Những ai nên lưu ý khi truyền dịch để không bị sốc phản vệ?

Ngày 15/01/2017 05:21 AM (GMT+7)

Một bệnh nhân vừa tử vong do truyền 3 chai dịch. Đây là lời cảnh báo về thói quen truyền dịch khi ốm, mỏi mệt… của nhiều người có khi đánh đổi cả mạng sống.

Bảo Tuổi trẻ Thủ đô đưa tin, khoảng 19h tối 9/1, ông Nguyễn Văn T. (56 tuổi) thấy người mệt mỏi, đau bụng nên đã được người nhà gọi y sĩ đến khám. Sau khi thăm khám và đo huyết áp cho ông T., y sĩ này đã chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân.

Sau khi truyền hết chai dịch thứ nhất, ông có biểu hiện đi ngoài, miệng rỉ máu. Người nhà lo lắng hỏi y sĩ, nhưng ông này trả lời không việc gì và tiếp tục truyền dịch. Đến 22h30 cùng ngày, khi truyền hết chai dịch thứ 3 thì ông T. có biểu hiện nôn mửa, miệng, mũi có dịch đen chảy ra, rồi lịm dần và tử vong lúc 22h45.

Nghi ngờ cái chết của ông T. có liên quan đến việc truyền dịch, người nhà đã bức xúc báo lên cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ, đồng thời báo cáo lên Sở Y tế Hà Tĩnh.

Những ai nên lưu ý khi truyền dịch để không bị sốc phản vệ? - 1

Truyền dịch cần có sự tư vấn, giám sát của bác sĩ (Ảnh minh họa).

Trước sự việc trên, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng vì tình trạng lạm dụng truyền dịch hiện nay. Các bác sĩ khuyến cáo, truyền dịch, cũng như tất cả các liệu pháp điều trị khác, có thể gây nên những tai biến với một tỷ lệ nhất định. Sốc phản vệ là tai biến đáng sợ và nguy hiểm nhất có nguyên nhân là do các thành phần trong dịch truyền, do thuốc pha trong dịch truyền gây nên. Vì thế, không phải người nào khi bị ốm cũng cần truyền dịch. Truyền dịch chỉ được áp dụng cho những trường hợp sau:

1. Bệnh nhân mất nước cấp tính mà không thể bù được lượng dịch đã mất bằng con đường uống. Những trường hợp này là bệnh nhân bị tiêu chảy cấp (tả, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn…); bệnh nhân nôn nhiều, bệnh nhân bị bỏng nặng, bệnh nhân sốt cao mất nước, bệnh nhân bị hẹp môn vị không ăn uống được…

2. Bệnh nhân ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân không thể ăn trong những ngày đầu sau phẫu thuật ống tiêu hóa (như cắt dạ dày, cắt đoạn ruột…), bệnh nhân cần một lượng calo lớn mà chế độ ăn qua đường tiêu hóa không cung cấp đầy đủ hoặc những bệnh nhân cần một chế độ ăn đặc biệt phải cung cấp qua những loại dịch truyền tĩnh mạch để nuôi dưỡng.

3. Những bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, viêm phúc mạc, bệnh lý ung thư, suy tim, cơn tăng huyết áp cấp cứu… sẽ được chỉ định truyền dịch có pha thuốc để điều trị như pha thuốc truyền các loại kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, các thuốc trợ tim, nâng huyết áp…

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo: “Trên thực tế, đã có không ít trường hợp bị tai biến do truyền dịch. Cách tốt nhất để tránh những tai biến do truyền dịch là chỉ truyền dịch khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên lạm dụng truyền dịch ví dụ như chỉ truyền “nước biển” để hạ sốt, truyền đạm “hoa quả” (dịch truyền cung cấp một số loại vitamin) để cho khỏe hơn”.

Theo bác sĩ chuyên khoa, những bệnh nhân sau nên cẩn thận khi truyền dịch:

1. Bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải.

2. Trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.

3. Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. Bệnh nhi viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền phải theo địa chỉ của bác sĩ.

Theo Vân An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp