Người phụ nữ sống sót trong vụ khủng bố 11/9 qua đời

Ngày 28/08/2015 13:00 PM (GMT+7)

Một nhân viên ngân hàng, người đã may mắn sống sót sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào Trung tâm thương mại thế giới cách đây 14 năm vừa qua đời ở tuổi 42 sau 1 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Một trong những bức hình gây ám ảnh nhất trong thảm họa 11/9/2001 là một phụ nữ bị bao phủ hoàn toàn bởi bụi bê tông màu trắng đang hốt hoảng chạy khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới. Đó là Marcy Borders, một nhân viên 28 tuổi của ngân hàng Bank of America.

Bức hình được chụp ngay sau khi máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp đôi vốn là niềm tự hào của nước Mỹ. Sau khi bức hình được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Marcy được biết đến trên thế giới với cái biệt danh “Quý bà phủ bụi”.

Cô đã qua đời ngày 24/8 ở tuổi 42 sau 1 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày. Marcy cho rằng nguyên nhân của căn bệnh quái ác chính là lượng bụi lớn mà cô hít vào trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9.

Người phụ nữ sống sót trong vụ khủng bố 11/9 qua đời - 1

Hình ảnh về “Quý bà phủ bụi” chụp ngày 11/9/2001

Người phụ nữ sống sót trong vụ khủng bố 11/9 qua đời - 2

Hai tòa tháp của Trung tâm thương mại thế giới đã hoàn toàn sụp đổ trong sự kiện 11/9

Michael Borders, chị gái của Marcy đã viết trên Facebook cá nhân: “Tôi không thể tin rằng em gái của tôi đã ra đi”. Em họ của Marcy là John Borde cũng chia sẻ thêm, cô là một “anh hùng” và cô “không may qua đời vì căn bệnh mà đã xâm nhập vào cơ thể kể từ ngày 11/9 định mệnh đó”.

John cho biết: “Tôi đã mất rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong và sau ngày bi thảm đó. Nỗi đau tưởng chừng đã lắng xuống thì nay đã quay trở lại”.

Bức ảnh của Marcy được chụp bởi Stan Honda, phóng viên hãng thông tấn AFP. Cô được đưa vào sảnh của một tòa nhà lân cận sau khi tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Cô không hề biết về bức ảnh cho đến khi mẹ cô gọi điện nói nhìn thấy ảnh của con gái trên truyền hình. Bức ảnh sau đó được bầu chọn trong danh sách 25 bức ảnh gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của tạp chí Time. Và nó vẫn là một biểu tượng cho những gây rắc rối của cô sau khi cuộc tấn công đã kết thúc.

Trước khi mất, Marcy đã nói với tạp chí Jersey Journal: “Tôi tin và chắc chắn rằng những hạt bụi đó là nguyên nhân bởi vì trước đó tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Có thể những hạt bụi đó đã kích thích sự phát triển các tế bào ung thư trong tôi. Tôi không có tiền sử bệnh cao huyết áp, lượng cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường. Không thể có chuyện bạn đang khỏe mạnh và thức dậy vào sáng hôm sau với căn bệnh ung thư”.

Marcy đến từ New Jersey và cô bắt đầu công việc mới của mình ở New York được 1 tháng khi thảm họa xảy ra. Cô làm việc ở tầng thứ 81 của tòa tháp phía bắc khi chiếc máy bay của hãng American Airlines đâm sầm vào tòa nhà. Thay vì trốn xuống gầm bàn của mình như lời người quản lý của cô đã ra lệnh, cô đã nhanh chóng chạy khỏi tòa nhà. Lúc đó đường phố xung quanh tòa nhà rất hỗn loạn. Những đám mây bụi khổng lồ đang bốc lên và rất nhiều người đi bộ bị thương do mảnh vỡ của tòa nhà.

Marcy cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011: “Khi tôi đang dọn dẹp bàn và chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc mới, chiếc máy bay đã lao vào tòa nhà. Tòa nhà bắt đầu rung mạnh và lắc lư. Tôi đã mất kiểm soát bản thân và thực sự rất hoảng loạn. Tôi đã làm theo cách của tôi để thoát ra khỏi nơi đó. Hàng trăm người đã cố gắng để thoát ra ngoài. Thang máy bị hư hỏng nặng và chúng tôi buộc phải di chuyển cầu thang bộ.

Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết. Nhưng thật may mắn vì tôi đã có sức khỏe để chạy được xuống phía dưới mặt đất. Tôi thấy có rất nhiều người bị thương. Tôi thấy mọi người bị bao phủ từ đầu đến chân trong máu. Tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Những gì tôi thấy là một cuộc thảm sát, và tôi nghĩ, “Chúa ơi, con sẽ chết mất thôi”.

Cuộc sống Marcy đã thay đổi theo chiều hướng đi xuống sau thảm họa năm 2001. Cô phải chiến đấu với bệnh trầm cảm nặng và trở nên con nghiện cocaine. Cô nói: “Tôi đã không làm công việc nào trong gần 10 năm qua, và đến năm 2011 tôi đã hoàn toàn bị bấn loạn. Tôi bị ám ảnh rằng Osama Bin Laden đã lên kế hoạch để tấn công nhiều hơn. Mỗi lần tôi nhìn thấy một chiếc máy bay, tôi cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Nếu tôi thấy một người đàn ông đứng trong một tòa nhà, tôi bị ám ảnh rằng anh ta sẽ bắn tôi”.

Người phụ nữ sống sót trong vụ khủng bố 11/9 qua đời - 3

Ảnh chụp Marcy Borders năm 2011

Sau khi bị mất quyền nuôi dưỡng hai đứa con của mình, Marcy vào trại cai nghiện vào tháng 4/2011 và vẫn còn tỉnh táo. Mùa hè năm ngoái, Marcy được các bác sỹ thông báo mắc bệnh ung thư dạ dày và sẽ phải trải qua một đợt điều trị bằng hóa chất. Sau đó, các bác sỹ tiếp tục lên kế hoạch điều trị cho cô bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu trong tháng 12/2014.

Noelle, con gái của Marcy, đã nói với tờ New York Post: “Mẹ tôi đã rất kiên cường chiến đấu với căn bệnh. Marcy không chỉ là “Quý bà phủ bụi”, Marcy là người hùng của tôi và sẽ sống mãi trong tôi”.

Thị trưởng thành phố New York, Bill Di Blasio đã viết trên trang Twitter cá nhân: “Marcy Borders ra đi làm chúng ta nhớ đến một bi kịch mà thành phố của chúng ta đã phải trải qua 14 năm trước đây. Cô sẽ mãi ở trong trái tim của chúng tôi”.

Hàng ngàn người có mặt tại Ground Zero, khu vực xảy ra thảm kịch, trong ngày 11/9/2001 và những ngày sau đó - bao gồm nhân viên cấp cứu, những người sống sót và người dân địa phương – đã bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong năm 2011, Quỹ Bồi thường 11/9 đã được mở trở lại để đền bù cho các nạn nhân gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu quả của cuộc tấn công.

Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong 14 năm qua cho thấy, có rất nhiều người làm việc và sinh sống ở khu vực trung tâm thành phố tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công bị mắc các bệnh về hô hấp. Những người bị bệnh trước đó thì trở nên trầm trọng hơn. Có ít nhất 1.646 trường hợp ung thư được thống kê trong số những người có mặt đầu tiên và tham gia cứu hộ.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đưa ra bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa sự kiện 11/9 và bệnh ung thư ở những người có mặt tại khu vực Ground Zero trong và ngay sau cuộc tấn công. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi sức khỏe của những người sống sót và nhân viên cứu trợ sau thảm họa một phần vì bệnh ung thư cần nhiều thời gian để phát triển hơn so với các bệnh đường hô hấp.

Không khí tại khu vực Ground Zero chứa rất nhiều bụi bê tông bị vỡ vụn, những mảnh vỡ của thủy tinh và các chất gây ung thư, theo một báo cáo của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh năm 2011.

Sự kiện 11/9 diễn ra vào 11/9/2001. Một nhóm gồm 19 tên không tặc cướp 4 máy bay dân dụng do hãng Boeing sản xuất đang trên các đường bay nội địa Mỹ. Nhóm không tặc đã điều khiển 2 trong số 4 chiếc máy bay đó lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York, Mỹ – mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất. Thời gian giữa 2 lần tấn công cách nhau khoảng 18 phút.

Trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau đó, cả hai tòa tháp bị sụp đổ hoàn toàn. Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở quận Arlington, bangVirginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, bang Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.

Nếu không tính 19 không tặc, có tất cả 2.974 người thiệt mạng trong vụ tấn công, 24 người khác bị mất tích và xem như đã chết. Trùm khủng bố người Ả-rập-xê-út Osama Bin Laden được cho là chủ mưu của cuộc tấn công và bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan vào năm 2011.

Hoàng Nam (The Guardian)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự