'Quyền được chết không thuộc phạm trù y tế'

Ngày 26/04/2015 00:09 AM (GMT+7)

Theo PGS Bùi Công Toàn, nếu cho phép quyền được chết thì nó sẽ thuộc về phạm trù tinh thần, xã hội chứ không thuộc về y tế. Vì bác sĩ được dạy cứu người, chứ không dạy giết người.

Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, đối với những bệnh nhân nặng, sống còn khổ hơn chết (chủ yếu là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối) thì luật nên có những quy định cho họ quyền được chết sao cho thanh thản, đỡ phải sống trong đau khổ. Tuy nhiên, có không ít nhà xã hội, thậm chí là cả bác sĩ lên tiếng phản đối dự thảo này. Bởi quyền được sống của con người là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Trước những tranh cãi xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Bùi Công Toàn – Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đồng thời là người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Quyền được chết không thuộc phạm trù y tế - 1

Khi trao đổi về vấn đề “quyền được chết” đối với các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đang phải sống trong đau đớn, PGS.TS.BS Bùi Công Toàn thẳng thắn khẳng định: “Tôi không đồng ý dự thảo luật này”.

PGS Toàn cho biết: “Con người sinh ra là thứ quý giá nhất ở đời, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rất rõ trong Tuyên ngôn độc lập, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Trong đó, Bác đã khẳng định quyền sống là đầu tiên. Đó là chân lý không ai có thể chối cãi được”.

Theo BS Toàn, hiện nay ở một số nước đã cho phép quyền được chết, nhưng con số đó là không nhiều. “Đối với nước đạo phật chiếm vị trí cao trong đời sống tinh thần như nước ta, thì không ai thừa nhận quyền được chết. Điều này cũng được chứng minh qua những nước theo đạo phật như Trung Quốc họ cũng không đồng ý cho phép quyền được chết vào luật”.

“Lật lại vấn đề, nếu dự thảo đó được đưa ra trong hệ thống pháp quyền với những nội dung chi tiết và đầy đủ thì Việt Nam cũng không ai thực hiện. Nếu có đi chăng nữa thì nó thuộc về phạm trù tinh thần, xã hội chứ không thuộc về y tế”, PGS Toàn nói.

Với cương vị là một người bác sĩ, PGS Toàn thẳng thắn: “Đối với những bác sĩ như chúng tôi, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường và đến khi vào nghề chúng tôi được dạy cứu người, chứ chưa ai dạy chúng tôi giết người bao giờ.

Nếu có thì phải mang ra trường bắn, mang ra nơi khác chứ về mặt y tế không ai làm chuyện đó, đó là điều chắc chắn và rõ ràng. Với lương tâm là một con người và là người bác sĩ tôi không có khai niệm trong đầu”.

“Là người bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư, có nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi vào giai đoạn muộn, gia đình đề nghị chúng tôi là: “còn nước, còn tát”. Lúc đó chúng tôi có nói với bệnh nhân: “Bác cứ yên tâm không phải là còn nước còn tát, mà còn bùn chúng tôi cũng tát, còn bùn chúng tôi cũng sẽ vét sạch”.

Đối với mọi người quyền sống rất thiêng liên, đặc biệt là người bệnh khi cận kề cái chết thì từng giây, từng phút quyền sống của họ lại thiêng liêng hơn bao giờ hết”, bác sĩ Toàn chia sẻ.

Hy vọng với những ý kiến từ những người trong cuộc là những bác sĩ, những nhà quản lý y tế và những ý kiến từ người dân, Bộ Y tế nói riêng cũng như cơ quan lập pháp Việt Nam sẽ có những cân nhắc và quyết định phù hợp về việc cho phép hay không cho phép “quyền được chết” vào luật.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự