Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy...

Ngày 28/09/2016 11:10 AM (GMT+7)

Cuốn sách Đừng nói chuyện với cô ấy dành cho bạn đọc yêu thích việc khám phá nội tâm phong phú của con người và những vụ giết người tinh vi của các cao thủ tâm lý.

Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn gồm 2 tập, là cuốn tiểu thuyết trinh thám - tâm lý tội phạm có sức hút kì lạ. Khi lần đầu tiên đăng tải trên mạng Trung Quốc, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt với 20 triệu lượt đọc. Sau đó, có hơn 120 đơn vị xuất bản và chế tác điện ảnh đã phải cạnh tranh nhau để có thể có bản quyền phát hành cuốn sách này.

Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy... - 1

Bìa hai tập sách Đừng nói chuyện với cô ấy của Ngộ Cẩn khi xuất bản tại Việt Nam

Đừng nói chuyện với cô ấy gây tò mò cho người đọc ngay từ cuộc tiếp xúc của phóng viên mảng tâm lý học tội phạm - Trương Nhất Tân với bệnh nhân tâm thần nguy hiểm nhất mang tên Diệp Thu Vi. Đó là một người đàn bà rất xinh đẹp, trông bề ngoài thì mỏng manh yếu ớt nhưng lại có thể giết hơn 20 mạng người. Quan trọng hơn, cảnh sát lại kết luận tất cả các vụ chết người đó đều do tai nạn hoặc tự sát.

Còn Trương Nhất Tân ban đầu chỉ đơn thuần là người lắng nghe, ghi chép và kể chuyện. Nhưng khi tiến hành xác minh thực tế, anh ta đã kinh hoàng phát hiện ra mình là nhân vật quan trọng trong câu chuyện đó. Bản thân sự kì bí này đã làm người đọc muốn đi đến tận cùng để tìm hiểu nguyên nhân ẩn giấu đằng sau.

Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy... - 2

Thông qua hàng loạt cuộc gặp gỡ của Nhất Tân và Thu Vi trong bệnh viện tâm thần, những vụ án mà kẻ sát nhân chỉ cần dùng ngôn ngữ để làm vũ khí đã được đã tái hiện đầy sống động. Từng câu chuyện trong sách không chỉ làm sáng tỏ những thủ đoạn giết người  tinh vi đã được sử dụng mà còn đưa đến sự nhận thức sâu sắc về bản ngã, bản năng, tiềm thức... trong lĩnh vực tâm lý học.

Ở mỗi vụ án, hung thủ có cách ra tay khác nhau tùy vào nạn nhân đó ra sao, nhưng nhìn chung đều là đánh vào nội tâm, kích thích những mảng tối trong tâm hồn người đó. Câu chuyện bắt đầu tưởng chừng chỉ do một bản báo cáo khoa học nhưng đi đến cuối cùng lại lôi ra ánh sáng vô số “ung nhọt” của xã hội và những câu chuyện đau thương từ hàng chục năm trước còn để lại.

Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy... - 3

Đặc biệt, những vụ án mà thủ phạm chỉ cần tác động tâm lý khiến nạn nhân tự kết liễu mạng sống mà chính họ cũng không hiểu tại sao mình lại lựa chọn như vậy, sẽ làm phần đông độc giả run sợ. Bởi trong cuộc đời ai ai cũng có những nỗi đau ẩn giấu, những câu chuyện chỉ thuộc về tiềm thức. Cao thủ tâm lý chỉ cần tìm đúng “chìa khóa” cho mảng tâm hồn đó và mở khóa là có thể đưa người ta vào chỗ chết. Điều đáng sợ của thủ đoạn giết người này là nạn nhân không hề cảm nhận được rằng mình đang gặp nguy hiểm, cảnh sát lại càng không thể nắm được bằng chứng để bắt kẻ thủ ác.

Sức hút to lớn của Đừng nói chuyện với cô ấy còn đến từ những âm mưu chồng chồng lớp lớp và những nhân vật bí ẩn đứng đằng sau giật dây. Sự bất ngờ, khó lường, đối thoại giàu kịch tính luôn là điểm then chốt quyết định cho thành công của một tác phẩm trinh thám. Cuốn tiểu thuyết “cân não” này đưa người đọc vào một mê cung tối om với đủ thứ nguy hiểm rình rập và nhiều nhân vật lúc ẩn lúc hiện, không thể nắm bắt được. Những tình tiết, sự việc, nhân vật tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, cuối cùng khi kết thúc mới “phá kén chui ra” cho người đọc một câu chuyện logic gắn kết từ đầu tới cuối.

Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy... - 4

Ngộ Cẩn lựa chọn hình thức kể chuyện đan xen giữa hiện tại và hồi ức giúp cho mạch truyện có lúc hồi hộp, gay cấn lúc lại được giãn nở, buông lơi. Những tình tiết thủ đoạn tinh vi, hiểm độc, bí hiểm làm người đọc thấy suy nghĩ và cảm xúc luôn căng như dây đàn. Chính những giây phút được thoát khỏi hồi ức đáng sợ đó để trở về với thực tại đã giúp người đọc được thả lỏng bản thân, có thời gian cảm nhận những thay đổi từ từ trong tâm lý và hiểu biết của mình. 

Những tri thức toàn diện về y học, vật lí, hóa học, sinh học... làm người đọc càng thêm ấn tượng về sự hiểu biết của tác giả. Kiến thức phong phú về tâm lý học và tâm lý học tội phạm làm cho những suy luận trong tác phẩm Đừng nói chuyện với cô ấy tăng tính chân thật và thuyết phục.

Nguy hiểm! Đừng nói chuyện với cô ấy... - 5

Việc giết người với phương pháp ám thị tâm lý đã thách thức mọi hiểu biết về sức mạnh của con người và lĩnh vực điều tra phá án. Nội tâm con người luôn phong phú, đa dạng, không có một chuẩn mực định khung. Việc có thể điều khiển và sai khiến người khác của các cao thủ tâm lý thực sự vừa làm người đọc cảm thấy hứng thú vừa cảm thấy lo sợ. Chính những mâu thuẫn trong cảm xúc càng làm độc giả không thể buông cuốn sách xuống khi đã cầm nó lên.

Mới đây, công ty phát hành dành tặng 2 bộ Đừng nói chuyện với cô ấy cho độc giả EVA tại Hà Nội.

Nếu quý độc giả nào hứng thú với tác phẩm xin hãy gửi đầy đủ thông tin cá nhân gồm Họ tên, chứng minh thư, số điện thoại, địa chỉ hiện tại về hòm mail linhth@khampha.vn, tiêu đề thư ghi rõ Sách tặng Đừng nói chuyện với cô ấy.

Thời hạn nhận thư đến hết ngày 26/9/2016. Sau đó, chúng tôi sẽ chọn ra 2 độc giả bất kỳ và nhanh nhất để trao gửi món quà này. Chúc các bạn may mắn!  

Minh Tuệ / Ảnh: Max
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn