Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nếu học sinh ngộ độc thực phẩm

Ngày 17/03/2016 15:27 PM (GMT+7)

Sau vụ việc hơn 36 em học sinh trường tiểu học Trần Quang Khải (Quận 1, TP. HCM) có dấu hiệu bị ngộc độc thực phẩm ngày 10/3, vào sáng nay (17/3), Sở GD&ĐT TP. HCM đã có công văn đề nghị các trường học nghiêm túc thực hiện tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu đối với trường tổ chức bếp ăn bán trú tại trường thì bếp ăn phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Cơ sở vật chất phục vụ bán trú đảm bảo đúng qui định bếp một chiều, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy.

Chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn. Địa điểm bếp ăn phải bố trí ở nơi vệ sinh, môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Trang thiết bị và dụng cụ chế biến thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, dễ chùi rửa và phân biệt dụng cụ sống - chín.

Thực hiện kiểm tra 3 bước theo qui định: nguồn thực phẩm đầu vào, khi chế biến, lúc thành phẩm trước khi cho học sinh ăn. Tất cả các bước đều phải do Ban giám hiệu, bếp trưởng hoặc nhân viên y tế giám sát nhận xét vào sổ theo dõi hàng ngày. Tất cả nhân viên làm việc ở bếp ăn và căn tin đều phải tham dự lớp tập huấn về ATVSTP và khám sức khỏe theo qui định.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nếu học sinh ngộ độc thực phẩm - 1

Các em học sinh trường tiểu học Trần Quang Khải nhập viện cấp cứu ngày 10/3 sau khi có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh: VNE

Đối với trường tổ chức căn tin, cần tăng cường công tác tự kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với căn tin trong trường học trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Căn tin đảm bảo luôn sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm, thực phẩm phải có đồ che đậy. Có tủ kính đựng thực phẩm để trên kệ cao. Không bán những mặt hàng đồ chơi, kẹo bánh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không xuất xứ và không rõ hạn sử dụng.

Chỉ hợp đồng với các đơn vị, cá nhân kinh doanh căn tin trường học khi đơn vị, cá nhân đó cam kết bán hàng hợp vệ sinh, xuất xứ rõ ràng, chất lượng và đạt tiêu chuẩn. Thực phẩm phải có hợp đồng mua bán và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn.

Đặc biệt, đối với trường hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài, chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng qui trình chế biến thực phẩm một chiều. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng bảo đảm ATVSTP.

Không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2h. Thực phẩm sau khi chế biến quá lâu phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn. Để bảo đảm ATVSTP nên trang bị bếp hâm tại trường để hâm nóng lại thực phẩm trước khi phân phối cho học sinh ăn.

Bố trí khu vực đảm bảo vệ sinh để tiếp phẩm, phòng chia thức ăn hợp vệ sinh; nơi ăn uống của học sinh phải được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp. Khu vực rửa dụng cụ phân chia thức ăn hợp vệ sinh, trang bị tủ bảo quản dụng cụ chia thức ăn. Khám sức khỏe và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách bán trú.

Mỗi một loại thức ăn lưu trong một vật dụng riêng biệt, vật dụng lưu mẫu nên sử dụng bằng inox. Niêm phong mẫu lưu chặt chẽ, an toàn. Có sổ ghi chép việc thực hiện lưu mẫu đúng theo qui định. Thời gian lưu là 24h.

Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường học phải phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn và căn tin trong trường học bảo đảm tuân thủ các hướng dẫn trên và các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Nếu các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học mà nguyên nhân được chứng minh do trường học gây ra thì lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trước đó như đã đưa tin, tối ngày 10/3, tại bệnh viện Quận 1, TP. HCM đã tiếp nhận 36 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của trường tiểu học Trần Quang Khải vào bệnh viện điều trị. Tất cả các em đều có dấu hiệu bị ngộ độc như nôn ói, chóng mặt, đau bụng sau khi ăn bữa trưa gồm canh khoai mỡ, thịt xá xíu và rau muống xào.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP. HCM) nhận được thông tin cũng đã xuống trường tiểu học Trần Quang Khải kiểm tra lấy mẫu thức ăn chuyển đi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Hiện kết quả chưa được thông báo.

Tân Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngộ độc thực phẩm