Sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP. HCM

Ngày 22/06/2016 14:35 PM (GMT+7)

Ngày 22/6, Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết, vừa có công văn gửi đến các trường trên địa bàn thành phố đề nghị khẩn trương phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng do đang tăng cao trong thời gian qua.

Theo công văn, tình hình sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP. HCM hơn so với cùng kỳ năm 2015. Một số quận, huyện như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Tân và quận 8 có tỉ lệ ca bệnh giảm chậm, đặc biệt quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có số ca sốt xuất huyết cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2016.

Trước tình hình diễn biến sốt xuất huyết phức tạp tại thành phố, Sở GD&ĐT TP. HCM yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT 24 quận huyện, Hiệu trưởng các trường đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP. HCM - 1

Bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP. HCM

Các trường chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy bằng những hoạt động như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa,bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân giường tủ; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ,... và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thực hiện tổng vệ sinh trường lớp trước ngày học sinh tựu trường, đảm bảo tuyệt đối trường học không có loăng quăng.

Đối với dịch bệnh tay chân miệng, tăng cường phòng chống trong toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh. Hướng dẫn, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường khi phát hiện trẻ mắc bệnh phải thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện tổ chức xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.

Trẻ bị bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, không được tự ý đi học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác; xử lý triệt để ổ dịch bằng Cloramin B theo đúng hướng dẫn, vệ sinh môi trường nơi trẻ bệnh, lau khử khuẩn các vật dụng của trẻ, theo dõi sát các trẻ học chung lớp với trẻ bệnh.

Về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đối với bếp ăn tập thể trường học thì lãnh đạo các đơn vị phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh hoạt động các bếp ăn tập thể trường học. Yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đối với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học, trường chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Định kỳ cử cán bộ phụ trách bán trú tham quan, kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp suất ăn để đánh giá một cách khách quan cơ sở chế biến về đảm bảo vệ sinh khi chế biến, chất lượng các thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến, thực phẩm chế biến xong trước khi cho học sinh ăn có bảo đảm chất lượng và vệ sinh.

Đối với tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng trường học, trường học phải tuyên truyền học sinh, cha mẹ học sinh không mua quà vặt, ăn uống trước cổng trường nhằm đảm bảo vệ sinh, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 6, toàn thành phố có 328 trường hợp bị sốt xuất huyết và 427 ca bệnh tay chân miệng nhập viện mà đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Tổng số ca tử vong đến hiện tại do bệnh sốt xuất huyết là 2 ca bằng cả năm 2015.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết