Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai?

Ngày 09/08/2013 08:19 AM (GMT+7)

Tôi vẫn luôn tin rằng, tấm áo bà ba là trang phục giản dị nhưng chứa đựng vẻ hồn hậu, nết na, dịu dàng lắm của phụ nữ Việt.

Thuở ấu thơ chạy nhảy mệt nhoài trên những triền đê, tôi vẫn được mẹ cho mặc áo bà ba màu nâu gụ, quần lụa đen, mẹ bảo "đỡ... phí". Tôi không hiểu "phí" theo ý mẹ là gì, chỉ biết rằng mặc bộ bà ba thì thích lắm, tha hồ nghịch ngợm, lăn lê với đám bạn quê mà không lo áo bẩn về mẹ mắng. Tôi lớn lên ở thành phố, chỉ mỗi độ hè râm ran trong tiếng ve trốn nắng mới có dịp gặp cái Thu, cái Huệ, thằng Tí, thằng Kèo, "bám đuôi" chúng nó đi chăn trâu mỗi buổi chiều phai nắng. Ông tôi mất sớm, nhà chỉ có bà sớm tối quanh ra quanh vào, nhưng trong ký ức của tôi ba gian nhà gỗ chẳng bao giờ quạnh vắng, phải chăng vì đám cái Thu, cái Huệ, thằng Tí, thằng Kèo thường ghé qua chơi, quét sân, tưới cây và hái trái ngọt trong vườn nên nếp nhà neo người được ấm cúng, rộn rã đến vậy?

Bà tôi chẳng mặc áo hoa bao giờ, cả đời bà chỉ quen áo bà ba - quần lụa đen bạc màu sương gió. Mẹ tôi may tặng bà nhiều đồ đẹp, bà đều cất gói cẩn thận trong rương gỗ. Bà bảo tôi: "Phụ nữ chân lấm tay bùn, chẳng gì bằng bà ba". Lúc đó tôi nghĩ bà ba là trang phục dành riêng cho các bà, các mẹ và đám trẻ nhỏ chúng tôi mặc "lao động", không hề đẹp hay đáng quý. Chỉ khi lớn lên rồi, chất đầy trong tủ áo quần muôn kiểu mốt, tôi mới nhớ đến nao lòng cảm xác thoải mái khi xỏ mình trong bộ bà ba sờn đường chỉ nhỏ năm xưa.

Tôi yêu phim và đặc biệt thích các tác phẩm điện ảnh Việt sản xuất những năm 70, 80 thế kỷ trước. Xem phim, được sống với một giai đoạn của lịch sử đất nước đã đành, được ngắm các diễn viên Lê Vân, Thúy An đằm thắm, dịu hiền trong dáng áo bà ba càng hay gấp bội. "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng 10" rồi sau này là "Người đẹp Tây Đô", "Đất Phương Nam" cho tôi cái nhìn rộng mở về người phụ nữ Việt tần tảo, một nắng hai sương nhưng vẫn toát lên vẻ dịu hiền, đằm thắm. Họ chẳng viện nhiều son phấn, cũng không diện áo váy thời thượng, chỉ bộ bà ba thôi mà sao đẹp đến thế, thanh lịch đến thế.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 1

Áo bà ba nhưng trẻ con cũng mặc...

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 2

Diễn viên Lê Vân và vẻ đẹp dịu hiền với áo bà ba trong "Bao giờ cho đến tháng 10".

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 3

Hình ảnh đẹp của diễn viên Thúy An trong "Cánh đồng hoang".

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 4

Áo bà ba góp phần khắc họa thành công chân dung người phụ nữ Việt đảm đang, tảo tần trong năm tháng chiến tranh.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 5

Áo bà ba tôn lên vẻ đẹp đằm thắm, ấn tượng của diễn viên Thúy An.

Tìm hiểu về nguồn cội trang phục giản dị nhưng thân thương quen thuộc này, tôi bất ngờ khi biết có thể áo bà ba xuất phát từ tộc người Bà Ba ở Malaixia. Trong cuốn "Văn minh miệt vườn" (1970) nhà văn Sơn Nam có viết: "Sự liên lạc giữa Cái Mơn và Mã Lai đem cho miệt vườn nhiều loại cây mới: măng cụt, bòn bon, chôm chôm. Poulo Penang, nơi ông Trương Vĩnh Ký du học, là nơi có nhóm người Bà Ba lập rẫy mía. Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa (chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba)" (tr.43).

Ở miệt vườn, ở miệt Hậu Giang thời Pháp thuộc, cái áo dài đàn ông không được thông dụng cho lắm. Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu... Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc" (tr.201).

Có lẽ trải qua quá trình "chọn lọc" cho hợp với văn hóa, xã hội và đặc tính dân tộc nên áo bà ba hiện giờ của Việt Nam mang những nét độc đáo riêng chăng?

Áo bà ba xuất hiện trong thơ ca nhiều, trong âm nhạc cũng chẳng ít, nổi tiếng nhất có lẽ là nhạc phẩm "Chiếc áo bà ba" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Lời thơ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng êm ái "Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con thuyền bé nhỏ mong manh..." nhưng để lại trong tâm hồn người nghe những xúc cảm day dứt, lưu luyến khôn nguôi.

Áo bà ba truyền thống toát lên vẻ giản dị, mộc mạc, vẻ đẹp tự nhiên trong trẻo cho mặc. Ngày nay với nhiều cách tân trong dáng áo và họa tiết, áo bà ba tôn nét yêu kiều mộng mơ nơi phái đẹp. Thay vì chất liệu vải lon, satin trắng hay gấm cổ điển, áo bà ba hiện đại còn được tạo nên từ lụa và voan hoa. Không nức tiếng năm châu như áo dài, nhưng áo bà ba cũng là một phần "hồn" làm nên diện mạo đằm thắm, dịu hiền đáng quý của người phụ nữ Việt từ bao đời nay.

Ghé thăm chợ nổi vùng sông nước miền Tây, có thể dễ dàng bắt gặp bóng dáng chị Hai, cô Ba nền nã áo bà ba gấm trắng đon đả mời mọc hoa quả, bánh trái chất đầy ghe. Hay một ngày nhạt nắng về thăm miền quê luá Thái Bình, sẽ thấy thấp thoáng nơi cánh đồng xa tấm lưng khom tảo tần trong áo bà ba vun cho cây lúa trĩu bông. Ngắm đấy, để rồi lại nhớ nhớ thương thương về một mảnh hồn của trang phục dân tộc...

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 6

Vẻ đẹp phụ nữ miền sông nước Nam bộ.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 7

Trong cuộc sống hiện đại, áo bà ba - quần lụa đen trở thành phục trang đóng phim, diễn văn nghệ được sử dụng nhiều.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 8

 Áo bà ba xuất hiện cả trong các cuộc thi nhan sắc.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 9

Áo bà ba trên cánh đồng lúa trĩu bông.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 10

Sắc áo đỏ thắm tôn lên vẻ yêu kiều cho người đẹp.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 11

Áo bà ba chất liệu satin mang đến vẻ trang nhã, thanh lịch được nhiều chị em chọn lựa.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 12

Dáng áo bà ba hiện đại được có vạt áo dài hơn trước kia, điểm xuyết hoa văn điệu đà rực rỡ.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 13

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 14

Người đẹp với áo bà ba bên hoa sen thanh tao, trong trẻo.

Áo bà ba có nguồn gốc từ... Mã Lai? - 15

Áo bà ba hồng cho sắc hương thêm thần đằm thắm, ngọt ngào.

Pica
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tìm hiểu lịch sử thời trang