Bể xương người Kim Ngưu và thực hư 'ngôi nhà ma'

Ngày 21/05/2015 19:07 PM (GMT+7)

Ở Hà Nội, một số người hoang truyền những câu chuyện rợn người, mang màu sắc ma quái xung quanh không ít ngôi nhà. Không chỉ ngôi nhà số 300 Kim Mã, ngôi nhà cổ ven bờ hồ Hoàn Kiếm mà lời đồn thổi còn “ám” cả những ngôi nhà khác như ngôi nhà tại ngõ 392 Bạch Mai, ngôi nhà ở phố Khương Trung...

Hoang truyền "ngôi mộ tròn" thành "căn nhà ma"

Người ta nói rằng ngôi nhà ở cuối ngõ 392 phố Bạch Mai, chủ nhà rao bán cả mấy năm nay không ai mua, vì... có ma. Vợ chồng chủ nhà mời thầy về yểm bùa vẫn không được. Những người thuê nhà nửa đêm ngủ thường mơ có phụ nữ tóc trắng đến đứng ở đầu giường đòi trả lại nhà nên họ không trụ được ở đây lâu...

Bể xương người Kim Ngưu và thực hư ngôi nhà ma - 1

Bể xương nạn nhân nạn đói năm 1945. Ảnh: H.Phương

Giữa trưa mùa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến ngõ 392 Bạch Mai để xem “ngôi nhà ma quỷ” đó như thế nào. Thật bất ngờ, tại nơi người ta đồn thổi, người dân đều không biết hay chưa được từng nghe đến những câu chuyện nào như vậy. Ngõ nhỏ nhà cửa san sát, sầm uất kéo dài và thông sang ngõ 402 Bạch Mai.

Đáng nói là tìm mỏi mắt cũng không có ngôi nhà nào bỏ hoang ở đây như lời đồn thổi, thêu dệt (?!). Chỉ có một điều người dân bản địa kể lại rằng, trước đây ở cuối ngõ 392 Bạch Mai nối sang ngõ 402 có một nấm mộ hoang, hình tròn, không có chủ. Khi san lấp để xây nhà, ngôi mộ này đã được cải táng và chuyển đi. Thế là chẳng biết từ đâu loang ra lời đồn rằng "nấm mộ này rất thiêng, nếu phạm vào đó sẽ bị tai họa". Tuy nhiên, thực tế đến nay, nhà cửa mọc lên quanh đó san sát, chẳng còn chút vết tích mồ mả nào.

Chúng tôi đến phố Khương Trung (quận Thanh Xuân) - nơi cũng xuất hiện tin đồn về một căn nhà bỏ hoang được coi là “ngôi nhà có ma, có cả tiếng trẻ con khóc lẫn tiếng người cười về đêm”. Đó là đoạn đường song song với đường Kim Giang, kéo dài từ Nguyễn Trãi vào đến phố Định Công. Tuy nhiên, hỏi chuyện thì anh Tuyến, một người dân sống ở khu vực này khẳng định: “Làm gì có chuyện có ma.

Tiếng trẻ con khóc mà người ta nói chẳng qua là tiếng mèo kêu. Khu vực này trước đây tối om om, lại nằm sát sông Tô Lịch nên nhiều người “thần hồn nát thần tính” nghĩ ra vậy thôi. Bây giờ điện đường sáng trưng thì chẳng ai sợ nữa”. Quả nhiên, sau khi đoạn đường này được hoàn thiện, điện đường sáng trưng đã dẹp tan những tin đồn không đúng sự thật.

Mảnh đất có bể xương người

Chúng tôi đi dọc sông Kim Ngưu thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, hỏi về nấm mồ chôn người trong nạn đói 1945 thì không một ai hay biết. Tuy nhiên, khi hỏi về bể xương khổng lồ thì người ta chỉ cho vào ngõ 559/86/17 đường Kim Ngưu. Đó là một con ngõ nhỏ, lọt thỏm giữa những dãy nhà nối nhau cao vút chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Khu tưởng niệm hàng vạn nạn nhân nạn đói 1945 nằm khiêm tốn ở cuối ngõ. Tấm bia lớn được đính trên tường ngoài cổng ghi: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”.

Nơi chúng tôi đứng, ngay dưới phần bê tông kia là hàng vạn bộ hài cốt được chôn tập thể của đồng bào ta hơn nửa thế kỷ trước. Hàng nghìn, hàng vạn số phận tang thương chen chúc nằm lẫn lộn dưới đó. Chúng tôi băn khoăn rằng, liệu dấu tích về một quá khứ bi thương còn lại duy nhất ở Thủ đô có ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh đây hay không? Thực tế cho ra câu trả lời là: “Không!”. Thật ngạc nhiên khi giữa hàng nghìn, hàng vạn bộ hài cốt của người chết thì cư dân vẫn quây quần sống đông đúc.

Ông Nguyễn Sơn, một người dân sống ở khu Kim Ngưu kể: “Chẳng thấy ma quấy, cũng chẳng có chuyện đồn thổi gì cả. Tôi lại thấy yên tâm bởi nếu có những “hồn ma” thì họ sẽ phù hộ chúng tôi, họ là đồng bào mình cả”. Ngay cổng khu tưởng niệm là tấm bê tông lớn khắc tạc bài văn tế của giáo sư Vũ Khiêu cho những vong hồn xấu số. Trong nhà lưu niệm vẫn còn đó những bức ảnh đen trắng đắt giá ghi lại quá khứ tang thương của nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh.

Ông Đặng Văn Tuyến, người nhiều năm trông coi khu tưởng niệm cho biết: “Ngày trước, khu tưởng niệm rộng hơn. Đô thị hoá nhanh chóng làm cho diện tích khu tưởng niệm chỉ còn 158 m2”. Theo ông Tuyến, không có sách vở nào cũng như cá nhân nào thống kê được có bao nhiêu bộ hài cốt được chôn trong bể xương này. Người ta chỉ ước lượng con số lên đến hàng chục nghìn con người xấu số. Là người dân gốc ở Kim Ngưu, lại làm Tổ trưởng tổ dân phố 69A từ năm 1996, hơn ai hết ông Tuyến nắm rất rõ quá trình tồn tại của bể xương khổng lồ này.

Theo nhiều người dân ở phường Vĩnh Tuy, ở khu vực này có tới 2 bể xương chứ không phải là một. Bể xương lớn hiện nằm dưới bia tưởng niệm. Còn bể xương nhỏ với diện tích khoảng 50m2 hiện nay nằm lẫn trong nhà dân. Vậy là ở đây vẫn còn cảnh người sống và người chết "sống chung" với nhau...

“Bể xương người này xây dựng từ năm 1951 và đến năm 2003 được Chính phủ trùng tu tôn tạo. Trước đây một số thông tin cho rằng bể xương này là do công của một người phụ nữ tên N. đã miệt mài dày công thu nhặt hơn 300 chiếc tiểu khắp vùng chợ Mơ tập kết về đây là không đúng sự thật”.

Ông Tuyến, người trông coi khu tưởng niệm có bể xương ở Kim Ngưu

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự