Bộ Giáo dục vào cuộc vụ học lớp 7 không biết viết tên mình

Ngày 14/04/2015 08:57 AM (GMT+7)

Bộ GDĐT vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị sau phán ánh của báo chí trước việc học sinh 7 năm đi học không viết nổi tên mình.

Trước thông tin báo chí phản ánh tình trạng một số học sinh đang học tại trường Tiểu học A Túc và trường Tiểu học & THCS A Dơi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không biết đọc, biết viết,… Bộ GDĐT đã cùng với đại diện Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị và phòng GDĐT huyện Hướng Hóa trực tiếp đến để xác minh và chỉ đạo.

Cụ thể, ba em học sinh Hồ Văn Thế, Hồ Văn Quyền (học sinh lớp 5) và Hồ Văn Thùy (học sinh lớp 4) không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực vùng Lìa và Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa có giấy chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật; các em được học hòa nhập. Trong đó, em Hồ Văn Thùy và Hồ Văn Thế có vấn đề về thần kinh, ảnh hưởng đến học tập và em Hồ Văn Quyền bị điếc bẩm sinh, khó khăn về nói, thần kinh chậm phát triển - xếp loại sức khỏe loại 5.

Bộ Giáo dục vào cuộc vụ học lớp 7 không biết viết tên mình - 1

Anh Hồ Văn Đức và con trai Hồ Văn Thế (lớp 5B, trường Tiểu học A Túc)  (Ảnh: Nông thôn Ngày nay)

Học sinh Hồ Xuân Luật, năm học 2013-2014 thực tế không bỏ học nhưng thường xuyên không đến trường. Tuy nhiên cuối năm học em Luật vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi: Ba em học sinh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn (học sinh lớp 7) khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của học sinh ở trình độ lớp 7.

Theo Bộ GDĐT, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các giáo viên dạy và đánh giá học sinh qua từng năm học đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng giáo dục và trình độ của học sinh với Ban giám hiệu nhà trường, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém của học sinh.

Qua trao đổi cũng thấy rõ Sở và Phòng GDĐT, Ban giám hiệu các trường buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học A Túc không có hồ sơ giáo dục cá nhân cho học sinh khuyết tật, không có giải pháp riêng phù hợp với đặc điểm sức khoẻ và khả năng nhận thức của các em, cũng không có các biện pháp phối hợp với gia đình để theo dõi, giúp đỡ các em học sinh này.

Bộ Giáo dục vào cuộc vụ học lớp 7 không biết viết tên mình - 2

Trường tiểu học A Túc (Ảnh Internet)

Cả hai nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ giáo viên dạy năm học trước (lớp dưới) cho giáo viên dạy năm học sau (lớp trên), từ tiểu học lên THCS. Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa, sở GDĐT tỉnh Quảng trị không chỉ đạo nghiêm túc việc này.

Công tác thanh, kiểm tra hàng năm của các cấp quản lý giáo dục địa phương không phát hiện được hoặc đã bỏ qua những thiếu sót của giáo viên và nhà trường trong nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Qua đó, để từng bước khắc phục và không tái diễn tình trạng trên, Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị khẩn trương triển khai một số việc sau:

Thứ nhất, chỉ đạo Trường Tiểu học A Túc và Trường Tiểu học & THCS A Dơi khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Hiệu trưởng hai trường cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lí chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”;

Bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”. Định kỳ báo cáo cụ thể bằng văn bản về chất lượng giáo dục của các học sinh trên với Sở GDĐT.

Thứ hai, chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học, cuối học kỳ, cuối năm học; tất cả các trường trong tỉnh rà soát trình độ học sinh, phân loại và có biện pháp kịp thời giúp đỡ để học sinh đều có thể đạt yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Thứ ba, tiến hành các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý, chú trọng công tác kiểm tra và trách nhiệm giải trình của cán bộ các cấp quản lý giáo dục, của hiệu trưởng nhà trường; nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà giáo đối với học sinh, nhất là với các em học sinh khuyết tật, học sinh người dân tộc thiểu số, thực hiện nghiêm túc những quy định của Bộ GDĐT về công tác quản lý dạy và học.

Thứ tư, rút kinh nghiệm và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan