Bà bầu cần làm những việc này khi khốn khổ vì ngứa

Ngày 20/09/2017 13:08 PM (GMT+7)

Ngứa, dị ứng da khi mang thai tuy không ảnh hưởng đến em bé trong bụng nhưng lại gây nên nhiều nỗi khó chịu và khốn khổ, thậm chí mất ăn mất ngủ cho mẹ bầu.

Bứt rứt, cáu kỉnh vì ngứa

Đang mang thai 38 tuần, chị Trần Diệu Thiện (ở Hà Đông, Hà Nội) dường như mất ngủ vì ngứa khắp bụng. Cơn ngứa làm chị khổ sở, không làm được gì ngoài gãi. Chị nhăn nhó cho biết: “Những tháng đầu thai kì gần như không làm sao, sang đến tháng thứ 7, những cơn ngứa ở bụng bắt đầu xuất hiện. Ban đầu tôi chỉ xoa xoa là hết ngứa. Đến tháng thứ 8, cơn ngứa xuất hiện ngày một nhiều, nhất là vào những lúc buổi chiều và ban đêm nó cứ nhảy múa trên da thịt, bứt rứt khó chịu. Có những lúc ngứa quá, tôi gãi đến bật cả máu mà không biết”.

Nhìn vùng bụng của chị cả gia đình phát hoảng bởi không chỉ bị rạn mà da còn nổi lên những nốt cục đỏ ửng. Máu rỉ từ các vết thương do gãi mạnh khô lại lẫn với vết xước đỏ mới. Không thể chịu đựng được với những cơn ngứa, chị đến khám chuyên khoa da liễu, bác sĩ cho biết nguyên nhân một phần do chị mang thai quá lớn khiến bụng bị rạn nhiều cộng thêm da nhạy cảm nên bị viêm da dị ứng. Sau khi được bác sĩ kê đơn thuốc tắm và bôi, chị mới đỡ khổ vì ngứa.

Bà bầu cần làm những việc này khi khốn khổ vì ngứa - 1

Bà bầu không nên gãi mạnh vì càng gãi sẽ càng ngứa và còn làm vùng da sẩn ngứa lan rộng. Ảnh minh họa

Phải sống chung với cơn ngứa khi mang thai, chị Nguyễn Thị Thùy (ở Hà Nội) lúc nào cũng bứt rứt, cáu kỉnh. Theo lời chị kể, mang thai tháng thứ 8 da đã căng rạn quá mức gây mẩn ngứa và nổi mề đay khiến chị rất khó chịu, gãi như bị ghẻ. Để kiềm chế những cơn ngứa ở ngực, bụng, cánh tay, mông, đùi… chị bôi thuốc mỡ rồi dùng kem các loại nhưng chẳng khá hơn.

Cuối cùng chồng chị phải đưa đi khám lúc đó mới tá hỏa khi biết nguyên nhân những cơn ngứa hành hạ chị bấy lâu nay. Không như các mẹ bầu khác gặp phải do thai nhi ngày một lớn da rạn mà do mật kém lưu thông, ứ lại trong gan khiến da chị khô ngứa và kém ăn, mệt mỏi.

BS Đinh Doãn Thạch, Khoa Điều trị tổng hợp cơ sở 2 (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) cho biết, hiện nay rất nhiều phụ nữ mang thai phải sống chung với tình trạng ngứa. Không chỉ ở bụng mà nhiều chị em còn bị ở vùng ngực, đùi, thậm chí là toàn thân. Ngứa, dị ứng da khi mang thai tuy không ảnh hưởng đến em bé trong bụng nhưng sẽ gây nên nhiều nỗi khó chịu và khốn khổ, thậm chí mất ăn mất ngủ cho mẹ bầu.

Nguyên nhân gây ra những cơn ngứa khi mang thai có rất nhiều. Đa phần do rối loạn tuần hoàn trong cơ thể, có thể là sự gia tăng hormon estrogen hoặc do khi thai nhi lớn lên, cơ thể tăng cân khiến da vùng bụng, đùi, ngực... bị rạn ra gây ngứa. Với những bà bầu có tiền sử da khô, nhất là mắc chứng chàm bội nhiễm hay dị ứng thức ăn thì tình trạng ngứa càng trầm trọng hơn.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp ngứa khi mang thai có thể là một dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan của thai kỳ, nhất là ngứa trầm trọng trong giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc ba. Cùng với tình trạng ngứa sẽ kèm thêm triệu chứng khác như ăn uống khó tiêu, vàng da, nôn mửa, buồn nôn, nước tiểu đậm như nước chè đặc và phân màu nhạt. Khi mật không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, muối mật tích tụ lại trong da làm ngứa ngáy khắp nơi. Tình trạng này không gây phát ban, nhưng da có thể bị đỏ lên, đau nhức với những vết xước nhỏ ở vùng da gãi rất nhiều vì ngứa. Các triệu chứng này sẽ hết sau sinh.

Theo các chuyên gia sản khoa, tình trạng ứ mật trong gan của thai kỳ với người mẹ trong vòng vài ngày sau sinh tình trạng này sẽ tự hết mà hiếm khi để lại các biến chứng nghiêm trọng tại gan. Tuy nhiên bệnh có thể gây sinh non.

Điều cần làm khi bị ngứa trong thai kỳ

BS Đinh Doãn Thạch cho hay, để hạn chế những cơn ngứa ngáy khó chịu khi mang thai, các mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:

- Luôn giữ cơ thể sạch sẽ, mặc trang phục thông thoáng và không nên ở những nơi quá nóng bức để tránh hiện tượng đổ mồ hôi.

- Hạn chế tối đa tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm sẽ làm da khô và ngứa hơn.

- Không tắm xà bông. Dùng sữa tắm cần chọn loại có độ pH vừa phải, không kích ứng vì sữa tắm không phù hợp có thể khiến da khô và ngứa hơn. Đồng thời, không nên tự ý dùng các loại thuốc hay kem bôi da vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất, trước khi dùng sản phẩm gì, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn cẩn thận để lựa chọn loại phù hợp với cơ địa từng bà bầu.

- Một trong những sai lầm hay mắc phải khi bị ngứa khiến tình trạng nặng nhiều người mắc phải là gãi mạnh. Thực tế càng gãi sẽ càng ngứa và còn làm vùng da sẩn ngứa lan rộng. Điều này còn để lại những di chứng sẹo về sau cho bà bầu. Nên dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa để cảm thấy dễ chịu hơn, tránh gãi làm trầy xước da.

- Đảm bảo hàng ngày uống đầy đủ nước và tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A có trong cá, trứng, các loại rau, củ…

Ngoài ra, các mẹ bầu cũng có thể dùng các loại lá trong Đông y. Theo lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội), các loại như lá khế, trầu không, tía tô… Với phương pháp này những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai vẫn có thể áp dụng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe như khi sử dụng các thuốc dạng đường uống khác. Điều lưu ý là, khi sử dụng các loại lá cần phải rửa thật sạch, tốt nhất ngâm và rửa kĩ với nước muối pha loãng để loại bỏ vi khuẩn, sâu ngứa, lông tơ trên lá.. Vì nếu không có thể gây kích cho làn da khi đang bị tổn thương khiến tình trạng thêm nặng nề hơn.

Chẳng hạn, bạn có thể rang héo lá khế tươi ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng rồi chà xát lên những vùng da bị dị ứng. Lặp lại vài lần cho đến khi khỏi hẳn thì dừng lại. Hoặc dùng khoảng 200g lá khế, sau đó rửa sạch rồi vò hoặc xay nát cho vào nồi nước đun sôi để nguội dùng để lau người và tắm lại bằng nước sạch.

Với các loại lá trầu không, chè xanh… cũng dùng theo cách đun lấy nước để tắm. Khi tắm nên cho thêm chút muối để tăng hiệu quả.

Theo Phương Thuận – Mai Thùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe