở Tràng An trong thời tiết giá lạnh

- Bộ phim Thương nhớ ở ai đang được chú ý, chị có nghĩ đây sẽ là tác phẩm giúp chị tạo sức bật trong sự nghiệp?

Với tôi, tất cả bộ phim trước đây tôi đều gửi hồn vía, nhập vai 100% vào nhân vật. Khi đã bắt tay vào phim nào, tôi luôn mong muốn tạo dựng dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả.

Nhưng tôi là người rất khó trong việc chọn vai. Tôi không chấp nhận những vai diễn một màu. Khi đã diễn, phải chọn vai khác với các phim từng đóng. Tôi luôn quan niệm không phải diễn cho ra, mà phải diễn cho tới. Khi khán giả gặp mình ngoài cuộc sống, họ sẽ nhận ngay ra đây là cô gái đã đóng vai gì trên phim.

Tôi hy vọng bộ phim Thương nhớ ở ai là tác phẩm hay nhất tôi từng đóng. Tuy mới chỉ phát sóng 4 tập nhưng phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả là một tín hiệu đáng mừng với cả ê-kíp. Không chỉ riêng vai diễn trong Thương nhớ ở ai, tôi còn mong có những tác phẩm để đời khác trong sự nghiệp diễn xuất của mình.

Theo Thu Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường phim ảnh