TP.HCM: Phạt nặng nếu thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Ngày 23/09/2015 09:37 AM (GMT+7)

Một số hộ dân đã bị phạt vì không hợp tác, thờ ơ với việc phòng dịch. Trong đó, có một người đàn ông bị phạt số tiền lên đến 1,5 triệu đồng.

Nhiều hộ dân không hợp tác

Sốt xuất huyết trở thành đề tài “nóng” tại TP HCM. Bởi, số lượng người nhập viện vì bệnh này tăng theo từng ngày. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại thành phố, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin dự phòng.

Để bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo mỗi gia đình cần chủ động, dành 10 phút mỗi tuần để truy tìm và loại bỏ tất cả những vật có thể ứ đọng nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; khuyến khích các gia đình sử dụng những biện pháp xua muỗi diệt muỗi trong nhà như bình xịt muỗi, nhang xua muỗi… để phòng tránh muỗi đốt.

TP.HCM: Phạt nặng nếu thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết - 1

Nhân viên bệnh viện phát tờ rơi truyền thông phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết cho người dân đến khám bệnh

Trong khi đó, có nhiều hộ dân thờ ơ với việc phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết, nhiều gia đình không đồng ý. Ghi nhận tại quận 10, có khoảng 40% đến 50% gia đình không hợp tác đối với việc phun thuốc, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.

Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho hay, đối với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không thực hiện thì chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân.

Ông Hưng chia sẻ, thời gian qua, một số quận huyện đã thực hiện điều này. Tại quận Bình Thạnh, một người dân ở phường 25 bị phạt 750 nghìn đồng do thải vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm. Cùng phường, một người đàn ông khác bị phạt 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, các phường lân cận cũng phổ biến và phạt một số hộ dân.

Khuyến khích các gia đình

Bác sĩ Dũng cho biết, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 9.357 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tuần vừa qua, toàn thành phố đã có 592 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Trung tâm ghi nhận có 95 phường xã có ca bệnh trong 4 tuần liên tục gần nhất… Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch vừa và nhỏ.

Điều tra dịch tễ tại các ổ dịch đều phát hiện ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong những vật chứa nước thông thường  như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó, những điểm nguy cơ tập trung như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải…

TP.HCM: Phạt nặng nếu thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết - 2

Đoàn giám sát dịch bệnh của Sở Y tế TP HCM làm việc tại quận 2

Xác định đây là những yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết, từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai hoạt động giám sát điểm nguy cơ đến từng phường xã với 2 nội dung chính là truyền thông nâng cao ý thức người dân và kiểm tra định kỳ đối với những địa chỉ nguy cơ. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả những yếu tố nguy cơ này không chỉ là sự nỗ lực của riêng ngành y tế mà cần có sự tham gia của toàn thể cộng đồng từ chính quyền đến các ban ngành đoàn thể, đến từng người dân.

Tuần qua, các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện chỉ thị UBND cũng tiếp tục tiến hành giám sát thực địa tại các ổ dịch và làm việc với Uỷ ban nhân dân các quận huyện trên toàn thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh của quận huyện. 

Trong buổi họp giao ban định kỳ với các Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp kiểm soát dịch đã thống nhất sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố  chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần liên tục trong 8 tuần kể từ 20/9 và phun hoá chất diệt muỗi diện rộng tại các ổ dịch kéo dài. Bên cạnh đó là các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng điều tra dịch tễ góp phần kiểm soát bệnh hiệu quả. 

Nhật Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot