Bệnh ung thư nào có thể chữa khỏi?

Ngày 05/02/2017 00:13 AM (GMT+7)

Ngày 4/2 hàng năm được chọn là ngày ung thư thế giới. Theo các chuyên gia về ung thư, căn bệnh này đã không còn đáng sợ như trước và hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị bài bản.

Gia tăng bệnh nhân ung thư 

Hiện nay người mắc ung thư đang gia tăng trên thế giới, với 32,6 triệu người; 14,1 triệu ca mới mắc; 8,2 triệu ca tử vong. Dự đoán đến năm 2030 có 21,4 triệu người mắc và 13,3 người mắc ung thư mỗi năm. Đây thực sự là con số kinh khủng.

Mỗi năm Việt Nam ước tính có 125 nghìn ca ung thư mới (chưa kể các ca bệnh cũ), trong đó có 94 nghìn ca chết. So với tai nạn giao thông (mỗi năm có khoảng 11 – 12 nghìn ca tử vong), bệnh ung thư "giết người" gấp tới 8 - 9 lần.

Thống kê tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP. Cụ thể, ung thư vú “ngốn” hết hơn 9.000 tỷ đồng, ung thư đại trực tràng tiêu tốn 8.573 tỷ đồng, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ đồng.

Tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư khoang miệng….

Nghiên cứu tại Bệnh viện K trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân ung thư đến khám muộn như ung thư vú là 50%; ung thư trực tràng là 67%; ung thư gan 87% và ung thư thực quản là 71%.

Bệnh ung thư nào có thể chữa khỏi? - 1

Bệnh nhân ung thư cần được điều trị như các bệnh khác.

Với những tỷ lệ này cho thấy, khả năng điều trị khỏi ung thư ở nước ta còn rất hạn chế.

Nhưng ung thư không còn đáng sợ

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương tâm sự, bệnh ung thư hiện nay đã không còn đáng sợ như trước nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm, hợp tác điều trị thì hoàn toàn có cơ hội chữa khỏi bệnh.

Trường hợp của chị Lê Thị N. trú tại Bảo Lâm, Cao Bằng là ví dụ. Chị N. bị ung thư phần mềm đã phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức nhưng bệnh ở giai đoạn cuối, di căn khắp nơi. Nhưng với nghị lực sống, cộng với việc điều trị bài bản nên sau khi điều trị hoá chất, xạ trị, 4 năm nay chị N sống khoẻ mạnh không bệnh.

Tiến sĩ bác sĩ Phạm Thị Việt Hương cho biết, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng chết và nếu bệnh nhân quyết tâm điều trị, hãy đừng coi ung thư là về nhà chờ chết!

Theo TS Hương, một bệnh nhân ung thư có chiến thắng được căn bệnh quái ác và sống trong bao lâu hoặc có tử vong hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể là tùy loại ung thư, giai đoạn phát triển bệnh, diễn biến điều trị, sức khỏe tổng thể và quan trọng nhất là làm thế nào sớm phát hiện và can thiệp y tế kịp thời.

TS Hương đã điều trị cho nhiều bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối thành công. Dù là bệnh nhân ở giai đoạn sớm hay giai đoạn muộn đều cần điều trị chứ không nên về nhà chờ chết. Bởi có một số bệnh ung thư đã di căn nhưng điều trị hoá chất u tan như bệnh bạch cầu cấp, ung thư buồng trứng…

Hiện nay các bệnh ung thư có tiên lượng tốt, dù ở giai đoạn muộn vẫn điều trị khỏi được, như ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng…

TS Hương nhấn mạnh, ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).

Một vài loại thuốc được sử dụng trong quá trình hóa trị liệu có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị.... nhưng hiện nay đã được kiểm soát và giảm thiểu tác dụng phụ tốt hơn.

Một số phương pháp xạ trị, hóa trị cũng không làm đau đớn như mọi người tưởng tượng. Phẫu thuật thì ngày càng tinh tế, ít gây tàn phá hơn và có nhiều thuốc giảm đau tốt nên khi bị bệnh ung thư, người bệnh không nên nghĩ đó là cái chết mà sớm buông bỏ.

Theo P.Thuý
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư