Đừng tự đẩy mình vào thế nguy!

Ngày 23/09/2015 21:27 PM (GMT+7)

Tăng huyết áp là một căn bệnh dễ phát hiện, dễ điều trị nhưng tỉ lệ tử vong lại khá cao. Một nguyên nhân nghe rất quen được các chuyên gia báo động là người bệnh tự đẩy mình vào thế hiểm nguy do không tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định.

Chỉ mới đây thôi, chúng tôi đã chứng kiến một trường hợp bị đột quỵ suýt tử vong do không tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc. Bệnh nhân này đang được chỉ định kiểm soát huyết áp thường xuyên nhưng khi hết thuốc lại chủ quan không uống tiếp...

Đừng tự đẩy mình vào thế nguy! - 1

Tại hội nghị khoa học công nghệ do Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM tổ chức mới đây, những ý kiến về kỷ luật dùng thuốc huyết áp lại được đưa ra trao đổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp có tỉ lệ tử vong đứng thứ 3 trong số các bệnh có tỉ lệ tử vong cao và mỗi năm có khoảng 8 triệu người trên toàn cầu chết vì bệnh này. Tại Việt Nam, hơn 25% dân số mắc bệnh tăng huyết áp ở độ tuổi 25 trở lên. Một căn bệnh phổ biến trong cộng đồng, không khó kiểm soát, sao lại có tỉ lệ mắc và tử vong cao đến vậy?

Dẫn ra các cứ liệu, dược sĩ Phạm Hồng Thắm, Khoa Dược - Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do không kiểm soát được bệnh và người bệnh không sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều rất đáng báo động ở nước ta là có đến hơn 45% bệnh nhân cao huyết áp không sử dụng thuốc theo đúng chỉ định! Nghiên cứu cũng cho thấy đối tượng không tuân thủ dùng thuốc thường là những người nghèo, thu nhập thấp, hiểu biết về bệnh này còn hạn chế. Tuy vậy, không ít người thuộc nhóm có điều kiện sống khá giả cũng chủ quan với căn bệnh thường gây tử vong đột ngột này. Ngay ở một đất nước phát triển như Mỹ cũng có tới 50% người mắc bệnh huyết áp cao không dùng thuốc theo chỉ định.

Giới chuyên môn một lần nữa cảnh báo rằng căn bệnh thường dẫn đến cái chết “bất đắc kỳ tử” này không chừa một ai. Những người có tiền sử về huyết áp càng phải giữ mình. Tuân thủ quy định sử dụng thuốc là điều kiện quan trọng nhất để kiểm soát huyết áp, từ đó kéo giảm tỉ lệ tử vong. Ngoài ra, yếu tố niềm tin cũng góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát bệnh. Bởi lẽ, người có niềm tin tích cực vào việc trị liệu thường tuân thủ quy định sử sụng thuốc cao hơn cũng như biết kiểm soát thói quen của mình tốt hơn.

Theo Nguyễn Thạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan