Sức mạnh liệu pháp tế bào gốc

Ngày 24/07/2015 00:06 AM (GMT+7)

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế cho phép triển khai nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bà N.T.H là điều dưỡng viên đã về hưu ở TP HCM. Một tháng trước, bà vào viện với bộ dạng mệt mỏi trên chiếc xe lăn do đau khớp gối. Dù đã được điều trị ở nhiều nơi nhưng những cơn đau dữ dội tại khớp gối ngày càng nặng thêm.

Thoát cảnh “xe lăn, chống nạng”

Nghĩ rằng sẽ phải cần đến khớp gối nhân tạo nhưng với kiến thức y học của mình, bà H. tập trung tìm hiểu phương pháp điều trị tế bào gốc (TBG) và đăng ký điều trị. Tại Bệnh viện (BV) Vạn Hạnh (TP HCM), sau một tuần điều trị khớp gối bằng TBG, bệnh tình của bà đã giảm và sau 3 tháng, đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.

Ông G.N (52 tuổi, ở TP HCM) mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp đã hơn 20 năm khiến các khớp xương bị tổn thương nặng; việc vận động, đi lại rất khó khăn, tưởng chừng quãng đời còn lại chỉ dựa vào 2 chiếc nạng. Cũng tại BV Vạn Hạnh, sau khi được các bác sĩ nội soi khớp và áp dụng liệu pháp TBG, sức khỏe của ông tiến triển khả quan sau 1 tháng điều trị. “Giờ đây, tôi có thể phụ giúp công việc với vợ và chở con đi học. Điều mong ước lớn nhất của tôi đã đạt được” - ông N. nói với nụ cười vui vẻ.

BS Huỳnh Thị Kim Dung, Giám đốc BV Vạn Hạnh, cho biết đây chỉ là những trường hợp điển hình mắc bệnh khớp được điều trị thành công bằng phương pháp TBG. Sau 2 năm BV triển khai, đã có hàng trăm ca được điều trị thành công.

Theo BS Trần Đặng Xuân Tùng, Đơn vị nghiên cứu TBG - BV Vạn Hạnh, thoái hóa khớp là một bệnh cảnh tự nhiên mà ai cũng sẽ phải đối mặt. Hiện nay, tại các nước tiên tiến, số lượng bệnh nhân thay khớp chiếm khoảng 30% dân số. Phương pháp giúp làm chậm quá trình thoái hóa để hạn chế phẫu thuật cho bệnh nhân là một thành công của y học. “Chúng tôi không nghĩ phương pháp này có khả năng ngăn chặn hoàn toàn quá trình thoái hóa, già hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, nó có thể giúp làm chậm quá trình tổn thương sụn khớp do các tác động của tế bào tại chỗ và phục hồi một phần mô sụn khớp bị tổn thương. Khi đạt được 2 mục tiêu trên, khớp gối bệnh nhân giảm đau và họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn” - BS Tùng nói.

Sức mạnh liệu pháp tế bào gốc - 1

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Bệnh viện Vạn Hạnh (TP HCM)

Mở ra triển vọng mới

Nếu loại bệnh về khớp đang được các chuyên gia tìm cách “thanh toán” thì một loại bệnh phổ biến khác cũng đang là vấn đề nan giải đối với y học: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Giới chuyên môn cho biết hiện nay, tỉ lệ mắc COPD trong cộng đồng khá cao (khoảng 5%). COPD là căn bệnh gây tử vong và tàn tật đứng thứ ba trong số các bệnh lý mạn tính. COPD khiến chức năng phổi xấu dần theo thời gian. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc COPD ngày càng cao, kéo theo sự gia tăng về số người tử vong và tàn tật. Rất nhiều phương thức điều trị đã được áp dụng nhưng hiện vẫn chưa có liệu pháp nào giúp đảo ngược tiến trình xấu liên tục của bệnh mà chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Điều này có nghĩa là chức năng hô hấp của bệnh nhân ngày càng xấu đi và chi phí điều trị cũng sẽ tăng…

Trước thực trạng này, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cho phép triển khai ứng dụng công nghệ TBG trong điều trị bệnh phổi nói chung và COPD nói riêng. Hai đơn vị được giao nhiệm vụ này là BV Vạn Hạnh và BV Nguyễn Tri Phương (TP HCM) với đề tài thử nghiệm lâm sàng “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của phương pháp ghép TBG từ mô mỡ tự thân trong điều trị bệnh (COPD)”.

ThS-BS Lê Thị Bích Phượng, Trưởng nhóm nghiên cứu TBG-BV Vạn Hạnh, cho biết từ những năm 1990, nhiều nghiên cứu trên thế giới về ứng dụng TBG điều trị COPD đã thực hiện. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng triển khai từ năm 2005 đến nay đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan.

Ghép TBG trị nhiều loại bệnh

TBG mà BV Vạn Hạnh đang nghiên cứu sử dụng là TBG trung mô, một loại TBG trưởng thành không tạo máu. Nguồn gốc TBG trung mô trong cơ thể rất nhiều, gồm tủy xương, mô mỡ, tủy răng… Trong nghiên cứu này, nhóm đã lấy TBG trung mô từ mô mỡ. Quy trình lấy TBG mô mỡ đơn giản, ít xâm lấn. TBG trung mô là loại có tính an toàn cao, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi ghép như: tạo khối u, sốc, nhiễm trùng, suy cơ quan…

Sau khi thỏa mãn các điều kiện, bệnh nhân sẽ được hút mỡ. Mỡ được chuyển đến phòng thí nghiệm TBG BV Vạn Hạnh để xử lý và tách chiết. TBG sẽ được truyền lại cho người bệnh qua đường tĩnh mạch. Ghép TBG là phương pháp điều trị sinh học, trong khi phương pháp điều trị truyền thống phải dùng thuốc lâu dài, nhiều tác dụng phụ. Thời gian điều trị theo phương pháp này khoảng 6 tháng.

Các chuyên gia cho biết TBG có khả năng điều trị 70-80 loại bệnh. Ở nước ta, nhu cầu áp dụng TBG vào trị bệnh ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng TBG đang mở hướng mới cho y học vì có thể điều trị được những loại bệnh nan y tưởng chừng bó tay. “Phương pháp mới này không chỉ mở ra cơ hội cứu chữa người bệnh mà còn tạo điều kiện cho giới thầy thuốc chúng tôi phát triển chuyên môn” - BS Huỳnh Thị Kim Dung nói.

Đầu tư 3 tỉ đồng

Theo BS Huỳnh Thị Kim Dung, hiện nay, BV tiếp nhận trung bình mỗi ngày từ 20-30 người bệnh COPD đến khám. Hiện đã có 20 trường hợp COPD đầu tiên đăng ký điều trị. Mục đích của phương pháp trị liệu mới này là giúp người bệnh thoát khỏi gánh nặng bệnh tật, trở về với đời sống sinh hoạt bình thường. Chỉ riêng chương trình này, BV đã đầu tư 3 tỉ đồng cho hoạt động nghiên cứu và thực hành.

Theo Nguyễn Thạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan