Sốt co giật ở trẻ có ảnh hưởng đến não?

Ngày 15/01/2017 14:00 PM (GMT+7)

Theo các bác sĩ nhi khoa, khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên vội vàng cho con uống thuốc. Có nhiều lúc, sốt là triệu chứng tốt của cơ thể.

Nóng như lửa đốt vì con sốt cao

Cho con đến bệnh viện Bạch Mai khám, chị Vũ Thị Dung trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cả ngày lẫn đêm hôm qua, con chị sốt cao xình xịch và cứ cho uống thuốc hạ sốt xong, cháu lại sốt tiếp. Vợ chồng chị sốt ruột cho con đi kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ cho biết con chị bị viêm họng cấp. Chị Dung cho biết cháu không ho, không có biểu hiện gì trước đó.

Bé Hoàng Khánh Vy, Linh Đàm, Hà Nội, mới 14 tháng tuổi, nhưng hay sốt cao và co giật. Khi thấy con co giật, bố mẹ của bé Vy sợ quá vội vàng đưa con đến bệnh viện khám.

Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm hô hấp trên dẫn đến sốt cao và có triệu chứng co giật nhưng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bố mẹ cháu bé vẫn lo lắng và muốn cho bé điều trị nội trú. Chỉ khi bác sĩ giải thích rõ ràng, cả nhà cháu mới tin tưởng đưa con về theo dõi trên lâm sàng.

Làm gì khi con bị sốt? Đó là câu hỏi mà PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, ông nhận được thường xuyên. Nhưng hiểu thế nào là sốt ở đứa trẻ, PGS Dũng cho rằng, không phải ai cũng biết.

Một em bé bị sốt cao, cha mẹ không nên lo lắng bởi vì sốt cao là triệu chứng, không phải là bệnh. Nó là biểu hiện của cơ thể khi gặp tác nhân có hại cho cơ thể.

PGS Dũng nhấn mạnh rằng: “Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể khi có tác nhân gây bệnh. Cơ thể sốt lên để tiêu diệt vi trùng, vi rút. Do vậy, sốt là phản ứng tốt của cơ thể. Không ai muốn sốt nhưng vi rút, vi trùng tấn công lúc nào thì cơ thể sốt lên lúc đó để tấn công lại tác nhân gây bệnh, loại nó ra khỏi cơ thể, giúp cơ thể khỏi bệnh”.

PGS Dũng cho biết, nếu sốt đó không ảnh hưởng gì lắm đến sinh hoạt​, không làm em bé mệt, bứt rứt khó chịu, chán ăn thì không cần chữa sốt, hãy để tự nhiên. Bởi vì những em bé sốt nhẹ như thế không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung thì phần lớn bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi.

Làm gì khi con co giật?

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, cũng có một số trường hợp các cháu sốt quá cao có thể làm em bé khó chịu, bứt rứt. Một số cháu khô miệng, ăn không được khiến gia đình lo lắng. Đặc biệt là ở trẻ con, khi sốt cao có thể gây co giật. Đây là đặc điểm gần như chỉ có ở trẻ con, song cũng không nên quá lo.

​Trẻ co giật biểu hiện khi mặt mũi tím tái, bất tỉnh. Chính vì triệu chứng co giật này làm cho bố mẹ rất lo lắng.

Sốt co giật ở trẻ có ảnh hưởng đến não? - 1

Khi con co giật, bố mẹ nên bế trẻ lên và cho trẻ mặc thoáng để tỏa nhiệt. Trẻ co giật có triệu chứng nghiến răng. (Ảnh minh họa)

Khi gặp hoàn cảnh đó, PGS Dũng nhấn mạnh, cha mẹ nên bình tĩnh vì đa số khám co giật chỉ do sốt cao. Đó là co giật lành tính, nó chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, 5 – 10 giây, có cháu vài chục giây, sau đó bé sẽ khỏi, các cháu lại tỉnh táo.

Khi con co giật, bố mẹ nên bế trẻ lên và cho trẻ mặc thoáng để tỏa nhiệt. Trẻ co giật có triệu chứng nghiến răng. Do đó, không được cho tay vào mà hết cơn co giật có thể cho khăn xô vào miệng đề phòng cơn co giật sau trẻ có thể cắn vào lưỡi. 

PGS Dũng cho rằng trước kia cha mẹ trẻ rất sợ co giật hại não, ngay cả bác sĩ cũng sợ. Họ vội vàng cho xét nghiệm điện não đồ, cho thuốc này thuốc khác. Điều này không tốt cho trẻ và khiến cha mẹ bé thêm hoang mang.

Hiện nay, các chuyên gia về nhi khoa khẳng định, các cháu sốt cao, co giật, theo dõi không ảnh hưởng đến não, sức khoẻ nên các bác sĩ thần kinh, nhi khoa khuyến cáo không cho các cháu uống thuốc gì.

Một số nhà thần kinh nhi khoa nói rằng, không phải làm điện não đồ nhưng ở nước ta hiện nay, nó vẫn bị lạm dụng. Theo PGS Dũng khi trẻ co giật do sốt cao, không nên điện não đồ sau co giật mà chỉ theo dõi lâm sàng, tránh làm bố mẹ lo sợ uống hết thuốc này, thuốc khác làm hại thêm đứa trẻ.

Theo P.Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp