Thuốc trầm cảm tăng dị dạng tim mạch trẻ sơ sinh

Ngày 12/04/2016 00:06 AM (GMT+7)

Uống thuốc Paroxetine - được kê toa để chữa trị trầm cảm, rối loạn ám ảnh - cưỡng bức, lo âu và stress sau chấn thương - trong 3 tháng đầu mang thai làm gia tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị biến dạng bẩm sinh và khuyết tật tim mạch.

Kết luận này được đăng trên tờ British Journal of Clinical Pharmacology mới đây.

Thế giới hiện có khoảng 1/5 phụ nữ tuổi sinh đẻ bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình. Do đó, thuốc trầm cảm đã được kê toa cho thai phụ gia tăng trong những năm gần đây. Các thuốc thông thường nhất để chữa chứng trầm cảm ở phụ nữ có thai là nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (viết tắt là SSRIs).

Cho đến năm 2005 thì paroxetine - một thuốc trong nhóm này - được xem là an toàn cho thai phụ. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã nghiên cứu tính an toàn của thuốc và nhận thấy có sự gia tăng nguy cơ bị các khuyết tật về tim ở trẻ nhũ nhi đã tiếp xúc paroxetine trước lúc sinh. Các nghiên cứu sau đó trên nhiều người dân khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã dẫn đến những kết quả còn tranh cãi xoay quanh nguy cơ đã đề cập ở trên.

Để cung cấp một đánh giá toàn diện về hậu quả của paroxetine trên trẻ sơ sinh, GS-TS Anick Berard tại CHU Sainte -Justine và Đại học Montreal (Canada) đã tiến hành xem xét các y văn và phân tích gộp tất cả nghiên cứu phù hợp từ năm 1966 đến 2015.

Họ đã xem xét 23 nghiên cứu đáng tin cậy, theo đó, việc dùng paroxetine trong 3 tháng đầu của thai kỳ làm gia tăng nguy cơ 23% các khuyết tật bẩm sinh và 28% nguy cơ gia tăng khuyết tật tim mạch ở trẻ sơ sinh. GS-TS Anick Berard khuyến cáo: “Xét về tỉ lệ nguy cơ/lợi ích thì không nên dùng paroxetine ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình (85% phụ nữ mang thai bị trầm cảm). Nếu quyết định mang thai và khi có thai mà bị trầm cảm thì nên xem xét các phương pháp điều trị có giá trị như liệu pháp tâm lý hay chế độ luyện tập phù hợp”.

Thuốc trầm cảm tăng dị dạng tim mạch trẻ sơ sinh - 1

Vào đây để theo dõi toàn bộ câu chuyện Trầm cảm bà bầu trước và sau sinh
 

Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trầm cảm bà bầu trước và sau sinh