"Chúng mình bay đầy trời": Mở ra bài học về sự yêu thương

Ngày 06/12/2016 00:02 AM (GMT+7)

Chúng mình bay đầy trời và Bí mật của H'Loan là hai tác phẩm dành cho thiếu nhi vừa được ra mắt.

Chúng mình bay đầy trời: Bài học về sự yêu thương

Sau thành công của truyện vừa Siêu nhân cua, nhà văn Võ Diệu Thanh tiếp tục chinh phục địa hạt văn học thiếu bằng việc ra mắt phần hai mang tên Chúng mình bay đầy trời. Phần này có sự xuất hiện của một nhân vật mới. Đó là Quý, cậu bé mới chuyển đến học chung với nhóm bạn nhỏ. Những cô cậu bé tinh nghịch của Siêu nhân cua tiếp tục mang đến một ước mơ bất ngờ: Thiết kế một cỗ máy “ngon lành” giúp bà Nội của Quý có thể bay lên trên ngọn núi Cấm.

quot;Chúng mình bay đầy trờiquot;: Mở ra bài học về sự yêu thương - 1

"Nhờ tình thương của Quý dành cho Nội mà nhóm tôi có được ý tưởng hay. Một đôi cánh nâng con người bay lên không phải điều có thể thực hiện dễ dàng. Nhưng có ý tưởng thì lúc nào đó sẽ có cánh. Thế giới sống trên đôi cánh. Người lớn giúp sức để đôi cánh của tụi tôi mau mau có được, mau mau bay được. Cũng có người nói không nên để mấy đứa nhóc bay lên mây với đôi cánh thánh thần đó. Tưởng nói bay là bay được à. Phải có bằng lái, phải đăng kí kiểm định đó. Người ta sẽ hỏi đôi cánh này do ai làm ra... 

Tụi tôi sẽ bàn nhau cách làm đôi cánh cho cậu bạn Núi Cấm. Đó là cách giúp Quý yên tâm học mà không phải khóc nhớ Nội. Tất cả chúng tôi về nhà chuẩn bị các thứ cần thiết cho việc chế tạo một đôi cánh. . Thằng Quý vui nhất. Vì Nội nó vui. Vì nó thấy tâm hồn Nội nó bay vèo vèo". 

quot;Chúng mình bay đầy trờiquot;: Mở ra bài học về sự yêu thương - 2

Từ đôi cánh làm bằng lông gà, cái chong chóng gắn vào cánh tay, cho đến chiếc ghế biết bay, chuỗi sáng tạo của những đứa trẻ ngây thơ nhưng vô cùng thông minh ấy chuyển đến bạn đọc một thông điệp đẹp: Tất cả chúng ta đều có thể bay lên, nếu được yêu thương và biết yêu thương.

Với giọng văn hài hước đậm chất Nam bộ, khả năng nắm bắt tinh tế tâm lí con trẻ, cách miêu tả cuộc sống tươi tắn qua mắt nhìn tuổi thơ, một lần nữa Võ Diệu Thanh chứng minh chị thuộc số ít nhà văn viết cho trẻ em duyên dáng nhất hiện nay.

Bí mật của H'Loan: Trải nghiệm núi rừng Tây Nguyên

Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, với biết bao truyền thuyết huyền bí, bao phong tục tập quán thú vị, từ lâu đã là vùng đất màu mỡ cho văn học. Và Bí mật của H'Loan có thể xem là một "cánh cửa nhỏ" mở ra thế giới Tây Nguyên, dành cho bạn đọc thiếu nhi, trong bối cảnh với bao vận động, đổi thay, chuyển biến trong thời đại mới hôm nay.

Vùng đất Tây Nguyên, dưới ngòi bút miêu tả chân thực của Nguyễn Hồng Chiến, hiện lên đầy sảng khoái và đậm chất phiêu lưu. Chắc hẳn độc giả sẽ hào hứng với cách lấy mật ong rừng sao cho không bị chích, cách "ruốc" cá bằng vỏ cây rừng, hay bắt con dúi trong hang. Nghe chuyện con gấu say mật bị người kéo đi, hay biết cách đuổi con mang, con hoẵng phá hoại cây màu? “Bí mật của H'Loan” đầy ắp các chi tiết sinh hoạt thú vị của trẻ em Ê Đê, vốn sống gắn bó và hòa hợp, tôn trọng thiên nhiên - lối sống vẫn được gìn giữ bao đời nay.

quot;Chúng mình bay đầy trờiquot;: Mở ra bài học về sự yêu thương - 3

Nhưng nhân vật của tập truyện không chỉ có trẻ em dân tộc. Đó còn là những cô bé, cậu bé miền xuôi lần đầu lên Tây Nguyên, bỡ ngỡ và tìm cách học hỏi cách sống giữa rừng giữa núi. Từ những đứa trẻ "thiếu nắng", chúng trở nên năng động, háo hức, khỏe mạnh khi được không khí vùng cao bồi bổ. Đó còn là những cô giáo, thầy giáo người Kinh, không ngại khó khăn đến với thiếu nhi dân tộc, và được đáp lại bằng tình cảm yêu thương trong sáng cùng những kỉ niệm khó quên.

Cuộc sống nơi núi rừng nắng gió không dễ dàng. Bí mật của H'Loan còn khắc họa chân thực những khó khăn, nhọc nhằn, của trẻ em dân tộc. Những đứa trẻ mặt sạm nâu vì nắng gió, thiếu cơm ăn áo mặc, vất vả tìm cách đến trường. Nhưng qua đó, ước mơ trong ngần, tình yêu thương, gắn bó, và sức sống mãnh liệt của các em hiện lên đẹp đẽ. Phảng phất trong các truyện là không gian mờ sương của những truyền thuyết huyền bí. Những truyện ngắn Con khỉ trả ơn, Chúa rừng nổi giận, Truyền thuyết Chư Pal đã thể hiện được quan niệm của người dân tộc về lành dữ, thiện ác, nhân quả. Qua đó, người đọc hiểu thêm về đời sống tâm linh của người dân nơi đây. 

Huân Huân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Điểm sách mới