TP HCM: Học sinh chung tay phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 01/10/2015 13:13 PM (GMT+7)

Quận 2 từng được xem là khu vực ít người bị sốt xuất huyết, thế nhưng, mới đây, số lượng ca mắc tăng lên đến 249% so với cùng kì năm trước.

Học sinh quan tâm phòng dịch bệnh

Trong thời gian qua, TP HCM được xem là thành phố có số người bị sốt xuất huyết cao nhất khu vực miền Nam. Tuy nhiên, ở quận 2, số người mắc bệnh khá ít, do tổ chức tuyên truyền tốt. Thế nhưng, ông Phan Thành Phước (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 2) cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh này đang tăng đột biến.

TP HCM: Học sinh chung tay phòng chống sốt xuất huyết - 1

Báo cáo viên đang giao lưu với học sinh tại một trường phổ thông

Ông Phước cho hay, tại quận 2, số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tăng gần 249% so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân số người nhiễm bệnh tăng được xác định là do địa phương có nhiều công trình, dự án xây dựng, dân cư đông đức, người dân vệ sinh lơ là, vệ sinh môi trường kém…

Trong khi đó, trên khắp TP, số lượng người nhập viện nhiều là học sinh. Đây là môi trường thuận lợi để bệnh phát triển. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP thực hiện chuỗi chương trình “Bác sĩ học đường” để thực hiện truyền thông phòng chốt suất trong buổi chào cờ ở các trường.

Tại các buổi truyền thông, các báo cáo viên thảo luận sôi nổi về dịch bệnh sốt xuất huyết và cách phòng bệnh. Tất cả các buổi, rất nhiều câu hỏi được học sinh đặt ra thể hiện sự quan tâm của các em. Đồng thời, nhiều em khẳng định, không có lăng quăng là không có sốt xuất huyết.

Thầy giáo Võ Nu - Trợ lý thanh niên của trường PTTH Nguyễn Hữu Cầu đã có những chia sẻ rất tâm huyết với chương trình: “Dịch Sốt xuất huyết hiện đang là dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân nói chung và đến học sinh nhà trường nói riêng. Do đó, việc truyền thông phòng bệnh sốt xuất huyết là một việc làm rất cấp thiết cần triển khai trong nhà trường.

Qua buổi truyền thông, các em học sinh đã biết thêm được nhiều thông tin về sốt xuất huyết và cách phòng bệnh có lợi cho các em và người thân trong gia đình. Rất mong Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố cùng với Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên sẽ cùng phối hợp với nhà trường trong thời gian đến về nhiều chủ đề khác để công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường ngày một tốt hơn”.

Người nhập viện tiếp tục tăng

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM) cho biết, tuần vừa qua, toàn TP HCM có 617 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 15% so với trung bình 4 tuần trước và tương đương với đỉnh dịch năm 2011. Tính đến ngày 29/10, thành phố có tổng cộng 9.984 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện tại, trung tâm ghi nhận có 100 phường xã có ca bệnh trong 4 tuần liên tục gần nhất…

TP HCM: Học sinh chung tay phòng chống sốt xuất huyết - 2

Sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP HCM vẫn tiếp tục tăng

Để tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, tích cực diệt lăng quăng và tránh bị muỗi đốt. Khi gia đình có người bị sốt xuất huyết, cần nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh vào báo ngay cho y tế địa phương.

Về bệnh tay chân miệng, tuần vừa qua có 311 ca nhập viện, tăng 39% so với số ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Trung bình mỗi ngày của tuần 39 có hơn 40 trường hợp Tay chân miệng nhập viện. Tính đến ngày 29/10, toàn thành phố có 5.402 trường hợp tay chân miệng nhập viện, thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2014.  

Tháng 9 hằng năm là thời gian cao điểm đối với bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mọi người và nhất là trẻ em, người chăm sóc trẻ nên thực hiện 4 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.

Mọi người cần rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, thường xuyên lau sạch các bề mặt tường, sàn, đồ vật, tay nắm cửa, vịn cầu thang đặc biệt là đồ chơi, vật dụng học tập của trẻ, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo cho y tế địa phương.  

Tường Vy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết