Hà Nội: Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng đột biến

Ngày 23/05/2015 08:12 AM (GMT+7)

Trong 5 tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân mắc tay chân miệng tại Hà Nội là 549 trường hợp, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2014. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được kiểm soát tốt, chắc chắn, tay chân miệng sẽ lây lan thành dịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm, một số dịch bệnh đang có số mắc cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm 2014.

Cụ thể: Bệnh tay chân miệng ghi nhận 549 ca mắc, tăng 91% so với năm 2014. Bệnh sốt xuất huyết Dengue 83 ca mắc, tăng 60%, bệnh ho gà 61 trường hợp. Đặc biệt, bệnh tay chân miệng nếu không được kiểm soát tốt rất dễ lây lan thành dịch.

Hà Nội: Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng đột biến - 1

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được kiểm soát tốt, chắc chắn, tay chân miệng sẽ lây lan thành dịch.

Trong khi đó, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết sáng 22/5, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 5-7 trường mắc tay chân miệng đến khám. Tuy nhiên, hầu hết trẻ ở mức độ nhẹ và điều trị ngoại trú.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng do thời tiết nắng mưa thất thường kèm với sự di dân, nhiều công trường xây dựng, dịch bệnh sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. Bệnh tay chân rất dễ lây truyền qua đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn. 

Ông Dũng cũng lo ngại các dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát như viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, số xuất huyết, tiêu chảy cấp… và dễ diễn biến thành ổ dịch lớn. Đặc biệt, bệnh tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn vì chúng có ít kháng thể.

Trước diễn biến dịch bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt, cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần đảm bảo thức ăn cho trẻ đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Trường hợp trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp hiệu quả nhất phòng các bệnh truyền nhiễm.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan