"Có dấu hiệu hình sự vụ diễn viên hài Công Lý bị chế ảnh"

Ngày 18/11/2014 14:24 PM (GMT+7)

Nếu chứng minh được việc chế ảnh khỏa thân này nhằm tư thù cá nhân hoặc vì mục đích nào đó nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của Công Lý thì những người liên quan có dấu hiệu của hành vi "Làm nhục người khác"...

Cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” do NXB Lao động - Xã hội xuất bản với trang bìa là hình ảnh diễn viên hài Công Lý cởi trần, hai tay cầm hai cán cân, mặc chiếc quần lót đã gây ra những phản cảm rất lớn. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, hành vi ghép ảnh này, dù là mục đích trêu đùa hay mục đích gì thì ít nhiều ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân.

Vụ việc nhỏ, hậu quả lớn

Với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, trong thời gian gần đây có rất nhiều những hình ảnh của cá nhân, những clip ghi hình, những đoạn ghi âm được phát tán trên mạng internet. Sự lan truyền trong các trang mạng xã hội nhanh đến mức chóng mặt, kéo theo đó là những bình luận đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến người có hình ảnh, clip bị phát tán.

Có thể nói, việc những hình ảnh "không đẹp" của một số người xuất hiện trên mạng Internet (ngoài ý muốn của họ) trong thời gian gần đây đã vượt xa ranh giới "chuyện đùa" và đang nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý.

quot;Có dấu hiệu hình sự vụ diễn viên hài Công Lý bị chế ảnhquot; - 1

Hình ảnh diễn viên hài Công Lý bị chế ảnh

Chúng ta đều biết, pháp luật đã có nhiều quy định bảo vệ tuyệt đối quyền nhân thân của mỗi người dân. Vậy hành vi của người phát tán hình ảnh, clip có được xem là vi phạm pháp luật hay không? Và mức độ xử lý như thế nào? Liệu đã có bao nhiêu bị cáo bị đưa ra trước vành móng ngựa để xét xử theo đúng luật định? Cho dù, có không ít vụ chế ảnh, ghép ảnh đã gây ra những vụ việc đau lòng.

Vài tháng trước, hẳn mọi người vẫn nhớ, chỉ vì bị ghép ảnh chân dung vào tấm hình quảng cáo in ảnh cô gái mặc áo rộng cổ, một nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT ít ngày đã uống thuốc sâu tự tử. Theo đó, sự việc đau lòng trên xảy ra vào chiều 27/6, tại thôn 8 (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội), nạn nhân là cháu N.T.T.L (SN 1995, vừa học xong lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất).

Trong lúc đi học thêm, cháu L đã bị Nguyễn Thanh H (bạn học cùng lớp) chụp ảnh chân dung rồi ghép vào ảnh một cô gái xinh đẹp mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng xã hội. Phát hiện sự việc, cháu L đã yêu cầu H gỡ bức ảnh nếu không sẽ tự tử. Tuy nhiên, vì nghĩ chỉ là trò đùa nên nam sinh đăng bức ảnh không làm theo.

Chiều cùng ngày, cháu L đã mua thuốc diệt cỏ rồi mang về nhà uống. Khi phát hiện, người thân đã nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện Thạch Thất cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viên Bạch Mai. Do nhiễm độc quá nặng, sáng ngày 1/7, cháu L đã tử vong. 

Vi phạm pháp luật

Trở lại vụ NXB Lao động- Xã hội xuất bản cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” với trang bìa là hình ảnh diễn viên hài Công Lý cởi trần, hai tay cầm hai cán cân, mặc chiếc quần lót đã gây ra những phản cảm không chỉ cho nạn nhân mà cả nhiều những xem.

Cuốn sách này được xuất bản với số lượng 1.000 cuốn. Sau khi biết được thông tin, nghệ sĩ Công Lý bất bình cho rằng NXB cần có động thái tích cực, chủ động liên lạc để có buổi làm việc rõ ràng và có lời xin lỗi công khai. Trong một diễn biến liên quan, Cục Xuất bản (Bộ TT&TT) đã giao cho các phòng chức năng tiến hành xác định mức độ sai phạm và đề xuất hướng xử lý vụ việc.

Rõ ràng hành vi ghép ảnh, chế ảnh này, dù là mục đích trêu đùa hay mục đích gì thì ít nhiều ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân. Nhất là khi nạn nhân đã có động thái yêu cầu người ghép ảnh xóa bỏ những hình ảnh phản cảm ấy mà họ vẫn cố tình không thực hiện thì có thể xem xét về động cơ và lỗi cố ý của người có hành vi làm nhục người khác. Hiện nay, thực trạng nhiều người lạm dụng mạng xã hội, hoặc chế ảnh in sách có những hành vi gây ảnh hưởng đến người khác đang rất báo động.

quot;Có dấu hiệu hình sự vụ diễn viên hài Công Lý bị chế ảnhquot; - 2

Luật sư Dương Kim Sơn cho rằng những hành vi chế ảnh, ghép ảnh có thể gây hậu quả lớn

Cần phải lưu ý, với mỗi con người thì việc cảm thấy bị làm nhục, bị tổn thương là khác nhau. Trường hợp của cháu L, vì bị chế ảnh mà xấu hổ dẫn đến tự tử thì có nghĩa là với cháu ấy hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm. Đối với trường hợp của diễn viên hài Công Lý bị chế ảnh phản cảm in sách, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của vụ việc này để có căn cứ xử lý.

Có thể nói, hình ảnh cá nhân là quyền về nhân thân của cá nhân người đó, quyền này được pháp luật bảo vệ và được quy định cụ thể trong các điều 31, 33, 34 Bộ luật Dân sự. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân, thậm chí chỉ công bố thông tin về bí mật đời tư cũng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định của pháp luật, không ai có quyền phát tán hình ảnh, thông tin bí mật đời tư nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Người phát tán hình ảnh, clip là hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi. Việc tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.

Theo quy định tại Điều 31 (Bộ luật Dân sự): "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác; nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Có thể khẳng định, hành vi phát tán ảnh khỏa thân, ảnh sinh hoạt đặc biệt, chế ảnh của người khác nếu nhằm mục đích xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp cụ thể của diễn viên hài Công Lý, nếu các cơ quan chức năng chứng minh được việc chế ảnh khỏa thân này nhằm tư thù cá nhân hoặc vì mục đích nào đó nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của diễn viên này thì những người liên quan có dấu hiệu của hành vi "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 121 (BLHS).

Theo quy định tại điều luật này: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Có thể nói, việc phát tán hình ảnh riêng tư của người khác là vi phạm pháp luật. Nếu diễn viên Công Lý chứng minh được quyền lợi bị thiệt hại, đời tư bị xâm phạm là có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu NXB Lao động- Xã hội bồi thường hoặc yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý những đối tượng liên quan. 

Luật sư Dương Kim Sơn

Đoàn luật sư Hà Nội

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Công Lý