Tủ thuốc gia đình ngày Tết

Ngày 10/02/2013 11:20 AM (GMT+7)

Mỗi gia đình cần trang bị tủ thuốc để sơ cứu tạm thời, khi các tiệm thuốc nghỉ Tết hoặc loại thuốc đó không có bán ở những điểm du lịch, vùng quê xa vắng...

Ngày Tết, trẻ thường thức khuya, được đi chơi, thăm viếng nhiều nơi và hay ăn uống lặt vặt nên có thể bị sốt, cảm ho, sổ mũi, tiêu chảy... Vì vậy, mỗi gia đình cần trang bị tủ thuốc để sơ cứu tạm thời, khi các tiệm thuốc nghỉ Tết hoặc loại thuốc đó không có bán ở những điểm du lịch, vùng quê xa vắng...

Hạ sốt: Tùy theo độ tuổi mà bệnh nhân uống với liều lượng thích hợp. Hiện nay, thuốc hạ sốt an toàn, phù hợp với cơ địa của nhiều bệnh nhân là nhóm thuốc chứa hoạt chất paracetamol. Nếu trẻ dưới một tuổi hoặc cân nặng dưới 8kg, chỉ uống một viên có hàm lượng 100mg hoặc thuốc dạng gói 80mg. Với trẻ từ một-ba tuổi (khoảng 15kg), uống 150mg. Còn trẻ trên ba tuổi đến sáu tuổi thì uống 250mg paracetamol. Riêng người lớn bị sốt thì uống loại 500mg. Một ngày uống bốn lần và mỗi lần cách nhau sáu giờ. Với những trường hợp sau khi uống thuốc rồi mà vẫn sốt nhanh trở lại thì thời gian giữa hai lần uống có thể rút ngắn còn bốn giờ. Đến ngày thứ ba sau khi uống thuốc mà bệnh không giảm thì có thể đã mắc bệnh nặng, cần được đưa đến bệnh viện. Vì cảm sốt thông thường chỉ diễn ra trong vài ngày. Với những bé không chịu uống thuốc, uống vào sẽ ói ra hoặc rơi vào tình trạng co giật hay cha mẹ không muốn đánh thức con thì có thể sử dụng loại thuốc hạ nhiệt ở dạng nhét hậu môn với liều lượng tương tự thuốc uống.

Tủ thuốc gia đình ngày Tết - 1

Mỗi gia đình cần trang bị tủ thuốc để sơ cứu tạm thời, khi các tiệm thuốc nghỉ Tết hoặc loại thuốc đó không có bán ở những điểm du lịch, vùng quê xa vắng... (Ảnh: Internet)

Chảy mũi: Ngày Tết, tiết trời trở lạnh, ngủ không đủ giấc nên trẻ dễ bị sổ mũi. Hoặc có khi trẻ bị dị ứng do ăn uống nhiều đồ ngon vật lạ. Khi mắc bệnh, cha mẹ cần dùng thuốc kháng dị ứng có nhóm hoạt chất clorpheniramin 4mg cho trẻ. Trẻ từ một-hai tuổi chỉ cần uống 1/4 viên; trên hai-năm tuổi sẽ uống nửa viên, người lớn cần uống một viên. Loại thuốc này an toàn, uống ba lần mỗi ngày, dùng cho trẻ nổi mề đay, chảy mũi, dị ứng thức ăn, ngứa da... Bên cạnh đó, người bệnh bị chảy mũi cần được bổ sung vitamin, thuốc bổ được làm từ thảo dược. Riêng với trẻ kèm theo bệnh ho, cần uống thêm các thuốc viên, thuốc dạng sirô nhưng không nên dùng thuốc Codeine, nhất là trẻ dưới sáu tuổi vì có tác dụng phụ gây ngộ độc, ức chế hô hấp.

Tiêu chảy: Với bệnh nhân bị tiêu chảy cần bù dung dịch nước được bán ở các nhà thuốc. Sau mỗi lần đi tiêu hoặc trẻ khát nước do bệnh thì uống từ 50 - 100ml. Trong loại dung dịch y tế này có cả đường, muối, chất khoáng để bù lại lượng muối, chất khoáng bị hao hụt do tiêu chảy. Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm gây ra tiêu chảy phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Hen suyễn: Trẻ có cơ địa hen suyễn không nên đến những nơi thắp nhiều nhang khói hoặc đến công viên, lễ hội (nhiều phấn hoa phát tán). Thời tiết, môi trường thay đổi giữa các vùng miền cũng khiến dễ lên cơn hen bột phát. Vì vậy, cha mẹ nên trang bị sẵn cho trẻ bình xịt ngắt cơn hen. Khi lên cơn phải có thuốc xịt ngay. Bệnh nhân lên cơn sẽ được xịt hai nhát, nếu không thuyên giảm sẽ xịt lại sau 20 phút và đến nhát thứ sáu mà bệnh không thuyên giảm cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

Tai nạn té ngã: Dùng thuốc sát trùng hoặc cồn 70o, bông gạc vô trùng, băng keo cá nhân. Khi bị rách da, cần rửa tay sạch sẽ rồi rửa vết thương dưới vòi nước, sau đó dán băng keo cá nhân để tránh nhiễm trùng.

Theo BS Bạch Văn Cam (Phụ Nữ Online)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe