Ấn Độ: Bị bắt sống với hàng xóm để “cấn nợ” cho chồng

Ngày 22/04/2015 23:17 PM (GMT+7)

Một người phụ nữ Ấn Độ bị hội đồng làng ra lệnh phải sống với người hàng xóm sau khi chồng cô bỏ trốn với vợ ông ta.

Cô Mamta Bai, 25 tuổi, sống ở bang Rajasthan - Ấn Độ, bị hội đồng làng Notara Bhopat yêu cầu hoặc là chuyển sang nhà của ông Rajendra Meghwal hoặc phải bồi thường số tiền 100.000 INR (tương đương 103,7 triệu đồng) cho người đàn ông này.

Nguyên nhân là chồng của Mamta, Kalulal Meghwal, “tòm tem” với vợ ông Rajendra, tên là Sonia, sau đó cả hai bỏ trốn cùng 2 đứa con của người đàn bà ngoại tình.

Ấn Độ: Bị bắt sống với hàng xóm để “cấn nợ” cho chồng - 1

Cô Mamta Bai (phải) và mẹ chồng Moni Bai. Ảnh: Hindustan Times

Hồi tuần trước, cô Mamta phàn nàn với cảnh sát rằng ông Rajendra đến gặp một thành viên hội đồng làng vào ngày 17-4, đề nghị cho ông ta “giữ lại Mamta” hoặc được nhận tiền “bồi thường thiệt hại”. Người phụ nữ cho biết hội đồng làng chấp thuận yêu cầu của ông Rajendra và ra lệnh cho cô chọn một trong hai cách trên.

Vì không có tiền “trả nợ” và cũng không muốn chung sống với người hàng xóm, Mamta quyết định nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát. Tuy nhiên, hội đồng làng và người dân địa phương đã bác bỏ cáo buộc của cô. Cảnh sát quận Bundi thông báo họ không tìm thấy bằng chứng về vụ kiện của người phụ nữ trong khi ông Rajendra và một người anh em của mình tên Heeralal đã bỏ trốn vài ngày sau khi biết mình bị kiện.

Mẹ chồng của Mamta, bà Moni Bai, 55 tuổi, cáo buộc hội đồng làng bắt bà tham gia một cuộc họp tại đền Baba Ramdev ở Notara Bhopat đêm 17-4. Khi không chấp nhận yêu cầu của họ và báo cảnh sát, bà Moni cho biết ông Rajendra và những người anh em ném đá làm hỏng tay nắm cửa nhà mình.

Bà Moni cũng khẳng định Rajendra đã vay của con trai bà là Kalulal 28.600 INR (9,9 triệu đồng) từ vài năm trước và người hàng xóm muốn nhân cơ hội để xóa nợ. Viên cảnh sát Satyanarayan cho biết họ đang tìm kiếm Rajendra để làm rõ khiếu nại của hai mẹ con Mamta.

Hội đồng làng ở Ấn Độ thường hành động ngoài vòng pháp luật và duy trì những chuẩn mực đạo đức nhất định. Họ bị đổ lỗi cho các lệnh cấm mang tính bảo thủ, gia trưởng như cấm phụ nữ mặc quần áo bó sát, cấm giới trẻ dùng điện thoại di động và là nguồn gốc khiến tình trạng giết người vì danh dự lây lan.

Theo P.Nghĩa (Người lao động/Hindustan Times)
Nguồn:

Tin liên quan