Rong kinh, triệu chứng nguy hiểm không thể bỏ qua

Ngày 30/01/2017 00:19 AM (GMT+7)

Đối với nhiều phụ nữ, chảy máu kinh nguyệt nặng là một trở ngại rất lớn đến những hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng như lịch làm việc của họ.

Chảy máu kinh nguyệt nặng (hay còn được gọi với thuật ngữ chuyên môn là rong kinh) được định nghĩa là việc máu chảy ra quá nhiều đến nỗi bạn phải thay băng khoảng 1 lần/h hoặc thậm chí ngắn hơn vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Đối với nhiều phụ nữ, chảy máu kinh nguyệt nặng là một trở ngại rất lớn đến những hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng như lịch làm việc của họ.

Tuy nhiên, việc chảy máu quá nhiều cũng có thể dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng khác như thiếu máu thiếu sắt, đe dọa lớn đến sức khỏe của các chị em phụ nữ.

Hầu hết các trường hợp rong kinh gây thiếu máu có thể được điều trị bằng cách bổ sung thêm chất sắt. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng sẽ khiến cho bệnh nhân bị khó thở, mệt mỏi và tim đập nhanh.

Sau đây là một số phương pháp có thể giúp cho bạn giảm bớt mức độ nghiêm trọng của chứng chảy máu kinh nguyệt nặng. 

• Chườm túi nước đá: Hãy đặt túi đựng nước đá lên bụng bạn trong khoảng 20 phút. Lặp lại điều này một vài lần trong ngày khi tình trạng chảy máu trở nặng.

• Vitamin: Uổng bổ sung vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt và khiến cho thành mạch máu trở nên mạnh mẽ hơn, giảm bớt mức độ chảy máu.

• Sắt: Một số nghiên cứu cho thấy nồng độ sắt thấp có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của chứng chảy máu kinh nguyệt. Chính vì thể, hãy bổ sung khoáng chất này một cách hợp lý.

Rong kinh, triệu chứng nguy hiểm không thể bỏ qua - 1

Hầu hết các trường hợp rong kinh gây thiếu máu có thể được điều trị bằng cách bổ sung thêm chất sắt. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng sẽ khiến cho bệnh nhân bị khó thở, mệt mỏi và tim đập nhanh. (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì một phương pháp bổ sung nào nhằm kiểm tra mức độ tương hợp của cơ thể với các loại thuốc và tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Nếu tình trạng chảy máu kinh nguyệt đã ngoài tầm kiểm soát, hãy đến bác sĩ và nhờ họ tư vấn các phương pháp điều trị sau:

Thuốc chống viêm không chứa chất steroid: Những thuốc này bao gồm các loại như naproxen (Aleve), ibuprofen (Motrin), và các diclofenac (Cataflam) hoặc acid mefenamic (Ponstel). Bằng cách giảm nồng độ prostaglandin, chúng sẽ loại bỏ những hóa chất gây trở ngại cho quá trình đông máu. Nghiên cứu cho thấy những hóa chất này có thể làm giảm lượng máu bị mất trùng bình từ 25 đến 35%.

Viên thuốc uống tránh thai: Thuốc tránh thai có thể làm giảm chảy máu kinh nguyệt lên đến 60% bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng và làm mỏng nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ một cách kĩ lưỡng khi sử dụng phương pháp này.

Progestin: Progestin là loại thuốc có tác dụng chữa trị rong kinh ít nguy hiểm nhất. Các nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể làm giảm mức độ chảy máu khoảng 15%. Progestin hoạt động bằng cách làm giảm tác động của estrogen trong cơ thể, làm chậm sự phát triển của niêm mạc tử cung. Nhưng tác dụng phụ của nó bao gồm tăng cân, đau đầu, sưng viêm và trầm cảm đã khiến cho nhiều phụ nữ không thể nào sử dụng được loại thuốc này dài lâu.

GnRH: Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong ngắn hạn vì giá thành cao và mang lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Về cơ bản, nó sẽ khiến cho người sử dụng rơi vào giai đoạn mãn kinh tạm thời với các cơn nóng bừng. Từ đó làm giảm lượng máu kinh nguyệt. Nhưng vì nó can thiệp quá sâu vào hoạt động của estrogen trong cơ thể, việc sử dụng lâu dài có thể dẫn đến nhiều rối loạn nguy hiểm, đặc biệt là chứng loãng xương.

Danazol. Danazol là một loại testosterone nội tiết tố nam nhằm ngăn chặn hoạt động của estrogen trong cơ thể bạn. Nó sẽ khiến cho bạn tắt kinh trong vòng từ 4-6 tuần. Nhưng nó cũng mang lại nhiều tác dụng phụ, bao gồm mụn trứng cá và làm giảm kích thước vú.

Sử dụng các thiết bị tránh thai trong tử cung: Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm hoa kì đã công nhận việc sử dụng một số thiết bị dùng để tránh thai trong tử cung có thể dùng để chữa trị chứng rong kinh. Trong một số thử nghiệm lâm sàng, tình trạng mất máu hàng tháng đã giảm hơn 50% trong số 9/10 phụ nữ tham gia vào nghiên cứu nhờ vào việc sử dụng các vòng tránh thai.

Các phương pháp phẫu thuật:

• Cắt bỏ tử cung: 75-80% phụ nữ mắc chứng chảy máu kinh nguyệt nặng không cần phải cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên vẫn có nhiều phụ nữ lựa chọn điều này vì đây là một phương pháp triệt để và hiệu quả. Không còn tử cung, không còn chảy máu và đau bụng kinh hàng tháng. Tuy nhiên, việc cắt bỏ tử cung  có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, nhất chứng nhiễm trùng. Vì thế hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thật kĩ lưỡng trước khi bạn đưa ra quyết định cuối cùng.

• Cắt bỏ nội mạc tử cung: Đây là một phương pháp khá nhẹ nhàng, trong đó lớp niêm mạc tử cung sẽ bị cắt đốt bằng các loại tia, hoặc đơn giản chỉ là nước nóng. Quá trình này được thực hiện hết sức nhanh chóng ở ngoại trú với thuốc gây tê nhẹ. Phương pháp này cho phép bệnh nhân giữ lại tử cung của mình. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định sử dụng phương pháp này, hãy chắc chắn sử dụng các biện pháp tránh thai cần thiết sau đó. Vì việc mang thai khi lớp nội mạc tử cung đã bị phá hủy sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Phanh Thanh/ dịch từ healthywomen
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nguyệt